Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Liên kết cụm giúp dệt may nâng sức cạnh tranh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Liên kết cụm giúp dệt may nâng sức cạnh tranh

Sơn Nghĩa

Liên kết cụm giúp dệt may nâng sức cạnh tranh
Hoạt động theo cụm sẽ giúp ngành dệt may nâng sức cạnh tranh? Ảnh: S.N

(TBKTSG Online) – TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương nên sớm thành lập cụm ngành công nghiệp dệt may thông qua việc liên kết giữa các doanh nghiệp, các nhà cung ứng và các tổ chức có liên quan để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành xuất khẩu này.

Nhóm chuyên gia của Viện Chính sách công (IPP) thuộc Đại học Kinh tế TPHCM và Viện Quản lý nghiên cứu kinh tế trung ương đề nghị như trên tại buổi hội thảo “Nâng cao năng lực của cụm ngành dệt may trên địa bàn TPHCM và một số địa phương lân cận”. Hội thảo do Trung tâm WTO thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM tổ chức ngày 21-11, tại TPHCM.

Kim ngạch cao, giá trị thấp

Giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của ngành may hiện ở mức cao và liên tục tăng từ năm 2000 cho đến nay, nhưng hiệu quả xuất khẩu của ngành dệt may hiện đang khá thấp. Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm WTO tại TPHCM cho biết tại buổi hội thảo.

Trong tất cả các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu hiện nay của Việt Nam, dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng lớn nhất. Năm 2011 giá trị xuất khẩu hàng dệt may đã lên tới 14 tỉ đô la Mỹ, tăng 25% so với năm 2010 và chiếm 14,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thị trường xuất khẩu hàng dệt may chủ yếu của Việt Nam là Hoa Kỳ, EU,và Nhật Bản. Thị phần của Việt Nam trên thế giới giai đoạn 2005 – 2008 tăng từ 1,7% lên 2,5%, thuộc nhóm năm quốc gia có quy mô xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.

Theo nhóm chuyên gia của Viện Chính sách công (IPP) thuộc Đại học Kinh tế TPHCM và Viện Quản lý nghiên cứu kinh tế trung ương, dù ngành dệt may đóng góp tỷ trọng lớn vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước mỗi năm. Tuy nhiên, tỷ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu của ngành dệt may hiện cũng rất lớn, lên tới 70-80%; giá trị gia tăng của các sản phẩm dệt may xuất khẩu còn thấp, chỉ khoảng 25% so với kim ngạch xuất khẩu.

Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam, tỷ suất lợi nhuận của ngành chỉ đạt từ 5 đến 10%.

Hiện trạng trên một phần là do liên kết dọc giữa các công đoạn trong chuỗi giá trị dệt may hiện nay còn yếu khiến cho ngành dệt may Việt Nam không thể chủ động được nguồn nguyên liệu để sản xuất các mặt hàng may mặc với giá trị gia tăng cao hơn.

Hiện nay giá bông, vải và nguyên phụ liệu dệt may khác trên thị trường thế giới đang biến động mạnh, gây sức ép rất lớn cho doanh nghiệp sản xuất may mặc Việt Nam. Bên cạnh đó, đòi hỏi của các người mua trên thế giới ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, chi phí sản xuất và thời gian giao hàng.

Xu hướng mua hàng của các nhà nhập khẩu lớn trên thế giới hiện đang thay đổi, các nhà mua hàng lớn tại Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu muốn chọn những doanh nghiệp có khả năng sản xuất trọn gói, từ kéo sợi, dệt vải cho đến cắt, may sản phẩm cuối. Do đó, nếu không chủ động nguồn nguyên phụ liệu thì ngành dệt may Việt Nam sẽ khó có thể thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu ở phương thức cao hơn.

Hoạt động theo cụm để nâng giá trị

Định vị ngành dệt may Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu từ đó xác định được lợi thế so sánh của các công đoạn sản xuất của ngành dệt may Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị dệt may toàn cầu là cơ sở quan trọng để thiết kế chiến lược nâng cấp chuỗi một cách khả thi và hiệu quả nhằm sản xuất sản phẩm dệt may có giá trị gia tăng cao hơn. Vì vậy, việc đề xuất thành lập cụm cho ngành dệt may nhằm nâng cao năng lực của ngành này.

“Nếu ngành dệt may hoạt động theo cụm thành công như mong đợi, TPHCM sẽ đưa các ngành xuất khẩu chủ lực của thành phố hoạt động theo cách thức này”, ông Phạm Bình An, cho biết.

Theo TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright, thành viên của nhóm nghiên cứu, khái niệm cụm ngành đem đến một cách tiếp cận mới về năng lực cạnh tranh, và qua đó, một phương thức tư duy mới về cách thức phối hợp, xây dựng, và nâng cao năng lực cạnh tranh của một nền kinh tế (quốc gia, khu vực hay địa phương) thông qua việc gia tăng năng suất và hiệu quả hoạt động, kích thích và thúc đẩy đổi mới.

Cụ thể đối với ngành dệt may, theo TS Vũ Thành Tự Anh, khi thành lập cụm cho ngành này sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận với các nhân tố đầu vào chuyên biệt như nguyên vật liệu, thông tin, dịch vụ, lao động kỹ năng, thể chế, cũng như các “hàng hóa công” khác.

Ngoài ra, khi hoạt động theo cụm, các doanh nghiệp trong ngành có thể tăng tốc độ, giảm chi phí điều phối và chi phí giao dịch giữa các doanh nghiệp trong cụm ngành. Doanh nghiệp còn tăng khả năng truyền bá các thực hành tốt và kinh nghiệm kinh doanh hiệu quả, thúc đẩy cạnh tranh nhờ so sánh trực tiếp với các doanh nghiệp trong cụm ngành. Doanh nghiệp hoạt động trong cụm bắt buộc phải đổi mới doanh nghiệp của mình so với các đối thủ cạnh tranh.

Bên cạnh đó, khi hoạt động theo cụm, các doanh nghiệp sẽ tăng khả năng nhận diện cơ hội đổi mới công nghệ và mở rộng thị trường do tiếp cận được với nhiều nguồn thông tin (chẳng hạn như về sự tồn tại của các nhu cầu chưa được đáp ứng, về thị hiếu tinh tế và yêu cầu khắt khe của khách hàng).

Doanh nghiệp cũng đổi mới dễ dàng hơn nhờ sự hiện hữu của nhiều nhà cung ứng, các chuyên gia hàng đầu và các thể chế hỗ trợ. Giảm chi phí và rủi ro thử nghiệm công nghệ mới nhờ sự sẵn có của nguồn lực tài chính và kỹ năng, dịch vụ hỗ trợ và các doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp còn giảm chi phí thương mại hóa các sản phẩm mới và thành lập doanh nghiệp mới trong hệ sinh thái cụm ngành nhờ sự có sẵn các nguồn lực về tài chính và kỹ năng”, TS Vũ Thành Tự Anh nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới