Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Liên kết ngăn giảm giá gạo xuất khẩu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Liên kết ngăn giảm giá gạo xuất khẩu

Phạm Thái

Liên kết ngăn giảm giá gạo xuất khẩu
Xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó khăn, đối tác lợi dụng để "đè" giá gạo. Ảnh:TL.

(TBKTSG Online) – Đang bước vào cao điểm thu hoạch lúa hè thu, nhiều đối tác đã lợi dụng thời điểm nguồn cung dồi dào để “đè” giá gạo Việt Nam xuống. Theo nhiều doanh nghiệp, liên kết với nhau là biện pháp hiệu quả để tránh tình trạng trên.

Ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Intimex TPHCM chuyên về các mặt hàng nông sản, cho biết trong các tháng vừa qua có thời điểm giá gạo Việt Nam xuống thấp, đối tác lợi dụng để ép giá gạo xuống thấp đến giá thành.

Trong bối cảnh đó, ông phải bàn bạc, liên kết với một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn khác là Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Nông Sản Thực Phẩm An Giang (Afiex), nơi cũng được đối tác chào mua, kiên quyết giữ giá ban đầu, và đã thành công.

Giám đốc một công ty lương thực chia sẻ việc một quỹ đầu tư góp vốn và có mặt trong hội đồng quản trị, tham gia vào hoạt động kinh doanh một số doanh nghiệp lương thực đã cổ phần hóa cũng giúp việc trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp này thông suốt hơn.

“Đối tác gặp doanh nghiệp nào cũng nhận được mức chào với gạo cùng chất lượng như nhau nên không có nhiều cơ hội để “đè giá”, trừ khi doanh nghiệp chủ động giảm giá”, ông này nói.

Khó khăn trong hoạt động xuất khẩu cũng được Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) liên tục thông tin. Trước khó khăn của ngành gạo Việt Nam, nhiều đối tác lợi dụng để “bẻ” hợp đồng, không mua nữa hoặc để ép giảm giá gạo.

Mới đây, VFA đã thông tin trường hợp Công ty Phoenix Commodities PVT. LTD (Phoenix) đã ký hợp đồng mua 20.000 tấn gạo với Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) nhưng không thực hiện hợp đồng. VFA đã yêu cầu các doanh nghiệp hội viên tạm ngưng đăng ký các hợp đồng gạo ký với Phoenix cho đến khi giải quyết xong hợp đồng của Vinafood 2.

Theo VFA, kết quả giao hàng từ ngày 1-7 đến ngày 12-7 đạt 133.463 tấn, trị giá FOB (giao hàng tại mạn tàu) đạt trên 59 triệu đô la Mỹ. Lũy kế xuất khẩu từ đầu năm đến ngày 12-7 đạt 3,547 triệu tấn, trị giá FOB là 1,626 tỉ đô la Mỹ.

Theo trang thông tin Oryza, giá chào gạo 5% tấm của Việt Nam ngày 17-7 tiếp tục nằm ở mức thấp nhất trong các quốc gia xuất khẩu, dao động từ 405-415 đô la Mỹ/tấn, trong khi giá gạo Ấn Độ là 415 – 425 đô la Mỹ/tấn, mức chào này được giữ nhiều ngày qua.

Riêng Thái Lan đã giảm giá gạo xuống 5 đô la Mỹ/tấn, ở mức 560-570 đô la Mỹ/tấn, cao hơn gần 150 đô la Mỹ/tấn so với gạo Việt Nam.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới