Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Liên kết nông nghiệp: 10 năm vẫn dậm chân tại chỗ!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Liên kết nông nghiệp: 10 năm vẫn dậm chân tại chỗ!

Thùy Dung

Liên kết nông nghiệp: 10 năm vẫn dậm chân tại chỗ!
Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chất vấn – Ảnh: Internet

(TBKTSG Online) – Mặc dù Quyết định về liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp đã ra đời cách đây 10 năm nhưng các chương trình gần như không đi vào cuộc sống, nếu không muốn nói là thất bại. Trong khi đây là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững ngành nông nghiệp.

Đây là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Cao Đức Phát sáng nay 11-6.

Chích sách 10 năm vẫn chưa đi vào cuộc sống

Mở đầu buổi chất vấn, Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết – Bà Rịa Vũng Tàu khẳng định chủ trương liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp) là đúng nhưng quá trình thực hiện không thành công, thậm chí thất bại và bị lãng quên. Đồng ý kiến, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Kiên Giang cho hay, hiện nay ở Đồng Bằng Sông Cửu Long các mặt hàng như gạo, khoai lang, tôm, cá tra đều rớt giá thảm hại, nông dân thua lỗ. Điều này, theo bà Bé một phần là do chủ trương liên kết 4 nhà bị chậm đi vào thực tế.

Thừa nhận thực tế trên, Bộ Trưởng Cao Đức Phát cho hay, năm 2014, Bộ đã triển khai thực hiện liên kết 4 nhà với cây lúa ĐBSCL, đã có hơn 100 doanh nghiệp liên kết với nông dân trên 72.000 héc ta, nhưng chỉ 45.000 héc ta thành công, còn lại bỏ cuộc.

“Tại sao mối liên kết vừa qua chưa thành công?” – Bộ trưởng Phát gợi mở và trả lời, do doanh nghiệp thực sự muốn làm nông nghiệp còn ít, họ còn thiếu nguồn lực tài chính, con người, có sở hạ tầng kho tàng, bến bãi….Hơn nữa, trong nông thôn, số lượng tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) rất ít, doanh nghiệp rất khó khăn để liên kết với hàng chục nghìn hộ nông dân.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phát cũng đổ lỗi cho chính quyền địa phương. “Các địa phương cần phải thành lập ban chỉ đạo, đưa ra các tiêu chí về cánh đồng lớn cũng như quy hoạch chi tiết cho từng tỉnh. Nhưng tới nay, mới chỉ có 10 tỉnh thực hiện việc này” – Bộ trưởng Phát nói.

Bộ trưởng Phát cho hay, Bộ đã tiến hành tổng kết 10 năm liên kết 4 nhà và đã ban hành Quyết định 62 với nhiều chính sách hỗ trợ để tạo động lực liên kết mạnh mẽ hơn.

Tiếp nối những thắc mắc của các vị đại biểu trước, đại biểu Đỗ Văn Đương – TPHCM yêu cầu Bộ trưởng cho biết nguyên nhân vì sao rất ít doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp. Ông Đương cũng yêu cầu ngành phải có chính sách mạnh mẽ hơn nữa để huy động nguồn lực, phát triển nông nghiệp bền vững nhưng trừ doanh nghiệp Trung Quốc.

Bộ trưởng Phát giải thích, doanh nghiệp “ngại” đầu tư vào nông nghiệp là do không có đất. Theo ông, diện tích đất nông nghiệp đã được chia cho 10 triệu hộ nông dân, không thể gom ruộng đất của nông dân để giao cho doanh nghiệp dù biết doanh nghiệp có thể làm hiệu quả hơn. Doanh nghiệp muốn làm chỉ còn cách lấy đất từ nông, lâm trường, nhưng diện tích này cũng có hạn.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng kể một loạt những nguyên nhân khác như thiếu tổ hợp tác, HTX, cơ sở hạ tầng, công tác quản lý dịch bệnh còn yếu….

Bộ trưởng Phát cho biết thời gian tới sẽ nghiên cứu cơ chế cho doanh nghiệp thuê lại đất nông dân theo vùng. “Vĩnh Phúc đã có chính sách hỗ trợ nông dân cho doanh nghiệp thuê lại ruộng đất. Tôi cho rằng đây là hướng đi đúng” – Bộ trưởng Phát nói.

Bộ trưởng vẫn “né” trách nhiệm

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm – TPHCM chất vấn: “Với góc độ là bộ trưởng ngành, theo Bộ trưởng trong các khâu sản xuất nông nghiệp thì đâu là khâu yếu nhất ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp nước nhà?”. Đồng thời bà Tâm cũng yêu cầu người đứng đầu ngành ngành chịu trách nhiệm cũng như đưa ra cách thức chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Bộ trưởng Phát trả lời: “Nỗi lo nhất của tôi là khâu tiêu thụ nông sản và khâu chế biến chưa tương xứng. Nông dân làm rất giỏi nhưng khâu chế biến chưa theo kịp nên nhiều trường hợp vẫn bán nguyên liệu thô chưa có nhiều giá trị gia tăng. Muốn chế biến và tiêu thụ được phải có doanh nghiệp”.

Để cải thiện điều này thời gian tới sẽ có nhiều chính sách để thu hút nhiều doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI tham gia vào chuỗi liên kết với nông dân, đầu tư vào nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần phải hội nhập quốc tế để tiêu thụ sản phẩm. Có những lĩnh vực có lợi thế khi hội nhập như thủy sản và trồng trọt, nhưng cũng có lĩnh vực kém hơn đó là chăn nuôi. “Chúng tôi đang thực hiện rà soát để xem ở đâu có giống tốt nhất, có công nghệ hiện đại nhất trên thế giới để áp dụng tại Việt Nam, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi” – Bộ trưởng Phát hứa.

Chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng, bà Tâm đã nhấn nút lần hai để truy vấn: “Tôi đồng ý là khâu giống cũng như tổ chức sản xuất đang là khâu yếu kém nhất. Nhưng tại sao trong suốt một thời gian dài mà chúng ta vẫn chưa khắc phục được những yếu kém, tồn tại này trong ngành nông nghiệp. Và bộ trưởng cũng chưa nói rõ trách nhiệm của mình. Xin bộ trưởng làm rõ lại”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá đây là một câu hỏi khó và đề nghị Bộ trưởng Phát tiếp tục trả lời.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho hay, bộ cũng luôn chú trọng việc nghiên cứu chọn tạo, nhập nội giống cây trồng vật nuôi vào nước ta, cố gắng ngang bằng với các nước, phát triển giống đặc thù. “Về trách nhiệm, tôi thừa nhận trong định hướng và chỉ đạo vẫn chưa được quyết liệt để có chuyển biến mạnh mẽ. Chúng tôi cũng trăn trở cố gắng làm nhưng hiệu quả chưa được như mong đợi” – Bộ trưởng Phát nói

Bên cạnh đó, có ít nhất 5 đại biểu đã hỏi lại Bộ trưởng vì cho rằng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng liên quan đến vấn đề hỗ trợ chuyển đổi trồng lúa sang trồng màu, việc Chính phủ chi hơn 470 tỉ đồng để phát triển đất lúa, việc hỗ trợ đối với ngành chăn nuôi khi hội nhập…

Một con gà thịt chịu 14 loại phí kiểm dịch

Đại biểu Đỗ Văn Đương TPHCM đánh giá các câu trả lời của Bộ trưởng còn quá chung chung. Đồng thời, ông cũng đề nghị Bộ trưởng làm rõ về thông tin mà các cử tri nói đó là một con gà thịt chịu 14 loại phí kiểm dịch khác nhau. “Nếu đúng như vậy thì sẽ gây ra rất nhiều chi phí về lưu thông và giải pháp khắc phục” – ông Đương nói.

Về vấn đề này Bộ trưởng Phát cho hay, qua báo chí, Bộ đã biết rằng Đoàn đại biểu TPHCM đã gặp lãnh đạo Vissan và Vissan đã đưa ra thông tin đó. Sau đó, bộ đã cử Cục trưởng Cục thú y đi kiểm tra và báo cáo lại. “Cục Thúy y đã báo cáo lại, về cơ bản cơ quan thú y thực hiện theo quy định của luật pháp hiện hành chứ không sai” – Bộ trưởng Phát quanh co.

Đồng thời Bộ trưởng Phát cho hay, Bộ đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị sửa lại thông tư quy định về phí thú y và Thông tư do Bộ NNPTNT đề xuất đã được Bộ Tài Chính chấp thuận. “Xin Bộ trưởng Bộ Tài chính ra thông báo dừng ngay thông tư này vì đây là thông tư do Bộ Tài chính ban hành, chúng tôi không có thẩm quyền dừng” – Bộ trưởng Phát nói.

Đọc thêm:

Chính sách nông nghiệp: Vừa đủng đỉnh, vừa hấp tấp

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới