Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Liên kết vùng ĐBSCL đang chờ “nhạc trưởng”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Liên kết vùng ĐBSCL đang chờ “nhạc trưởng”

Trung Chánh

Liên kết vùng ĐBSCL đang chờ “nhạc trưởng”
Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, Phó trưởng Ban chỉ đạo MDEC-Vĩnh Long 2013 – Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL là hoạt động được tổ chức thường niên nhằm giúp các địa phương của ĐBSCL liên kết, hỗ trợ nhau thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Trước thềm Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL năm 2013 (MDEC- Vĩnh Long 2013), được tổ chức tại Vĩnh Long từ 21 đến 24-11-2013, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã có cuộc trao đổi với bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, Phó trưởng Ban chỉ đạo MDEC-Vĩnh Long 2013 (ảnh) xung quanh vấn đề này.

TBKTSG Online: Công tác chuẩn bị cho MDEC- Vĩnh Long 2013 đến nay ra sao rồi, thưa bà?

Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh: Tính đến nay, công tác chuẩn bị cho MDEC- Vĩnh Long 2013 đã đạt trên 85% khối lượng công việc so với kế hoạch đề ra.

Cụ thể, chúng tôi đã xây dựng và hoàn chỉnh kế hoạch, chương trình, nội dung, thời gian, địa điểm tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ diễn đàn này.

Ngoài ra, chúng tôi đã cùng với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Ban thư ký diễn đàn trực tiếp làm việc với các cơ quan liên quan để phối hợp tổ chức các hội thảo, hội nghị, diễn đàn hợp tác chuyên đề trong diễn đàn lần này. Song song đó, chúng tôi cũng đã làm việc với Đại sứ quán, Lãnh sự quán các nước, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để mời họ tham gia các sự kiện và tài trợ cho diễn đàn.

Chúng tôi đang tiến hành thi công, trang trí các đường dẫn vào Khu triển lãm – Hội chợ theo kế hoạch cũng như các hoạt động phục vụ công tác tuyên truyền. Ban tổ chức cũng đã khảo sát và lập kế hoạch bố trí nơi ăn, nghỉ cho đại biểu tham dự diễn đàn lần này…

Với chủ đề “Hướng đến nền kinh tế xanh” MDEC- Vĩnh Long 2013 có gì nổi bật so với những lần tổ chức trước?

Điểm nổi bật của MDEC- Vĩnh Long 2013 là các hoạt động, sự kiện sẽ gắn liền với chủ đề “ĐBSCL hướng đến nền kinh tế xanh” nhằm thể hiện quyết tâm hướng tới mục tiêu xây dựng, phát triển khu vực ĐBSCL năng động, bền vững, không phá vỡ cân bằng sinh thái; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với bảo tồn thiên nhiên; tái cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm, tiếp cận thị trường quốc tế, nâng cao mức sống người dân và góp phần xây dựng nông thôn mới…

Đây cũng là dịp để chúng tôi sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện chương trình liên kết, hợp tác phát triển kinh tế, xã hội giữa các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Từ đó, tìm giải pháp hợp tác có hiệu quả hơn nhằm tối ưu hóa mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển và nâng cao sức cạnh tranh của toàn vùng.

Thông qua các hoạt động của diễn đàn lần này, chúng tôi còn vận động các nhà tài trợ, mạnh thường quân đóng góp cho quỹ an sinh xã hội nhằm xây dựng các công trình phúc lợi xã hội công cộng, xây dựng nhà ở cho gia đình chính sách, hộ nghèo, cấp học bổng cho học sinh, sinh viên khó khăn trong khu vực.

Ngoài ra, diễn đàn năm nay sẽ tập trung trưng bày, giới thiệu và tôn vinh những thành tựu, sản phẩm gắn với mục tiêu xây dựng và phát triển môi trường xanh, kinh tế xanh, sử dụng nguồn năng lượng sạch, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu…

Liên kết vùng là mục tiêu quan trọng không chỉ được nhắc đến ở MDEC- Vĩnh Long 2013 mà được nói tới nhiều lần trong các kỳ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL trước. Tuy nhiên, đến nay mục tiêu trên vẫn chưa được như kỳ vọng. Theo bà, nguyên nhân do đâu?

Ý tưởng liên kết vùng được đặt ra đã lâu, nhưng đến nay vẫn thiếu một chính sách, cơ chế pháp lý rõ ràng để hoạt động này thực thi có hiệu quả.

Thứ nhất, do yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, vì nhiệm vụ phải đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng nên ít nhiều giữa các địa phương trong vùng có sự cạnh tranh nhau trong thu hút đầu tư, tỉnh nào cũng muốn tận dụng những lợi thế sẵn có để cố gắng thu hút đầu tư về địa phương mình, không theo một quy hoạch tổng thể chung cho cả vùng.

Thứ hai, do chưa xây dựng được cơ chế phối hợp giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng ĐBSCL với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và quan trọng hơn là đang thiếu một “nhạc trưởng” giữ vai trò điều phối trong việc xây dựng chuỗi liên kết. Vì vậy, dù các tỉnh đã có chương trình ký kết hợp tác với nhau nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Từ đó, công tác chỉ đạo điều hành hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; phát triển hạ tầng giao thông; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng nền nông nghiệp chất lượng và bền vững, chủ động hội nhập… của các địa phương còn thiếu sự liên kết.

Thứ ba, do sự quan tâm đầu tư của Trung ương về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển của vùng.

Vậy để khắc phục những yếu kém trong liên kết vùng, chúng ta nên bắt đầu từ đâu và thực hiện như thế nào, thưa bà?

Theo tôi, trong thời gian tới cần làm mấy việc như sau:

Thứ nhất, nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển nền kinh tế của vùng.

Thứ hai, phối hợp quy hoạch phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là mạng lưới giao thông nhằm tạo sự kết nối giữa các địa phương trong vùng và những vùng lân cận.

Thứ ba, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, phát triển nhanh nguồn nhân lực có trình độ cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư… mở rộng hợp tác về phát triển công nghiệp, đào tạo, y tế, du lịch, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ…

Thứ tư, tăng cường hợp tác giữa các địa phương trong vùng về lĩnh vực xúc tiến đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; sử dụng chung kết cấu hạ tầng vùng về công nghiệp như xử lý chất thải rắn, cấp nước, chợ đầu mối…; phối hợp tuyên truyền, quảng bá du lịch và hình thành các tour du lịch liên tỉnh; khai thác, sử dụng và bảo vệ bền vững tài nguyên nước, bảo vệ môi trường.

Thứ năm, phối hợp xây dựng và ban hành danh mục các chương trình, dự án mang tính chất vùng cần mời gọi đầu tư, trên cơ sở đó đẩy mạnh công tác quảng bá giới thiệu, xúc tiến mời gọi đầu tư.

Thứ sáu, cùng nghiên cứu để phân bố lại lực lượng sản xuất, điều chỉnh quy hoạch phát triển phù hợp với thế mạnh của từng địa phương, phù hợp với quy hoạch của vùng.

Xin cám ơn bà!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới