Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Liên kết vùng ở đâu!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Liên kết vùng ở đâu!

Kinh tế Sài Gòn

(KTSG) – Bảo đảm lưu thông hàng hóa, tránh hiện tượng “ngăn sông cấm chợ”. Đó là chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ kể từ ngày đầu dịch Covid-19 xâm nhập Việt Nam cho đến nay. Thậm chí, ngay cả khi cả nước hay từng địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, quan điểm chỉ đạo này cũng không thay đổi. Lãnh đạo các địa phương cũng không ít lần nhắc tới quan điểm chỉ đạo này cùng với cam kết bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho các khu vực bị cách ly.

Thế nhưng, hình ảnh trái ngược nhau giữa những quầy thực phẩm tươi sống có lúc trống không trong các siêu thị ở TPHCM và nỗi lo của nông dân trước những cánh đồng rau củ vắng bóng thương lái ở các tỉnh, cho thấy quan điểm chỉ đạo từ các cấp chính quyền đã không đến được các chốt kiểm soát phong tỏa.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, nếu các tỉnh và thành phố liên kết, phối hợp chặt chẽ được với nhau để cùng tìm giải pháp cung ứng hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, thì tình hình cung ứng thực phẩm thiết yếu cho TPHCM có căng thẳng như những ngày qua không.

Từ hàng chục năm trước, vấn đề liên kết vùng đã được đặt ra giữa TPHCM với các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ. Hàng chục cuộc hội thảo đã được tổ chức, nhiều thỏa thuận cũng đã được ký kết. Lẽ ra, trong bối cảnh vô cùng khó khăn do dịch bệnh như hiện nay, mối quan hệ liên kết đó phải được phát huy. Nhưng thực tế lại cho thấy mối liên kết giữa các vùng ở khu vực miền Đông và Tây Nam bộ dường như đã gãy đổ, và còn đáng tiếc hơn khi nó bị gãy đổ giữa lúc các địa phương cần có sự liên kết nhất.

Cho đến nay, giải pháp phòng chống dịch trong hoạt động vận chuyển hàng hóa vẫn là chốt kiểm soát và giấy xét nghiệm. Thậm chí, cả sau khi Bộ Y tế yêu cầu không cần kiểm tra giấy xét nghiệm tài xế xe tải giữa các tỉnh đang giãn cách theo Chỉ thị 16, thì các lái xe vẫn rất vất vả với giấy xét nghiệm khi qua các chốt kiểm soát.

Cách kiểm soát như vậy đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung thực phẩm tươi sống cho hàng chục triệu người sống trong vùng cách ly. Thế nhưng, lãnh đạo các địa phương dường như lại không thử đặt câu hỏi, liệu chốt kiểm soát và giấy xét nghiệm có hiệu quả phòng chống dịch không, khi mà nó trực tiếp gây ra cảnh tập trung đông người ở các khu xét nghiệm cũng như các chốt kiểm soát? Ngoài giấy xét nghiệm thì có còn giải pháp nào khác tốt hơn không?

Nguyên tắc căn bản của phòng chống Covid-19 là không tiếp xúc. Chỉ cần dựa theo nguyên tắc này thì không khó để tìm ra giải pháp thuận tiện, hiệu quả và đỡ tốn kém hơn cho người dân và doanh nghiệp. Đó có thể là giải pháp “một cung đường, hai điểm đến” và “ba tại chỗ” mà một số địa phương đang áp dụng cho khối doanh nghiệp sản xuất. Nếu kết hợp hai giải pháp này, trong đó tổ chức chỗ ăn nghỉ tập trung cho tài xế, người bốc xếp hàng hóa để họ tạm thời không phải trở về nhà trong thời gian giãn cách, thì ách tắc sẽ có cơ hội được giải quyết. Vấn đề còn lại là các tỉnh có thống nhất liên kết để phối hợp với nhau không.

Để cho chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu bị đứt gãy khiến cho nhiều người dân TPHCM phải chịu thiệt hại kép. Một mặt bị mất thu nhập do không thể đi làm, mặt khác họ còn phải mua thực phẩm tươi sống với giá cao gấp 2-3 lần bình thường. Nông dân ở các tỉnh thậm chí có thể còn thiệt hại nặng nề hơn khi trái cây, rau củ của họ không thể thu hoạch và chở về thành phố.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới