Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Liên minh khoa học kiến nghị đưa ra khỏi quy hoạch các dự án điện than chưa xây dựng

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – 10 liên minh và tổ chức – đại diện cho 200 nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và chống biến đổi khí hậu, vừa kiến nghị Bộ Công Thương có sự điều chỉnh bản dự thảo Quy hoạch điện VIII trước khi trình Chính phủ, trong đó bao gồm việc đưa ra khỏi quy hoạch các dự án điện than chưa xây dựng.

Theo đó, thứ nhất, đưa ra khỏi quy hoạch các dự án điện than chưa triển khai xây dựng; thứ hai, ưu tiên các giải pháp chính sách để tháo gỡ khó khăn trước mắt và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo bền vững trong tương lai.

10 liên minh và tổ chức đại diện cho 200 nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch đề xuất Bộ Công Thương điều chỉnh dự thảo Quy hoạch điện VIII theo hướng đưa ra khỏi quy hoạch các dự án điện than chưa triển khai xây dựng. Ảnh minh họa: Trung Chánh

Nội dung nêu trên được thể hiện trong tuyên bố “khát vọng điện sạch, phát triển xanh” của 10 liên minh và tổ chức đại diện cho 200 nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và chống biến đổi khí hậu.

Trong tuyên bố này, 10 liên minh và tổ chức cho rằng, trong dự thảo Quy hoạch điện VIII  vẫn có kế hoạch tiếp tục phát triển điện than mới trong 10 năm tới và điều này sẽ đặt Việt Nam vào “nhóm số ít” các quốc gia đi ngược với nỗ lực chung của toàn cầu trong cắt giảm nhiên liệu hóa thạch để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.

Trong tuyên bố này cũng cho biết, hầu hết các dự án điện than mới sẽ sử dụng nguồn than nhập khẩu, trong khi đó giá than đang tăng “phi mã”.

Cụ thể, giá than 6 tháng đầu năm 2020 là 98,8 đô la Mỹ/tấn, thì đến năm nay đã tăng lên 159,7 đô la Mỹ/tấn. Trong khi đó, giá than được dự báo trong dự thảo quy hoạch điện VIII vào năm 2030 chỉ ở mức 75 đô la Mỹ/tấn. “Như vậy, giá sản xuất điện than đưa ra trong dự thảo đang thấp hơn so với thực tế”, tuyên bố viết.

Theo tuyên bố của 10 liên minh và tổ chức, nếu tính cả chi phí ngoại biên (chi phí môi trường, sức khỏe), thì giá sản xuất điện than có thể tăng thêm 5 xu Mỹ/kWh, tức điện than có mức giá tương đương 15-16 xu Mỹ/kWh, đắt hơn tất cả các loại hình năng lượng tái tạo hiện nay.

Mặt khác, với tỷ trọng điện hóa thạch cao, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với thuế các bon của các nước phát triển nên sẽ mất đi ưu thế cạnh tranh. “Đồng thời, Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng điện sạch và theo đuổi mục tiêu trung hòa các bon mà họ cam kết”, tuyên bố viết.

Ngoài ra, tuyên bố cũng cho rằng, dự thảo quy hoạch điện VIII chưa phản ánh được chủ trương Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về phát triển năng lượng quốc gia.

Ngày 30-8, Bộ Công Thương có Văn bản số 5321/BCT-ĐL gửi các Bộ, ngành và đơn vị liên quan để xin ý kiến góp ý đối với Báo cáo Quy hoạch điện VIII sau khi đã rà soát.

Theo kế hoạch, sau khi nhận được các ý kiến góp ý, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu và giải trình nghiêm túc các ý kiến, hoàn thiện Đề án trước khi trình Hội đồng thẩm định xem xét, có ý kiến và hoàn thiện toàn bộ nội dung Đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Theo Bộ Công Thương, trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, các nguồn điện năng lượng tái tạo tiếp tục được ưu tiên phát triển với tỷ lệ hợp lý, hài hòa giữa các miền, đảm bảo các tiêu chí kinh tế – kỹ thuật và vận hành, phù hợp với chương trình phát triển hệ thống điện tổng thể giai đoạn tới năm 2030. Năng lượng tái tạo (không tính thủy điện) sẽ tăng từ mức khoảng 17.000 MW hiện nay lên 31.600 MW vào năm 2030, chiếm tỷ lệ khoảng 24,3% tổng công suất đặt toàn hệ thống.

Bộ này cũng cho biết, quy hoạch điện VIII hạn chế tối đa phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới. Các dự án nhiệt điện than tiếp tục triển khai là những dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, phần lớn đã có chủ đầu tư được Bộ Công Thương đánh giá tình khả thi cao sẽ được kế thừa trong Quy hoạch điện VIII. Tổng công suất đặt các nguồn điện than trong phương án phụ tải cơ sở năm 2030 là 40.700 GW, thấp hơn so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh khoảng 15.000 MW.

Nhiều nhà máy điện than trên toàn quốc đã không được xem xét để phát triển trong thời gian tới tại các khu vực như Hải Phòng, Quảng Ninh, Long An, Bạc Liêu, Tân Phước… và được thay thế bằng các nguồn điện khí LNG. Tỷ trọng các nhà máy nhiệt điện than chiếm khoảng 31% năm 2030 trong kịch bản phụ tải cơ sở và khoảng 28% với kịch bản phụ tải cao, theo Bộ Công Thương.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới