Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Liệu các cuộc hôn nhân có tốt đẹp?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Liệu các cuộc hôn nhân có tốt đẹp?

TS. Tôn Thanh Tâm

(TBKTSG) – Chưa bao giờ người trong cuộc lẫn ngoài cuộc lại thấy rõ mục tiêu “sáp nhập, hợp nhất, mua lại” các tổ chức tín dụng (TCTD) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cổ xúy công khai đến vậy. Liệu các cuộc hôn nhân theo kiểu “sáp nhập, hợp nhất, mua lại” có diễn ra theo đúng kịch bản hay lại có những phản ứng phụ trái chiều gây ra hiệu ứng đô-mi-nô cho hệ thống?

Chắc chắn trước một quyết định, dù thế nào, vẫn luôn ẩn chứa tính hai mặt của một vấn đề, mà các cơ quan quản lý nhà nước chưa lường hết được. Đó là:

– Nếu nhân đà này, các TCTD lớn hợp nhất với nhau tạo thành một hoặc một vài TCTD cổ phần lớn nhất Việt Nam, với mức vốn pháp định có thể lên đến 50.000-60.000 tỉ đồng (lớn hơn tổng vốn pháp định của bốn ngân hàng thương mại quốc doanh cộng lại) đủ để chi phối toàn bộ thị trường tài chính – ngân hàng thì sao?

Liệu lúc này thị trường tài chính ngân hàng vẫn bình ổn hay sẽ có những xáo trộn khó tiên lượng trước những hành động trái chiều? Bởi hiện tại NHNN chỉ đưa ra các ứng xử đối với các ngân hàng nhỏ (tức chỉ giới hạn dưới) nhưng chưa có những quy định cho ngân hàng lớn (giới hạn trên).

– Hiện NHNN đang dự thảo thông tư hướng dẫn và đang xin ý kiến về quy định chỉ cho phép các TCTD có đủ mức vốn pháp định 3.000 tỉ đồng mới được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội hoặc TPHCM.

Câu hỏi đặt ra là thị trường chứng khoán sinh ra để làm gì? Lúc này các TCTD mới cần đến nó chứ không phải khi thuận buồm xuôi gió mới cần đến. Hơn nữa các cổ đông của TCTD sẽ nói gì, hành động gì khi có những quy định đi ngược lại lợi ích của hàng ngàn cổ đông góp vốn chứ không phải là của một cá nhân hay của một ngân hàng nào đó.

– Nếu NHNN lo ngại trước sự gây rối của một số TCTD trong việc huy động nguồn vốn với lãi suất cao, hay sự chi phối quá mức của một số cổ đông lớn tại một số TCTD thì các quy định về an toàn hoạt động được NHNN đặt ra như: tỷ lệ an toàn vốn, khả năng thanh khoản, các giới hạn góp vốn mua cổ phần… để làm gì? Có lẽ vấn đề quan trọng ở đây chính là năng lực kiểm tra, giám sát, cảnh báo của NHNN.

– Một hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh, hiệu quả đòi hỏi sự nỗ lực chung của cả hai phía: cơ quan quản lý nhà nước (tức NHNN) và các TCTD. Lộ trình tăng vốn pháp định lên 3.000 tỉ đồng thậm chí là 30.000 tỉ đồng không phải là đích cuối cùng của các TCTD. Hơn nữa, để các cuộc hôn nhân diễn ra tốt đẹp hơn, có lẽ nên giãn tiến độ tăng vốn pháp định thêm một thời gian nữa để các bên có đủ thời gian tìm hiểu nhau sẽ là lựa chọn tốt hơn cho cả hệ thống trong giai đoạn hậu khủng hoảng này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới