Thứ Năm, 21/09/2023, 20:04
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Liệu có khủng hoảng giá lương thực?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Liệu có khủng hoảng giá lương thực?

TS. Võ Hùng Dũng, giám đốc VCCI Cần Thơ

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Trước tình hình bão lụt, hạn hán dồn dập làm mất mùa nhiều nơi và giá lương thực đang tăng trên khắp thế giới, liệu năm nay có tái diễn khủng hoảng giá lương thực như năm 2008?

Để không xảy ra khủng hoảng lương thực

>> Lại chuyện giá lương thực

Tương lai giá lúa gạo?

Tình hình lương thực thế giới rõ ràng đang rất căng thẳng. Có vấn đề từ cung cầu như nhu cầu gia tăng, nguồn cung không đáp ứng kịp. Nhưng có nguyên nhân lớn hơn là giá lương thực đang ở mức rất cao từ sau cơn khủng hoảng năm 2008 không có dấu hiệu dịu bớt mà đang có xu hướng gia tăng. Giá tăng cao làm cho người nghèo không tiếp cận được lương thực, các quốc gia đang phát triển với ngân sách hạn chế cũng bị đuối sức trong việc trợ cấp. Điều đó châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ở một số nước nơi sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn.

Rất khó có thể đưa ra đánh giá về thị trường trong tương lai xa. Lâu nay trong giới nghiên cứu hình thành hai khuynh hướng khác nhau khi nhìn về thị trường dài hạn.Khuynh hướng bi quan cho rằng thị trường lúa gạo sẽ căng thẳng, cung cầu mất cân đối.

Những căn cứ để đưa ra nhận định này cũng tương tự như những nguyên nhân đã được phân tích trong đợt khủng hoảng giá lương thực năm 2008. Đó là nhu cầu lương thực tăng do dân số thế giới tăng, trong khi đất canh tác giảm. Biến đổi khí hậu làm giảm năng suất, thậm chí nhiều vùng đất trồng lúa sẽ biến mất. Ngoài ra, nhu cầu nhiên liệu sinh học gia tăng làm giảm nguồn cung lương thực cho người.

Hơn nữa, giá dầu hỏa, nhiều loại nguyên liệu đầu vào gia tăng, dẫn tới chi phí đầu tư cho sản xuất lúa gạo tăng theo.Những đánh giá khác ít bi quan hơn cho rằng nhu cầu tiêu dùng gạo sẽ giảm ở các nước châu Á, đặc biệt là các nước lâu nay tiêu dùng nhiều gạo, khi thu nhập tăng lên. Trong khi đó, những tiến bộ công nghệ có thể mang lại năng suất lúa cao hơn, cho phép lúa trồng được ở vùng khô hạn, những vùng đất mà trước nay không được huy động bởi nhiều lý do. Giá cả lúa gạo leo thang sẽ kích thích các chương trình nghiên cứu, mối quan tâm và đầu tư của các chính phủ…

Cho dù có những đánh giá khác nhau về thị trường lúa gạo dài hạn, thì triển vọng về nguồn cung không mấy dồi dào so với nhu cầu gia tăng vẫn ám ảnh các nước tiêu dùng gạo. Xu hướng chung của giá lúa gạo là tiếp tục gia tăng bởi đầu vào của sản xuất đang gia tăng. Ngoài ra đất canh tác lúa đang bị giảm ở mức khó ngăn chặn cũng là một thực tế.

Một rủi ro rất khó dự đoán hiện nay là diễn biến bất thường của thời tiết hàng năm. Biến đổi khí hậu, ngoài việc làm mất đi nhiều vùng đất trồng lúa, cũng là nguyên nhân gây thời tiết thất thường, ảnh hưởng tới sản xuất lương thực.

Tuy nhiên, với hoạt động kinh doanh xuất khẩu, chuyện thừa thiếu, cung cầu mất cân bằng trong ngắn hạn, vài tuần, vài tháng vẫn có thể tạo nên những cơn sốt hoặc suy yếu của mức giá. Cho dẫu xu hướng trong dài hạn là tăng giá, nhưng trong mỗi thời điểm nào đó chuyện giá cả lên xuống vẫn xảy ra. Doanh nghiệp vẫn có thể bị lỗ, nông dân vẫn có thể bị thiệt thòi. Không doanh nghiệp nào và cũng không người nông dân nào có đủ khả năng giữ hàng trong kho để chờ thời cơ. Bởi không ai biết chắc chắn thời điểm nào thì giá sẽ tăng lên, thời điểm nào giá sẽ sụt giảm.

Đối phó như thế nào?

Từ bài học của năm 2008, không một chính phủ nào trên thế giới dám liều lĩnh cho tự do xuất khẩu lương thực trong những thời điểm nhạy cảm, giá cả tăng vọt, trong khi vẫn chưa biết chắc điều gì sẽ xảy ra. Các nhà nghiên cứu có thể nêu phán đoán, nhận định, có thể đúng, cũng có thể sai. Các ý kiến đúng sai đó không gây ra hậu quả trên thực tế, nhưng quyết định của chính phủ đúng hay sai có thể gây ra hậu quả. Hậu quả có thể lớn đến mức không thể bù đắp được, do đó khi chưa nắm chắc tình hình thì thận trọng vẫn tốt hơn.

Một vấn đề khác cũng cần nêu là không phải giá lúa tăng vọt thì tất cả các thành phần dân cư trong nước, kể cả nông dân, đều có lợi. Ngay cả nông dân trồng lúa, vì nhiều lý do (thiếu vốn, nợ nần, không có kho chứa…) đã bán lúa ngay sau khi thu hoạch thì khi giá lúa tăng lên họ cũng chẳng được lợi ích gì.

Trong khi các dự báo liên tục đưa ra tình hình lương thực căng thẳng thì giá gạo xuất khẩu hiện nay đang ở mức trầm lắng, một số doanh nghiệp đang băn khoăn đặt câu hỏi liệu có trái ngược nhau trong thông tin? Đây có thể là dấu “lặng” trước khi nổi sóng, nhưng cũng có thể là đã có sự chuẩn bị ở các nước phải nhập khẩu gạo để tránh biến động lớn như đã xảy ra hồi năm 2008.

Vào cuối năm 2007 cũng đã có nhiều cảnh báo đưa ra nhưng không ai lại nghĩ đến khủng hoảng năm 2008 lại xảy đột ngột đến như vậy. Chỉ khi có những diễn biến bất thường về thời tiết, thiên tai gây thiệt hại, một số nước đã từng xuất khẩu ban hành lệnh cấm xuất, một số nước nhập khẩu nhập chưa đủ số lượng theo dự kiến quá lo lắng với tình hình trong nước đã nâng mức giá mua, thị trường trở nên hoảng loạn.

Không lâu sau đó, người ta rà soát lại cung cầu và dự trữ trên thế giới và thấy rằng không đến mức thiếu hụt như vậy. Hiện nay, nhiều dấu hiệu cho thấy tình hình lương thực sẽ căng thẳng có thể không chỉ trong năm nay mà còn kéo dài trong năm tới. Yếu tố khó đoán trước được là tình hình thời tiết vào mùa mưa bão tới.

Hiện nay chính phủ ở nhiều nước đang chuẩn bị các kế hoạch đối phó, các kế hoạch có thể sẽ xoa dịu một phần và sau đó sẽ thành công nếu tình hình thời tiết thuận lợi. Ngược lại nếu mưa bão, lũ lụt, thiên tai gây mất mùa cộng thêm yếu tố tâm lý thì vấn đề sẽ hết sức phức tạp.

Năng lực dự trữ là then chốt

Trong những năm tới, dự báo thị trường xuất khẩu lúa gạo Việt Nam sẽ phức tạp hơn khi có nhiều công ty tham gia, mà cách điều hành vẫn như lâu nay là không phù hợp. Một ví dụ là việc hỗ trợ mua tạm trữ. Mua tạm trữ để ngăn việc rớt giá gây thiệt hại cho nông dân là hoàn toàn đúng. Nhưng người được lợi lớn từ chủ trương này là các công ty được mua tạm trữ.

Chính phủ yêu cầu ngân hàng cấp tín dụng cho các công ty mua tạm trữ và dùng ngân sách hỗ trợ lãi suất thì vấn đề đặt ra là ai được mua tạm trữ? Và trong số được mua đó thì công ty nào được mua nhiều, công ty nào được mua ít? Công bằng ở đây là gì? Nếu có các công ty nước ngoài tham gia thị trường nội địa thì Chính phủ có giao chỉ tiêu cho họ mua tạm trữ không? Nếu không cho họ mua thì luật chơi khi ta gia nhập WTO là gì?

Hai điểm yếu căn bản trong nền sản xuất và xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam lâu nay là tín dụng và kho chứa. Tín dụng đề cập ở đây là tín dụng cho nông dân chứ không phải là tín dụng cho các công ty xuất khẩu. Chưa giải quyết được bài toán này thì tình trạng bán lúa ngay sau khi thu hoạch vẫn tái diễn hàng năm.

Vấn đề thứ hai là kho chứa. Kho chứa lúa và gạo của các công ty thương mại hiện nay chỉ đáp ứng cho nhu cầu kinh doanh, quay vòng với thời hạn 5-6 tháng. Ít có kho chứa nào đạt chuẩn để chứa được trên một năm. Hệ thống kho dự trữ của nhà nước còn ít, thời gian bảo quản cũng chưa đảm bảo lâu. Mặc dù cơ chế mùa vụ của ta cứ ba tháng có vụ thu hoạch, đó là điểm mạnh giúp tiết kiệm lớn chi phí xây kho và lưu kho so với nhiều nước, nhưng nếu có bất trắc về mùa vụ, hay do thiên tai thì điểm mạnh này trở thành điểm yếu hết sức nguy hiểm.

Hệ thống kho dự trữ chiến lược phải bao gồm cả 3 cấp: nông dân chứa lúa quy mô nhỏ, thời gian ngắn; công ty kinh doanh chứa cả lúa và gạo được từ sáu tháng đến một năm và hệ thống kho dự trữ của Nhà nước, phải có khả năng bảo quản trên một năm. Chính phủ không kinh doanh, nhưng Chính phủ có thể mua lúa hoặc gạo vào kho lúc cần thiết, và đấu giá bán ra lúc tình hình thuận lợi. Đây là cái van, là hệ thống linh hoạt đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tham gia vào an ninh lương thực toàn cầu. Lương thực, lúa gạo là vấn đề lớn. Chính phủ cần can dự bằng chính sách chung và hệ thống điều tiết của mình chứ không thể giao hết cho các công ty, cho dù đó là các công ty nhà nước.

Để cải thiện năng lực cạnh tranh của lúa gạo, cần cải thiện chuỗi giá trị đang vận hành hiện nay và nâng cấp cụm ngành đang có. Để nâng cấp các cụm lúa gạo thì bên cạnh các nhà máy xay xát, đánh bóng cần có thêm hệ thống kho dự trữ đạt chuẩn. Khi thực hiện được việc này chúng ta mới có thể yên tâm với vấn đề an ninh lương thực quốc gia và tham gia khi thị trường thế giới bất ổn.

TS. Lê Văn Bảnh – Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL:

Cần giải pháp cho sản xuất lúa gạo bền vững

Theo báo cáo tại Hội nghị Lúa gạo thế giới lần thứ 3 tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 11-2010 thì hiện nay có gần một tỉ người trên thế giới đang thiếu lương thực. Và vấn đề này càng trầm trọng hơn do ảnh hưởng ngày càng lớn của biến đổi khí hậu – nhiều nơi sản xuất lương thực lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Nga… bị hạn hán, mưa lũ, cháy rừng.

Trong khi đó, trước tình hình khủng khoảng chính trị ở một số nước châu Phi trong những ngày qua, thì những nước đông dân như Indonesia, Trung Quốc… đã chủ động tăng cường tích trữ lương thực, càng làm cho lương thực ngày càng khan hiếm.

Trong thời gian tới, có khả năng có biến động giá lương thực nhưng có lẽ sẽ không xảy ra khủng hoảng lương thực vì các nước đã có kinh nghiệm về việc này vào năm 2008. Việt Nam mấy năm nay liên tiếp trúng mùa, và hiện nay vụ lúa đông xuân tiếp tục thắng lợi, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn có quá nhiều rủi ro. Biến đổi khí hậu gây thiên tai, dịch bệnh, khô hạn, ngập mặn, bão lũ… làm cho nguy cơ lúc nào cũng treo lơ lửng trên đầu người nông dân, do vậy chưa thể an tâm với nền sản xuất nông nghiệp chưa thật bền vững.

Việt Nam đóng góp trên 20% lượng gạo thương mại trên thế giới nên việc tăng giảm lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đóng vai trò quan trọng cho an ninh lương thực thế giới. Vấn đề là Việt Nam cần có giải pháp sản xuất lúa gạo thật bền vững để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; có chính sách giải quyết thỏa đáng việc phân phối lợi nhuận trong chuỗi giá trị lúa gạo cho công bằng giữa người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu; có chính sách cho người trồng lúa để người nông dân an tâm sản xuất, tăng sản lượng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới