Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Liệu đô la Mỹ có sụp đổ?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Liệu đô la Mỹ có sụp đổ?

Nguyễn Vũ

(TBKTSG) – Giá vàng tăng vọt như tên lửa phần lớn là do đô la Mỹ đang suy yếu, rất có thể là khởi đầu cho một quá trình sụp đổ của một đồng tiền được dùng trong giao thương quốc tế và dự trữ ngoại hối.

Liệu đô la Mỹ có sụp đổ?
 

Chỉ số đô la Mỹ đo lường sức khỏe đồng tiền này so với sáu đồng tiền mạnh khác giảm 9% so với thời điểm tháng 3-2020, theo Reuters. Người ta đang lo ngại nền kinh tế Mỹ sẽ chịu tác động xấu do dịch Covid-19 nặng nề hơn nhiều nước khác. Điều nghịch lý là giá các tài sản khác, như cổ phiếu công nghệ, vàng và kim loại khác tăng lên một phần do đô la Mỹ yếu đi nên chuỗi tác động này rất có thể sẽ đè nặng lên giá trị đô la Mỹ ở khắp thế giới.

Đó cũng là lời cảnh báo của tập đoàn Goldman Sachs vào tuần trước khi họ cho rằng đô la Mỹ có nguy cơ đánh mất vị thế là đồng tiền dự trữ của thế giới. Nhận định của Goldman Sachs dựa trên chính sách của Mỹ, sẵn sàng in thêm tiền để kích cầu nền kinh tế và cứu trợ người dân; cho đến nay Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã “tạo ra” một khoản tiền khổng lồ lên đến 2.800 tỉ đô la.

Ở đây, có lẽ phải mở ngoặc nói thêm về cơ chế “tạo ra” tiền của Fed. Có chức năng tương tự một ngân hàng trung ương của nước Mỹ, Fed có thể in tiền nhưng không phải bằng máy in mà chỉ cần gõ vào máy tính số tiền cần in. Fed có thể lấy tiền này cho vay nhưng như thế là tự đẩy mình vào chỗ rủi ro nên họ chọn cách khác. Đó là Bộ Tài chính Mỹ phát hành trái phiếu chính phủ và Fed lấy tiền vừa tạo ra để mua lượng trái phiếu này về cất giữ.

Ngoài ra, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Fed cũng khởi động các chương trình cho vay trực tiếp có sự bảo lãnh của Bộ Tài chính Mỹ. Có một đặc điểm cũng cần lưu ý; ví dụ Quốc hội Mỹ thông qua gói cho doanh nghiệp vay trị giá 500 tỉ đô la, do một cơ chế đặc biệt, Fed có thể nâng giá trị cho vay lên đến 4.000 tỉ đô la. Đó là do Fed không cần Bộ Tài chính Mỹ bảo lãnh toàn bộ trị giá khoản vay vì rủi ro chỉ vào khoảng 10%. Vì thế, 500 tỉ đô la Bộ Tài chính dùng để bảo lãnh có thể kích hoạt cho Fed giải ngân đến 4.000 tỉ đô la.

Trước đây, Mỹ có in thêm bao nhiêu tiền cũng không làm ai lo ngại chuyện lạm phát vì tiền in ra được cân đối bằng trái phiếu Mỹ, được các nước mua làm tài sản an toàn, đưa vào làm dự trữ ngoại hối. Nay có dấu hiệu các nước lo ngại chuyện Mỹ lạm dụng phát hành trái phiếu khối lượng lớn để nâng đỡ nền kinh tế vượt qua đại dịch.

Trái phiếu phát hành được Fed mua hết, mua cả trái phiếu dài hạn nên lãi suất ngày càng giảm, thậm chí còn có thể chuyển sang lãi suất âm như ở một số nước châu Âu. Tất cả những yếu tố này làm người ta lo ngại lạm phát tăng cao, đô la Mỹ không chỉ xuống giá mà còn bắt đầu chuỗi ngày đánh mất vị thế độc tôn của mình.

Trước đó, Stephen Roach, một chuyên gia kinh tế, cựu chủ tịch Morgan Stanley Asia, tiên đoán sự mất giá của đô la Mỹ là khó tránh khỏi. Ông cho rằng so với các ngoại tệ khác, đô la Mỹ có thể sụt đến 35% trong vòng một, hai năm tới. Lý do chủ yếu là nước Mỹ đang đảo ngược toàn cầu hóa, tìm cách ngắt kết nối với kinh tế nước khác; trong khi lại chịu các mất cân đối vĩ mô trong một thời gian dài – tỷ lệ tiết kiệm nội địa quá thấp, thâm hụt tài khóa đang phình lớn và thâm hụt cán cân vãng lai thường xuyên.

Lâu nay đô la Mỹ hưởng một đặc quyền hiếm có khi tất cả mọi người trên thế giới đều xài đô la Mỹ và chấp nhận đô la Mỹ, kể cả chính phủ các nước. Đô la Mỹ được sử dụng không chỉ trong ngoại thương mà còn trong đầu tư tài chính, dự trữ ngoại hối và các giao dịch xuyên biên giới khác. Hãng tin Bloomberg ví von hiện tượng này chẳng khác gì tiếng Anh, ai cũng dùng ngôn ngữ này để giao tiếp, kể cả – ví dụ – một người Thụy Điển nói chuyện với một người Thái Lan tại Malaysia.

Sự phổ biến của tiếng Anh buộc lòng học sinh dù muốn dù không đều phải học tiếng Anh như chọn lựa đầu tiên. Đồng đô la Mỹ có giá vì ai cũng muốn nó và giá trị của nó không còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế Mỹ hay đúng hơn là hàng hóa Mỹ sản xuất nữa. Stephen Roach cho rằng giai đoạn đặc quyền này đã chấm dứt cùng với sự bùng phát của đại dịch Covid-19.

Mặc dù không phải tất cả mọi dự báo đều đồng ý về xu hướng tương lai của đô la Mỹ nhưng khi vàng, bạc, kim loại quý tăng giá mạnh chứng tỏ các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng lạm phát ăn vào tài sản của họ đã tìm đường trú ẩn trong các tài sản an toàn hơn như vàng…

Đó là bởi nếu đồng đô la Mỹ mất giá, các nước khác sẽ không ngại ngần gì mà không phá giá đồng tiền nước họ ở mức tương ứng để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực, giữ nguyên sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của họ. Viễn cảnh các đồng tiền mạnh đua nhau mất giá cộng với lãi suất tiệm cận mức âm làm ai nấy đua nhau mua vàng, đẩy giá vàng đạt hết kỷ lục này đến kỷ lục khác.

Riêng Goldman Sachs còn nhận định, sau này khi nền kinh tế các nước đã trở lại bình thường, ngân hàng trung ương và chính phủ các nước vẫn có thể để lạm phát dịch chuyển cao hơn nhằm giảm gánh nặng nợ. Lạm phát mà cao hơn lãi suất danh nghĩa sẽ làm các khoản nợ teo tóp lại dần. Hiện nay nợ của Chính phủ Mỹ đã lên đến 80% GDP. Vì thế Goldman Sachs dự báo trong 12 tháng tới, giá vàng có thể đạt mức 2.300 đô la/ounce so với mức dự báo trước đây của họ là 2.000 đô la/ounce.

Thật ra các dự báo về sự sụp đổ của đô la Mỹ từng được đưa ra từ nhiều năm trước, có lần rộ lên sau các khoản tiền “nới lỏng định lượng” đối phó với khủng hoảng tài chính năm 2008. Tất cả dự báo này đều hóa ra sai. Từ thập niên 1970 đến nay, chỉ số đô la Mỹ chưa có lúc nào giảm liên tục trong ba năm liền.

Thế giới vẫn còn nghiện trái phiếu Mỹ, dư nợ trái phiếu loại này hiện đã lên đến gần 20.000 tỉ đô la. Đô la Mỹ đang chiếm 88% trong tổng giao dịch ngoại tệ; chiếm 62% trong dự trữ ngoại hối toàn cầu, có sụt giảm so với mức 85% trong thập niên 1970 nhưng vẫn còn cao.

Vẫn có những ý kiến phân tích số phận đô la Mỹ không dễ bị xóa bỏ trong một sớm một chiều. Tính thanh khoản, mức độ chấp nhận rộng rãi, các loại tài sản đang được định giá bằng đô la Mỹ… tất cả làm cho sự thống trị của đô la Mỹ trên thị trường vẫn được duy trì. Lợi ích của nó gắn với lợi ích của nhiều bên; hơn nữa hiện nay chưa có đồng tiền nào nổi lên để thay thế nó bởi đồng euro, đồng yen hay nhân dân tệ đều có những yếu kém căn bản. Triển vọng dễ xảy ra nhất là vai trò đô la Mỹ dần nhạt nhòa trên thị trường quốc tế, sự sụt giá nếu có sẽ diễn ra trong một thời gian dài chứ không đột biến.

Dù sao, trong ngắn hạn, đô la Mỹ yếu sẽ làm xuất khẩu của Mỹ cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế rồi lại có lợi cho các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ khi chuyển lợi nhuận sang đô la Mỹ đem về nước. Hai yếu tố này có khả năng đẩy giá cổ phiếu Mỹ lên cao.

Số liệu quá khứ cho thấy mỗi khi đô la Mỹ suy yếu thì chỉ số S&P 500 sẽ tăng bình quân chừng 2,5% với cổ phiếu công nghệ và năng lượng tăng mạnh nhất. Goldman Sachs tính toán giá trị đô la Mỹ so với một rổ ngoại tệ giảm 10% thì lợi nhuận của các công ty niêm yết tính trên cổ phiếu sẽ tăng chừng 3%. Họ dự báo đô la Mỹ sẽ giảm thêm 5% trong 12 tháng tới. 

Dân bán khống đang tấn công đô la Mỹ

Trên thị trường giao dịch ngoại hối luôn có đội ngũ bán khống ngoại tệ, tức họ nghĩ đô la Mỹ sẽ mất giá liền đi vay đô la, bán ra lấy ngoại tệ khác. Đợi đến khi đô la Mỹ mất giá thật sự đúng như dự đoán, họ sẽ mua đô la với giá thấp hơn để trả nợ và bỏ túi phần chênh lệch giữa giá cũ và giá mới. Đội ngũ này được cân bằng lại bởi đội ngũ mua đô la và cất giữ vì nghĩ nó sẽ lên giá.

Nay, theo Reuters, tổng trị giá bán khống đô la Mỹ ròng đang tăng ở mức cao nhất kể từ tháng 8-2011. Mức này lên đến 24,27 tỉ đô la vào tuần lễ cuối tháng 7, tăng mạnh so với mức 18,81 tỉ đô la của thời kỳ trước đó. Tính chung dân đầu cơ bán khống (shorts) nhiều hơn mua trữ (longs) liên tục trong bốn tuần qua. Ngược lại với đồng euro, họ mua trữ nhiều hơn bán khống cũng ở mức kỷ lục, lên đến 157.559 hợp đồng nhưng Reuters không cho biết tổng trị giá của chúng là bao nhiêu. Tính từ tháng 3-2020 đến nay đồng euro đã tăng đến 12% so với đô la Mỹ.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới