Thứ Tư, 31/05/2023, 01:59
28 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Liệu Đông Nam Á có cơ hội đăng cai World Cup 2034?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Liệu Đông Nam Á có cơ hội đăng cai World Cup 2034?

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Đông Nam Á, cụ thể là bốn nước Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, có cơ hội được Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) trao quyền đăng cai World Cup 2034, nhưng với điều kiện các nước này phải vượt qua hai ứng cử viên nặng ký khác ở châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ.

Liệu Đông Nam Á có cơ hội đăng cai World Cup 2034?
Indonesia muốn dẫn đầu một nhóm nước Đông Nam Á xin đăng cai World Cup 2034. Ảnh minh họa: AFP

Đông Nam Á đủ năng lực đăng cai World Cup

Trao đổi với nhật báo The Star cuối tuần trước, ông Tengku Abdullah Sultan Ahmad Shah, thành viên của Ủy ban điều hành FIFA, cựu Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Malaysia (FAM), nói rằng Malaysia có cơ hội đăng cai World Cup vào năm 2034 nếu cùng đồng tổ chức với ba nước Đông Nam Á khác. Ông cho biết liên đoàn bóng đá các nước Indonesia, Thái Lan và Việt Nam đều đã bày tỏ mong muốn cùng Malaysia đăng cai giải đấu thể thao danh giá nhất hành tinh này.

Ông cho rằng các nước ASEAN có cơ hội và năng lực để xin đồng đăng cai giống như Mỹ, Canada, Mexico xin đồng đăng cai World Cup 2026 và đã chiến thắng các ứng cử viên khác trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội FIFA ở Moscow, Nga hôm 13-6.

Hiện vẫn chưa rõ lập trường của Malaysia trong chuyện này nhưng nếu chính phủ Malaysia ủng hộ thì việc bốn nước Đông Nam Á đồng đăng cai World Cup không phải là vấn đề khó khăn.

“Tôi cho rằng sẽ không có vấn đề gì nếu bốn nước muốn đồng đăng cai giải đấu này vào năm 2034. Việc bốn nước cùng đăng cai sẽ giúp giải đấu được tổ chức tốt hơn”, ông Ahmad Shah nói.

Ông cho rằng đã đến lúc khu vực ASEAN được trao cơ hội đăng cai World Cup vì điều này sẽ tạo động lực cho các nước cải thiện cơ sở hạ tầng và củng cố các đội tuyển quốc gia của họ. Thời hạn cuối để nộp hồ sơ xin đăng cai World Cup 2034 là vào năm 2026.

Ahmad Shah, người vừa trở về từ Đại hội FIFA lần thứ 68 tại Moscow, Nga, nói dù không có cuộc thảo luận chi tiết nào tại đại hội về các ứng cử viên đăng cai World Cup 2034 nhưng ông tin rằng việc hoạch định đúng đắn sẽ mở đường cho khoảnh khắc đăng cai World Cup vốn được chờ đợi từ lâu của ASEAN trở thành hiện thực.

“Nếu Malaysia sẵn sàng đồng đăng cai sự kiện này vào năm 2034, vẫn còn nhiều thời gian để chuẩn bị”, ông nói.

Liên quan đến đề xuất mở rộng số lượng đội tuyển quốc gia tham gia World Cup từ 32 lên 48, ông cho rằng điều này có thể mang lại các suất đặc biệt vào thẳng Vòng chung kết World Cup dành cho các nước chủ nhà ASEAN.

Tháng 7 năm ngoái, Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI) Joko Driyono thông báo nước này sẽ dẫn đầu một nhóm nước Đông Nam Á xin đăng cai World Cup 2034. Vào lúc đó, Bộ trưởng Thể thao và Thanh niên Malaysia Khairy Jamaluddin nói rằng các nước ASEAN sẽ thực hiện cuộc nghiên cứu tính khả thi về việc đồng đăng cai World Cup. Ông nói rằng Malaysia mong muốn trở thành một trong những nước chủ nhà của giải đấu này.

Các thuận lợi của Đông Nam Á

Trang tin Fox Sports Asia cho rằng việc nâng số đội dự Vòng chung kết World Cup từ 32 lên 48 kể từ năm 2026 mang lại cơ hội tốt cho các nước Đông Nam Á để đồng đăng cai World Cup. 48 đội tham dự VCK World Cup sẽ tạo ra thách thức lớn cho công tác hậu cần, do vậy, chắc chắn sẽ có nhiều nhóm nước xin đồng đăng cai World Cup. Không có nhiều nước có khả năng một mình lo liệu một giải đấu lớn như vậy và cũng ít nước sẵn sàng làm làm điều đó.

Hồi tháng 2 năm ngoái, sau cuộc đón tiếp Chủ tịch FIFA Gianni Infantino tại Yangon, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Myanmar (MFF) Zaw Zaw nói với các phóng viên rằng họ đã có cuộc thảo luận về thời điểm ASEAN đăng cai World Cup và mốc được nhắm đến là World Cup 2034.

Lúc đó, ông Infantino cũng nói rằng: “Tôi ủng hộ đồng đăng cai World Cup. Điều này tất nhiên sẽ mở ra cơ hội cho nhiều liên đoàn bóng đá và ASEAN là một khu vực rất cuồng nhiệt với bóng đá. Chỉ một nước ASEAN thì khó đăng cai World Cup, vậy thì nhiều nước, tại sao không?”.

Khu vực ASEAN có những thuận lợi chắc chắn để đăng cai World Cup. Quy mô thị trường lớn với hơn 600 triệu dân khiến khu vực này hấp dẫn. Đây là một khu vực có dân số trẻ, năng động và đang phát triển nhiều mặt chứ không chỉ kinh tế. Bóng đá là môn thể thao được người dân trong khu vực hâm mộ cuồng nhiệt.

Không có khu vực nào trong lục địa lớn nhất thế giới có sự cuồng nhiệt lớn như vậy đối với World Cup và Đông Nam Á cũng là nơi chưa từng đăng cai World Cup. Ngoài ra, việc đăng cai giải đấu này ở Đông Nam Á có thể giúp phát triển bóng đá ở một khu vực còn yếu về bóng đá của thế giới. Chắc chắn FIFA sẽ quan tâm đến điều này.

Phải đợi lâu hơn nếu Trung Quốc, Ấn Độ xin đăng cai

Tuy nhiên, con đường để các nước ASEAN trở thành chủ nhà của World Cup 2034 không phải dễ dàng. Trước hết, dù ASEAN là khu vực năng động, vẫn có nhiều ứng cử viên nặng ký khác. Trung Quốc là một trong những cử viên đó và rõ ràng, quốc gia đông dân nhất thế giới này đang nằm trong danh sách ứng cử viên đã được sàng lọc của FIFA.

Nếu Trung Quốc muốn đăng cai World Cup trong tương lai gần, nước này có thể được chọn. Ấn Độ là một ứng cử viên sáng giá khác. Trong những năm gần đây, FIFA đã có nhiều hoạt động ở Ấn Độ. Nếu ASEAN là ứng cử viên xếp ở vị trí thứ ba để đăng cai Vòng chung kết World Cup tại châu Á, khu vực này có thể phải chờ đợi lâu hơn, có lẽ là vào khoảng thời gian sau năm 2034 và trước năm 2054.

Việc bốn nước Đông Nam Á cùng đăng cai World Cup có thể đặt ra vấn đề lớn khi các nước chủ nhà mặc nhiên được trao một suất vào thẳng Vòng chung kết. Điều này có thể khiến các nước châu Á khác không đồng tình khi có đến 4 trong số 8 suất của châu lục (khi giải đấu được nâng lên 48 đội) được trao cho bốn đội tuyển có trình độ còn yếu.

Bốn nước Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia từng đồng đăng cai Asian Cup 2007. Tuy nhiên, không khí của giải đấu năm đó không thực sự nóng vì số lượng khán giả đến xem rất ít (ngoại trừ Việt Nam). Tuy nhiên, mọi thứ sẽ thay đổi trong trong vòng hai đến ba thập niên tới khi khu vực này ngày càng hội nhập sâu và nhiều tuyến đường sắt cao tốc kết nối các nước trong khu vực được xây dựng.

Vào thời điểm World Cup được đưa đến châu Á, sau Trung Quốc và có thể Ấn Độ nữa, không có lý do gì để ngăn cản ASEAN làm chủ nhà của giải đấu này.

Mời xem thêm:

Thức xem World Cup

World Cup 2018: Nga chi nhiều nhưng nhận lại chẳng bao nhiêu

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới