Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Liều thuốc” vừa kiềm chế lạm phát, vừa giảm lãi suất

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Liều thuốc” vừa kiềm chế lạm phát, vừa giảm lãi suất

Hải Lý

(TBKTSG) – Thủ tướng Chính phủ phát biểu: “Đồng ý lãi suất phải thực dương, nhưng phải kéo xuống. Đó là nhiệm vụ chính trị của ngân hàng. Thủ tướng không thể làm thay”. Nhưng kiểm soát lạm phát cũng đang là nhiệm vụ số 1 của ngân hàng. Liệu ngành ngân hàng có thể cùng lúc vừa giảm mặt bằng lãi suất, vừa góp phần chống lạm phát?

Câu trả lời rất rõ ràng là có và có khả năng thực hiện ngay, chỉ cần Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhìn ra nguyên nhân lãi suất cao đang nằm ở đâu và sử dụng các giải pháp kỹ thuật để điều tiết nó

“Ngấm đòn” Thông tư 13

Trong quí 3-2010 mọi nỗ lực của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, kể cả bằng các biện pháp hành chính, nhằm giảm mặt bằng lãi suất với mục tiêu lãi suất huy động 10%/năm, lãi suất cho vay 12%/năm đã phá sản. Do nhu cầu vốn huy động cao để đảm bảo thanh khoản, các tổ chức tín dụng không thể hạ lãi suất tiết kiệm và do đó không thể giảm lãi suất đầu ra.

Sang tháng 10-2010, Thông tư 13 và 19 quy định các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng có hiệu lực. Một trong những quy định quan trọng nhất của hai thông tư là các ngân hàng chỉ được sử dụng tối đa 80% vốn huy động để cho vay bắt đầu thể hiện tính khắc nghiệt của nó và các ngân hàng, đặc biệt các ngân hàng nhỏ, “ngấm đòn”.

Tỷ lệ 80% đã khiến giá thành huy động vốn của ngân hàng thương mại tăng vọt. Về mặt lý thuyết, tỷ lệ đó hướng tới mục tiêu đảm bảo thanh khoản của từng ngân hàng, nhưng trong điều kiện cả hệ thống ngân hàng khó khăn, thì thanh khoản của tất cả các ngân hàng làm sao đảm bảo được?

Cùng lúc đó, quí 4 là thời điểm nhu cầu vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế tăng mạnh. Do nhu cầu bức bách cuối năm, lãi suất cao doanh nghiệp vẫn vay. Con số tăng trưởng tín dụng bình quân 2,53%/tháng trong quí 4-2010 do NHNN công bố đã cho thấy điều đó.

Vay vốn lãi suất cao chẳng khác nào uống thứ nước đắng, nhưng do đang khát nên doanh nghiệp không thể đặng đừng. Còn ngân hàng biết giảm lãi suất cho vay vào đâu khi mà 20% vốn huy động phải để nằm “chết” một chỗ?

Cụ thể ngay tuần đầu tiên của tháng 1-2011 một số ngân hàng lớn có thanh khoản tương đối tốt đã phải sử dụng dư địa lãi suất cuối cùng: đó là tăng lãi suất tiết kiệm tiền đồng các kỳ hạn 1-2-3 tuần. Lãi suất huy động kỳ hạn 1-3 tháng đang phổ biến là 13,9-14%/năm. Lãi suất tiết kiệm này được áp dụng cho các kỳ hạn tuần ở những ngân hàng nhỏ. Tại những ngân hàng lớn, lãi suất kỳ hạn tuần khoảng 12-13%/năm của những tuần trước đó hiện giờ cũng đang tiến về ngưỡng 14%/năm đối với các khoản tiền gửi từ 100 triệu đồng trở lên.

Tăng dự trữ bắt buộc và tạm ngưng tỷ lệ 80%

Chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục chịu sức ép lớn trong hai tháng đầu năm. Liệu CPI tháng 3, tháng 4 có giảm một khi các chương trình bình ổn giá cả kết thúc, một khi giá dầu thô quốc tế không hạ và chính sách tỷ giá được thực hiện theo tín hiệu thị trường? Chống lạm phát bằng cách thắt chặt tiền tệ là bài học kinh điển mà cả thế giới áp dụng. Ở Việt Nam, tiền tệ đã được thắt chặt, vấn đề còn lại là ở chỗ phương thức thắt cần được xem xét lại, nếu không nó có thể gây ra hiệu quả phản tác dụng.

Giải trình về lãi suất trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Thống đốc NHNN cho biết khi thắt chặt tiền tệ, ông nghiêng về hướng chọn tăng lãi suất thay vì tăng dự trữ bắt buộc. Thế nhưng nhiều nước chống lạm phát đã chọn giải pháp tăng dự trữ bắt buộc mà Trung Quốc là một thí dụ. Theo tính toán của NHNN trước đây, giả sử dự trữ bắt buộc tăng từ 5% lên 10%, thì hệ số nở tiền giảm đi đáng kể. Với việc tăng dự trữ bắt buộc, lượng tiền đưa ra lưu thông sẽ giảm và tác động tích cực tới lạm phát.

Tuy nhiên để giúp các ngân hàng không tăng lãi suất đầu ra khi tăng dự trữ bắt buộc, mà thậm chí còn giảm lãi suất để kéo lạm phát xuống như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thì giá thành huy động vốn của ngân hàng phải được giảm. Bằng cách nào? Bằng cách tạm thời chưa áp dụng điều 18 của Thông tư 13 về tỷ lệ 80% nói trên. Xin nhấn mạnh là “tạm thời chưa áp dụng” chứ không phải bỏ hoàn toàn.

Thời gian tạm chưa áp dụng có thể là 3, 6 hoặc 9 tháng tùy vào khả năng biến động của lạm phát. Với việc chưa áp dụng đó, ngay lập tức các ngân hàng sẽ “giải phóng” được một lượng không nhỏ vốn “chết” và kéo theo việc hạ chi phí huy động vốn sẽ là khả năng giảm lãi suất cho vay.

Như vậy hai động thái kỹ thuật song hành tăng dự trữ bắt buộc và tạm thời chưa áp dụng điều 18 Thông tư 13 tạo điều kiện giải quyết hai mục đích: hệ số nở tiền giảm sẽ tốt cho lạm phát và chi phí vốn huy động giảm sẽ kích thích giảm lãi suất cho vay, dẫn đến hạ mặt bằng lãi suất.

Ngoài ra, cũng cần nhắc lại là ngân hàng nào, dù lớn hay nhỏ, cũng có nguyên tắc dự phòng thanh khoản. Nếu thanh khoản không đảm bảo và mặt bằng lãi suất giảm dưới 14%/năm, ngân hàng không huy động được số vốn cần thiết từ dân cư, tổ chức kinh tế, họ sẽ phải tìm đến NHNN. Trong trường hợp đó NHNN có thể sử dụng nguồn vốn từ dự trữ bắt buộc mà các tổ chức tín dụng gửi ở NHNN, để tháo gỡ.

Dù đã gây ra nhiều tranh cãi trước khi thực hiện, không ai phủ nhận sự cần thiết của Thông tư 13 và 19 về lâu dài sẽ củng cố sức mạnh cho các ngân hàng. Vấn đề là thời điểm áp dụng các quy định của hai thông tư nên vào lúc nào nhằm đạt được hiệu quả tối đa mà không gây ra những “phản ứng phụ” không đáng có. Đồng thời việc tăng dự trữ bắt buộc sẽ phát ra tín hiệu dứt khoát hơn về quyết tâm kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô của Chính phủ mà NHNN phải có nghĩa vụ góp phần thực hiện.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới