Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Linh hoạt hơn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Linh hoạt hơn

Ngọc Lan thực hiện

Ông Đỗ Thắng Hải.

(TBKTSG) – Nguồn ngân sách dành cho xúc tiến thương mại đã đi vào thực tế như thế nào? Hiệu quả đến nay ra sao? TBKTSG đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), xung quanh vấn đề này.

TBKTSG: Thưa ông, kinh phí cho chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm nay được phê duyệt cao gấp đôi năm trước, vậy đến thời điểm này, việc thực hiện các chương trình đến đâu và đạt kết quả ra sao?

Ông Đỗ Thắng Hải: Năm 2008, kinh phí Nhà nước cấp cho hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia là 80 tỉ đồng, giải ngân đuợc 97%. Năm nay, kinh phí tăng gấp đôi và cách đây hai tháng, Bộ Công Thương đã phê duyệt hết các chương trình để kịp thực hiện cho đến hết năm. Ngoài khoản đó, Chính phủ vẫn đồng ý bổ sung việc xúc tiến ở một số nội dung mới (theo Quyết định 80). Chẳng hạn, doanh nghiệp không cần đi theo chương trình xúc tiến quốc gia mà tự chủ động đi xúc tiến, có được hợp đồng cầm về, tức là có hiệu quả thì được hỗ trợ kinh phí vé máy bay, kinh phí xây dựng gian hàng như tham gia các chương trình xúc tiến chính thức.

Các chương trình xúc tiến khác như tổ chức các hội chợ đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ tại TPHCM, các hội chợ quốc tế Việt – Trung… ký được nhiều hợp đồng tại chỗ. Đó là những hình thức xúc tiến xuất khẩu tại chỗ. Năm nay, kinh phí nhiều hơn thì việc linh hoạt trong khâu tổ chức thực hiện cũng phải được xử lý nhanh và hướng đến hiệu quả cao hơn.

TBKTSG: Việc hỗ trợ cho doanh nghiệp nếu họ có hợp đồng cầm về từ các hội chợ quốc tế như ông nói chỉ thực hiện trong năm nay, khi xuất khẩu suy giảm mạnh, hay còn kéo dài cho các năm tới?

– Thực tế giải ngân cuối năm nay mới biết hiệu quả của chương trình bổ sung đến đâu. Với các doanh nghiệp, hợp đồng ký được khi ra nước ngoài là cái đích cuối cùng cho các chuyến đi. Khi nhìn thấy thành quả đó, có doanh nghiệp sẽ đề nghị Nhà nước hỗ trợ, có doanh nghiệp không vì hỗ trợ của Nhà nước cho một phần kinh phí chuyến đi không phải là lớn.

TBKTSG: Trong tình hình thương mại từ đầu năm đến nay có nhiều biến động, Cục Xúc tiến thương mại có những điều chỉnh, đề xuất gì từ nay cho đến cuối năm và năm tiếp theo để các hoạt động xúc tiến đạt kết quả hơn?

– Từ năm 2008 về trước, nếu người có tên trong danh sách của các đoàn đi giao thương, khảo sát thị trường mà không đi được thì phần kinh phí này trả về ngân sách. Nay Bộ Công Thương linh hoạt hơn trong điều chuyển. Có thể tăng quy mô nếu thấy tầm mức của chương trình xúc tiến, khảo sát nào là cần thiết đẩy mạnh hoặc phê duyệt các đợt xúc tiến linh hoạt hơn, không chỉ là phê duyệt một đợt duy nhất dùng cho cả năm, cứ thế mà theo. Từ đầu năm đến nay, bộ đã phê duyệt ba lần và chắc chắn còn có nhiều điều chỉnh để sát thực tiễn hơn. Đơn vị nào không thực hiện kịp thì điều chuyển cho đơn vị khác, tận dụng hết nguồn kinh phí xúc tiến.

Năm tới, chúng tôi sẽ tính điểm các hiệp hội, đơn vị làm được đến đâu, đánh giá năng lực thực hiện chứ không phải cứ đăng ký rồi không làm hoặc làm được bao nhiêu cũng giống nhau và lại được phê duyệt tiếp. Song Bộ Công Thương chỉ chủ trì về nội dung các chương trình xúc tiến, còn việc phê duyệt tiền cho chương trình từ Bộ Tài chính. Một số chương trình bị chậm tiến độ vì lý do này.

TBKTSG: Ông có thể cho biết cụ thể chương trình nào do phê duyệt, giải ngân chậm đã ảnh hưởng đến hiệu quả việc xúc tiến?

– Hiện tại thì chưa. Các đợt xúc tiến cho năm 2009 đã lên kế hoạch từ cuối năm trước và làm thành nhiều đợt. Ngay cả thời điểm này đột xuất có chương trình nào dự tính là hiệu quả vẫn được phê duyệt.

TBKTSG: Năm nay, có những thay đổi gì để việc hỗ trợ xúc tiến cho các ngành hàng được thực chất hơn, không mang tính dàn đều?

– Năm 2008 và năm nay, riêng ngành thủy sản được nhận hơn 10 tỉ đồng tiền xúc tiến vì mặt hàng này xuất khẩu mạnh nhất. Việc phê duyệt dựa vào năng lực của ngành hàng và nội dung của các chương trình. Bản thân các doanh nghiệp, hiệp hội phải xây dựng được các chương trình có tầm cỡ về quy mô, mang tính chiến lược thì việc phê duyệt có cơ sở thực hiện. Cục Xúc tiến chỉ làm công việc tư vấn thôi, không thể làm chương trình thay hiệp hội và doanh nghiệp được. Hoặc doanh nghiệp phải biết cách tận dụng chương trình xúc tiến một cách hiệu quả hơn. Ví dụ việc xây dựng hệ thống kho ngoại quan. Nhìn qua nó không có liên hệ gì với chương trình xúc tiến thương mại nhưng thực tế được hỗ trợ. Nhà nước không thể xây hàng loạt kho cho thuê nhưng có thể hỗ trợ, cấp kinh phí xây kho cho các hiệp hội, doanh nghiệp. Nhưng việc này cũng chưa được tận dụng.

TBKTSG: Có ý kiến cho rằng cần xã hội hóa, đấu thầu các chương trình xúc tiến thương mại để việc xúc tiến hiệu quả hơn, tránh tình trạng có nhiều chương trình chỉ do các công ty “sân sau” của hiệp hội, nhà tổ chức đứng ra làm?

– Do tính chất chuyên nghiệp trong việc tổ chức, không phải Cục Xúc tiến thương mại hay Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra chương trình và tổ chức hết từ A đến Z. Khâu dàn dựng gian hàng phải đấu thầu, Nhà nước đã có quy định cụ thể để chọn công ty. Các khâu quảng bá…cũng đấu thầu. Tôi không thể khẳng định khâu tổ chức các hoạt động xúc tiến đã tốt 100% nhưng vẫn cần chuyên nghiệp hóa, mỗi đơn vị làm một việc.

Đến nay, tôi chưa nhận được trường hợp khiếu nại nào về chuyện tổ chức. Ngay cả chuyện quyết toán, do Bộ Tài chính thực hiện, cũng chưa có ý kiến nào từ bộ này nói rằng các đơn vị chủ trì xúc tiến có vấn đề trong khâu chọn thầu hay tổ chức, vì nếu có họ đã không được quyết toán.

TBKTSG: Tuy nhiên, Bộ Tài chính chỉ là nơi quyết toán. Nơi song hành với các nhà tổ chức là Cục Xúc tiến thương mại, các hiệp hội. Theo  ông, để các nhà tổ chức, các công ty thầu các chương trình xúc tiến thương mại ngày càng cạnh tranh, nâng cao chất lượng và hiệu quả thì cần rút ra những kinh nghiệm gì?

– Tôi chưa thấy có đơn vị nào không đủ năng lực và kinh nghiệm lại trúng thầu. Nếu có, phát giác việc này không khó và bản thân các công ty không thể tham gia nếu họ không làm được. Có thể, có ý kiến về việc tổ chức các chuyến khảo sát, phàn nàn việc thuê các công ty du lịch tổ chức chuyến đi, như vậy là giao phó cho công ty du lịch. Nhưng khâu hỗ trợ kinh phí cho chuyến khảo sát chỉ là tiền vé máy bay nên có nhập nhèm cũng không được lợi nhiều. Chúng tôi quan tâm nhiều nhất đến hiệu quả, đến khả năng mang lại những hợp đồng hơn là đi vé gì, ăn uống thế nào.

TBKTSG: Theo ông, trong điều kiện kinh tế hiện nay, việc xúc tiến thương mại nên dành cho xuất khẩu nhiều hơn hay cho thị trường nội địa hơn?

– Tôi nghĩ các chương trình xúc tiến đều có tính tương hỗ nhau. Ví như xuất khẩu không cứ phải ra nước ngoài mà có thể xuất khẩu tại chỗ, bán hàng cho khách quốc tế tại các hội chợ trong nước như thế cũng là thúc đẩy phân phối, thương mại nội địa.

Các chương trình khác như Chương trình thương hiệu quốc gia làm mấy năm nay cũng là bước chuẩn bị, hỗ trợ cho doanh nghiệp, bất kể là xuất khẩu hay sản xuất hàng nội địa, miễn là hàng Việt Nam bán được mạnh hơn, nhiều hơn ở trong và ngoài nước. Các chương trình này nên là “anh em” song hành trong mọi điều kiện vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực doanh nghiệp, ngành hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới