Chủ Nhật, 26/03/2023, 09:58
26 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Linh hoạt ứng phó xâm nhập mặn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Linh hoạt ứng phó xâm nhập mặn

Trung Chánh

(TBKTSG) – Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã vượt mốc lịch sử năm 2016. Song, nhờ sự linh hoạt ứng phó nên những tác động của hạn mặn đến sinh hoạt, sản xuất của người dân vùng này đã phần nào nhẹ hơn.

Linh hoạt ứng phó xâm nhập mặn
Tác động do xâm nhập mặn đã giảm nhờ có sự linh hoạt ứng phó. Trong ảnh là bơm trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Ảnh: M.Đ

Mặn xâm nhập sâu nội đồng

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hai yếu tố ở thượng lưu có tác động nhiều đến diễn biến nguồn nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL là trữ lượng nước trong hồ Tonle Sap (Campuchia) và dòng chảy đến trạm Kratie – đầu châu thổ Mekong. Mực nước nhánh vào hồ Tonle Sap tại trạm Prek Kdam (gần Tonle Sap) đến ngày 3-2 đang ở cao trình là 1,06 mét, thấp hơn cả mực nước cùng kỳ của năm khô hạn lịch sử 2016. Theo đó, lượng nước từ hồ này điều tiết xuống hạ lưu đã giảm đi đáng kể

Tính đến ngày 5-2, mực nước tại trạm Tân Châu và Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang – địa phương đầu nguồn vùng ĐBSCL – đạt 1 và 1,16 mét, thấp hơn cùng kỳ năm 2016 từ 0,2-0,23 mét. Tương tự, tại trạm Mỹ Thuận và Cần Thơ, mực nước thực đo ngày 5-2 thấp hơn cùng kỳ năm 2016 từ 0,2-0,26 mét.

Nước từ thượng nguồn sông Mêkông đổ về vùng ĐBSCL giảm khiến khả năng “đẩy” mặn yếu đi; mặn xâm nhập vào nội đồng của vùng sâu hơn cả năm 2016. Số liệu của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho thấy, ở vùng sông Vàm Cỏ Tây và Vàm Cỏ Đông, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng 82-83 ki lô mét, tương đương cùng kỳ năm 2016; ở vùng cửa sông Cửu Long gồm Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng 44-75 ki lô mét, sâu hơn năm 2016 từ 2-18 ki lô mét; ở vùng biển Tây tại sông Cái Lớn, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng 58 ki lô mét, cao hơn năm 2016 đến 13 ki lô mét…

Tác động do xâm nhập mặn đã giảm

Tuy mặn xâm nhập sâu vào nội đồng và đã vượt qua mốc lịch sử năm 2016, nhưng nhờ có sự linh hoạt ứng phó nên những tác động đến sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt của người dân ở ĐBSCL đã giảm đáng kể.

Ở các địa phương ven biển vùng ĐBSCL, nếu như mùa khô năm 2016 bị thiệt hại nặng nề thì năm nay tuy có bị tác động nhưng ít hơn. Tại tỉnh Bến Tre, năm 2016, toàn bộ 14.000 héc ta lúa của vụ đông xuân đều bị thiệt hại. Nhưng năm nay, sở nông nghiệp tỉnh cho biết địa phương chủ động không xuống giống nên không có thiệt hại.

Tại Tiền Giang, theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó chủ tịch tỉnh, trước dự báo tình hình xâm nhập mặn khốc liệt nên địa phương đã chủ động cho chuyển đổi một phần diện tích đất sản xuất lúa sang hoa màu, một phần cho xuống giống sớm để né mặn cuối vụ. Như tại huyện Gò Công Tây, địa phương này đã chủ động xuống giống sớm khoảng 10 ngày với diện tích khoảng 1.000 héc ta và chọn giống ngắn ngày để gieo sạ.

Còn tại Cà Mau, theo báo cáo của địa phương, vụ lúa đông xuân năm nay thiệt hại đến thời điểm này khoảng 11.000 héc ta, trong khi cả mùa khô năm 2016 đã bị thiệt hại đến 150.000 héc ta.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết vùng ảnh hưởng của hạn mặn năm nay tương đương như mùa khô năm 2016, tức tác động đến 10/13 địa phương ĐBSCL với 74/137 đơn vị hành chính cấp huyện.

Tuy nhiên, theo ông Tỉnh, đối với 100.000 héc ta diện tích sản xuất lúa ở các địa phương ven biển của vùng ĐBSCL – nơi có nguy cơ cao ảnh hưởng bởi mặn – vụ đông xuân 2019-2020 có khoảng 50.000 héc ta đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đồng thời lùi thời vụ xuống giống sớm cho 50.000 héc ta còn lại. “Chính vì vậy, khả năng bị thiệt hại của xâm nhập mặn đối với sản xuất lúa cũng giảm đáng kể”, ông cho biết.

Chủ động trữ nước ngọt

Việc cung cấp nước ngọt cho người dân vùng xâm nhập mặn cũng đã có sự chủ động hơn. Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó chủ tịch tỉnh Tiền Giang, nếu như mùa khô năm 2016 ở huyện Tân Phú Đông có hàng ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng thì năm nay đã không còn tình cảnh này, nhờ hệ thống truyền tải nước từ nhà máy Đồng Tâm đã được đầu tư đồng bộ.

Để tránh ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt thời gian tới, UBND tỉnh Tiền Giang đã thống nhất cho đắp đập tạm ở đầu kênh Nguyễn Tấn Thành thuộc xã Bình Đức, huyện Châu Thành. Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết mục đích của việc đắp đập nhằm bơm nước ngọt để cung cấp cho người dân trong mùa khô năm nay.

Trong khi đó, UBND xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, đã giới thiệu đến người dân những chiếc túi nhựa để sử dụng trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt. Đây là loại túi nhựa có thể tích 15-25 mét khối, giá khoảng hai triệu đồng nên cũng khá phù hợp với người dân.

Ông Lê Tấn Lộc, ngụ xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách đã lắp đặt và bơm nước ngọt trữ vào hai túi với thể tích khoảng 50 mét khối nhằm sử dụng trong mùa hạn mặn năm nay. “Với hai túi nước ngọt này, tôi hoàn toàn có thể yên tâm trong việc chủ động nguồn nước phục vụ sinh hoạt của gia đình”, ông Lộc nói và cho rằng người dân trong vùng bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn nên đầu tư để trữ nước ngọt trong mùa mưa, phục vụ sinh hoạt trong những tháng hạn mặn.

Bên cạnh sử dụng túi nhựa, nhiều hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng của mặn cũng đã đầu tư bồn nhựa hoặc inox hay bê tông có dung tích lớn để trữ nước ngọt. Ngoài ra, ở các địa phương như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Kiên Giang… chính quyền đã triển khai việc trữ nước ngọt trong các kênh mương bằng giải pháp đắp đập tạm.

Ông Tỉnh dự báo, mùa khô năm nay sẽ có khoảng 158.900 hộ thiếu nước sinh hoạt, trong đó có 24.000 hộ ở vùng của công trình cấp nước tập trung và còn lại ở vùng cấp nước nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình. So với mùa khô năm 2016, số hộ thiếu nước sinh hoạt sẽ giảm 89.200 hộ. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới