Thứ Hai, 27/03/2023, 05:03
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Lĩnh vực y tế khát vốn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lĩnh vực y tế khát vốn

Thu Hiền

Trunng tâm chăm sóc nhũ do Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ đầu tư 2 triệu đô la Mỹ. Đây là một tập đoản y khoa tư nhân. Ảnh: Thu Hiền

(TBKTSG Online) – Nhu cầu đầu tư trong ngành y tế hiện nay là rất lớn và không thể mãi trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc hợp tác công tư và kêu gọi nguồn vốn tư nhân cho lĩnh vực y tế đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Tại Hội nghị về thu hút đầu tư và thúc đẩy hợp tác công-tư trong lĩnh vực y tế do Bộ Y tế tổ chức tại TPHCM hôm 26-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, cho biết hiện hệ thống y tế Việt Nam là hệ thống cung ứng dịch vụ công tư hỗn hợp, trong đó y tế công chiếm vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây khi nền kinh tế và đời sống phát triển nhanh, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao thì hệ thống y tế lại không thể bảo đảm được nhu cầu này.

“Ngân sách nhà nước mỗi năm đều có sự đầu tư cho y tế, song so với nhu cầu cung cấp dịch vụ y tế thì hầu hết các cơ sở vật chất đã cũ không đáp ứng được yêu cầu của người dân và cũng thấp hơn so với các nước trong khu vực”, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu nói.

Theo ông Triệu, nhà nước không thể cung cấp toàn bộ các dịch vụ công do hạn chế về nguồn lực và ngành y tế cần phải huy động mọi nguồn vốn đầu tư để nâng cao chất lượng phục vụ.

Nhu cầu lớn, nguồn lực nhỏ

Theo Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, nhu cầu đầu tư trong ngành y tế hiện chưa có con số ước đoán chính xác. Tuy nhiên, vụ này tính toán nhu cầu đầu tư cho 225 bệnh viện tuyến tỉnh ước khoảng 45.000 tỉ đồng (khoảng 2,2 tỉ đô la). Còn để phát triển y tế chuyên sâu cần khoảng 10.000 tỉ đồng; nâng cấp các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh khoảng 100.000 tỉ đồng; phát triển đội ngũ thầy thuốc cần 5.000-10.000 tỉ đồng…

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Việt Nam hiện có 97 bệnh viện tư nhân đang hoạt động, trong đó có 30 bệnh viện chuyên khoa và 67 bệnh viện đa khoa, so với 70 bệnh viện tư nhân trong năm 2008.

Các bệnh viện tư nhân đã đóng góp 6.210 giường bệnh, bằng 3,7% tổng số giường bệnh viện công lập, đạt 0,7% giường bệnh cho 10.000 dân.

Về đầu tư nước ngoài, cả nước có 70 dự án đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực y tế với số vốn chỉ gần 1 tỉ đô la Mỹ.

Đó chỉ là những con số mới tính toán sơ bộ chứ chưa bao gồm một số mảng như y tế dự phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Trong khi đó, vốn đầu tư phát triển được chính phủ cân đối hằng năm cho toàn ngành y tế chỉ chiếm khoảng 5-6% GDP. Theo ông Phạm Lê Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, con số này không thể đủ cho việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất. Do đó, những năm gần đây nhà nước phải đẩy mạnh việc phát hành trái phiếu cho ngành y tế.

“Do chất lượng y tế không bảo đảm, mỗi năm Việt Nam có 30.000 người ra nước ngoài khám chữa bệnh với chi phí lên đến 1 tỉ đô la. Con số này ngày càng tăng lên với hình thức chữa bệnh kết hợp du lịch,” ông Tuấn nói.

Trong khi nhu cầu về vốn cho ngành y tế rất cao thì việc huy động nguồn vốn ngoài nhà nước còn gặp khó khăn và trở ngại. Theo ông Tuấn, những rào cản như khung pháp lý chưa hoàn chỉnh, còn phân biệt công tư và thiếu hụt nguồn nhân lực (dược sĩ, bác sĩ)… khiến tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài còn e ngại khi rót vốn vào các dự án y tế.

Hợp tác công – tư để giải bài toán thiếu vốn

Tại hội thảo, các chuyên gia y tế, kinh tế đều cho rằng trong khi nhà nước chưa bảo đảm được nguồn vốn cho y tế phát triển thì nên tính đến việc áp dụng mô hình công – tư (PPP) để có thể huy động được nhiều nguồn lực kinh tế khác nhau.

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho rằng trong lĩnh vực y tế, hợp tác công – tư được tranh luận từ lâu và đã có nhiều mô hình, nhiều cách làm để bổ trợ lẫn nhau giữa hai hệ thống. “Bởi, trong hợp tác công – tư, tư nhân có vai trò và ý nghĩa quan trọng để chia sẻ gánh nặng tài chính và tăng cường sự sẵn có của dịch vụ y tế góp phần triển chất lượng dịch vụ y tế”, ông nói.

Bà April Harding, chuyên gia cao cấp về đầu tư y tế của Ngân hàng Thế giới, tỏ ra quan ngại khi tư nhân tham gia vào lĩnh vực y tế sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ nhưng cũng làm ảnh hưởng đến chi phí và sự công bằng. “Bởi, khi tư nhân tham gia lĩnh vực y tế thì họ sẽ chú trọng đến yếu tố lợi nhuận nhiều hơn”, bà nói. “Tuy nhiên, đóng góp của tư nhân vào lĩnh vực y tế là không thể chối bỏ và trên thực tế nhiều quốc gia đã cho phép và phát triển mô hình y tế tư nhân bên cạnh y tế công”, bà Harding nói thêm.

Bà Harding cũng chỉ ra rằng khi tư nhân tham gia sâu vào lĩnh vực y tế sẽ làm phức tạp công tác quản lý. Do đó, bà đã nêu một số cách tiếp cận nguồn đầu tư tư nhân, như: tư nhân – tư nhân và tư nhân – công lập nhưng phải bảo đảm được dịch vụ phải phục vụ cho mục tiêu y tế.

Để làm được điều này, ông Alain Barbu, Giám đốc quản lý danh mục dự án World Bank Việt Nam cũng đặt vấn đề về việc Chính phủ Việt Nam cần có cơ chế khuyến khích để hệ thống y tế tư nhân phát triển trong thời gian tới, đặc biệt quan tâm nhiều hơn đến các ưu đãi, chính sách pháp lý về thuế, đất đai, cơ chế hoạt động, sự tự chủ… và đặc biệt tránh sự phân biệt công tư trong hành nghề y.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới