Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lo doanh nghiệp da giày không có lợi nhiều từ TPP

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lo doanh nghiệp da giày không có lợi nhiều từ TPP

T.Thu

Hiện Mỹ và EU là hai thị trường lớn nhất của ngành da giày Việt Nam. Ảnh minh hoạ: Thu Nguyệt

(TBKTSG Online) – Nhiều khả năng doanh nghiệp da giày Việt Nam sẽ không được hưởng nhiều lợi ích từ Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) như mong đợi, theo nhận định của ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso).

Tại hội thảo tổ chức bên lề hội chợ da giày quốc tế tại TPHCM hôm 11-7, ông Kiệt cho rằng TPP đem lại lợi ích cho xuất khẩu da giày của Việt Nam, tuy nhiên, khi thuế nhập khẩu được cắt giảm thì bên cạnh người tiêu dùng, nhà nhập khẩu (chẳng hạn như nhà nhập khẩu Mỹ – pv) sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Trong khi đó, hiện 50% xuất khẩu giày của doanh nghiệp giày Việt Nam là thực hiện theo hình thức gia công, tức doanh nghiệp chỉ hưởng 10-15% giá trị sản phẩm. Khoảng 50% là thực hiện theo hình thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), với hình thức này, doanh nghiệp sản xuất hưởng 25-30% giá trị. Giá trị lớn nhất vẫn nằm trong tay các thương hiệu và các nhà phân phối lớn của nước ngoài.

Ngoài ra, hiện khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dù chỉ chiếm 23% về số lượng doanh nghiệp trong ngành da giày Việt Nam nhưng chiếm đến 77% tổng xuất khẩu da giày của Việt Nam. Do đó, khi TPP có hiệu lực, doanh nghiệp FDI sẽ là đối tượng hưởng thụ trực tiếp lợi ích mà hiệp định này đem lại.

Ông Kiệt cho biết thêm, hiện 30% sản lượng giày của hai hãng giày lớn trên thế giới là Nike và Adidas đang được sản xuất tại Việt Nam. Trong đó, có thời điểm lượng hàng Nike đặt làm tại Việt Nam lớn hơn đặt tại Trung Quốc. Tuy nhiên, đang sản xuất giày cho hai hãng này tại Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp Hàn Quốc và Đài Loan, chứ không phải doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông Vương Đức Anh, thuộc Vụ Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), may mặc, da giày và thuỷ sản là những mặt hàng được đánh giá có nhiều cơ hội khi TPP có hiệu lực. Hiện thuế suất khẩu giày dép sang Mỹ có mức cao, từ 37,5% đến 48%.

Tuy nhiên, có khả năng giày dép bị đưa vào mặt hàng ngoại trừ về mở cửa thị trường, tức thuế suất của mặt hàng này không được đưa về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực vì thuộc nhóm mặt hàng nhạy cảm.

Ngoài ra, ông Anh cho biết, theo các hiệp định tự do của Mỹ đã có với các nước, nguyên tắc xuất xứ Mỹ đang áp dụng khá chặt chẽ. Cụ thể, Mỹ quy định hàm lượng giá trị khu vực (RVC) của sản phẩm lên đến 55%.

Do đó, vấn đề được đặt ra là liệu doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng được mức 55% này không, khi hầu hết da và nguyên phụ liệu giày dép đang được Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc.

Ông Kiệt cho biết, theo thông tin từ Nike, Adidas thì hiện tỷ lệ nội địa hoá của giày dép xuất khẩu của Việt Nam là từ 50-60%, nhưng tỷ lệ này là của dòng sản phẩm trung bình, còn sản phẩm cao cấp thì có tỷ lệ nội địa thấp. Do đó, ông Kiệt cho rằng, việc này ảnh hưởng đến khả năng hưởng ưu đãi từ TPP của Việt Nam.

Hiện Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) là hai thị trường chính của ngành da giày Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang EU có xu hướng giảm dần, và tăng dần sang thị trường Mỹ, vì thị trường EU hiện tương đối bão hoà và có một số rào cản.

Nếu trong năm 2008, xuất khẩu giày dép sang EU chiếm trên 52% tổng xuất khẩu giày dép của Việt Nam, thì hạ xuống 36,7% trong năm 2012. Trong khi đó, xuất khẩu giày dép sang Mỹ chiếm trên 22,5% trong năm 2008, tăng lên mức 31,3% trong năm 2012. Trong năm 2012, Việt Nam xuất khẩu giày dép với tổng kim ngạch trên 7,2 tỉ đô la Mỹ.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới