Lo giá heo cao và bất ổn, Vissan tính giảm 20% lợi nhuận
V.Dũng
(TBKTSG Online) – Vissan vừa ghi nhận kỷ lục về doanh thu ở năm ngoái và doanh nghiệp này tiếp tục hướng đến kỷ lục mới trong năm 2020. Tuy nhiên về lợi nhuận thì lãnh đạo doanh nghiệp lại có kế hoạch ngược lại khi giảm 20% so với năm trước vì lo ngại giá heo hơi neo cao và nguồn cung bất ổn.
![]() |
Giá heo nguyên liệu đang neo cao khiến Vissan đặt kế hoạch giảm lãi trong năm 2020. Ảnh: Quang Huy |
Ngày 18-6, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 nhằm thông qua các kết quả thực hiện trong năm 2019 và kế hoạch kinh doanh, đầu tư cho năm mới.
Năm 2019, Vissan ghi nhận kết quả kinh doanh kỷ lục sau 46 năm đi vào hoạt động, với tổng doanh thu gần 5.000 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 226 tỉ đồng (bao gồm hoàn nhập quỹ phát triển khoa học công nghệ 20 tỉ đồng).
Chia sẻ tại đại hội, HĐQT Vissan tiếp tục hướng đến kỷ lục doanh thu trong năm 2020 khi trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu dự kiến đạt 5.580 tỉ đồng, tăng 12%. Tuy nhiên lợi nhuận trước thuế chỉ khiêm tốn ở mức 180 tỉ đồng giảm 20% so với năm ngoái.
Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Vissan cho biết, tình hình chăn nuôi chậm hồi phục, việc tái đàn cần thời gian dẫn đến thiếu hụt nguồn cung heo hơi trên thế giới, đặc biệt tại Trung Quốc và Việt Nam, khiến giá heo hơi leo thang và dự báo tiếp tục giữ ở mức cao trong năm nay.
Giá nguyên liệu heo hơi sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2020 sau đó giảm dần ở năm 2021 và đi vào ổn định từ năm 2022 do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi.
"Thậm chí nếu tăng nhập thịt heo sống từ nước ngoài, tới đây giá nhập khẩu cũng tăng, vì doanh nghiệp nước ngoài cũng đâu thích bán giá thấp", ông An nhấn mạnh
Ngoài tác động từ giá heo hơi, lãnh đạo Vissan cũng cho rằng dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp sản xuất kinh doanh của Vissan.
Trên cơ sở dự báo, dịch bệnh diễn ra trong năm 2020, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty sẽ đi vào ổn định từ năm 2021. Cùng thời điểm này sẽ hoàn thành toàn bộ các hạng mục của công trình, tiến hành nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng công trình Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan.
Ban lãnh đạo Vissan kỳ vọng đến năm 2023 sẽ thực hiện di dời máy móc, thiết bị tại TPHCM đến nhà máy mới tại Long An và thực hiện các thủ tục kiểm toán, quyết toán dự án.
"Vissan dự kiến đưa nhà máy chế biến tại Long An đi vào hoạt động đầu năm 2024, vì vậy chi phí từ năm 2024 sẽ tăng cao, đặc biệt là chi phí lãi vay và chi phí khấu hao. Lợi nhuận dự kiến sẽ giảm so với năm 2023, tuy nhiên việc đưa nhà máy này đi vào hoạt động sẽ giúp Vissan tăng năng lực sản xuất cũng như nâng cao hơn nữa chất lượng các dòng sản phẩm cung cấp ra thị trường", ông An nói.
Những con số Vissan công bố: Hiện nay, doanh nghiệp chiếm 70% thị phần lạp xưởng, 65% xúc xích tiệt trùng, 40% thị phần hàng đông lạnh, 30% thị phần cả giò, 20% thị phần đồ hộp tại thị trường nội địa. Cả năm 2019, tổng sản lượng thịt lợn do Vissan bán ra đạt hơn 24.300 tấn (tăng 1% so với cùng kỳ 2018 nhưng chỉ bằng 92% kế hoạch năm). Về thịt bò, tổng sản lượng bán ra đạt hơn 1.600 tấn (tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 106% kế hoạch năm 2019). Về sản lượng thực phẩm chế biến, Vissan bán ra trên 26.200 tấn (tăng 16% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 105% kế hoạch năm 2019). |