Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lỗ hổng cho hàng nhái, hàng giả

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lỗ hổng cho hàng nhái, hàng giả

Quốc Hùng

Lỗ hổng cho hàng nhái, hàng giả
Đại diện chủ sở hữu hướng dẫn khách hàng phân biệt hàng vi phạm và hàng chính hãng. Ảnh: Ngọc Ánh.

(TBKTSG) – Tại tọa đàm “Nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp” do báo Công an nhân dân và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức hồi tuần trước, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân khiến nạn hàng nhái, hàng giả tràn lan hiện nay là do quy định và thực thi pháp luật còn lỏng lẻo, doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, người tiêu dùng ngại tố cáo…

>> Xem các bài viết về hàng giả, hàng nhái tại đây

Hàng giả, hàng nhái có ở khắp nơi

Nhiều lần, Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi phát hiện mặt hàng võng xếp của mình bị làm giả và bày bán trên thị trường. Đã có một số vụ bị đưa ra ánh sáng nhưng chỉ một thời gian sau đó thì… “đâu lại vào đấy”. Tại buổi tọa đàm, đại diện công ty này kiến nghị, khi một doanh nghiệp đã lên tiếng kêu cứu thì cơ quan chức năng cần phải vào cuộc một cách khẩn trương hơn nữa nhằm giảm bớt thời gian giải quyết vụ việc. Bên cạnh đó, việc xử phạt vi phạm cũng phải đủ sức răn đe.

Ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty Thời trang nón Sơn, chia sẻ sau mười mấy năm bền bỉ với việc chống hàng giả, đến nay, ông cay đắng thấy mình vẫn “yếu thế” so với lực lượng làm hàng giả. Ông cho rằng thời gian qua, các hồ sơ vi phạm chuyển về cho chi cục trưởng thị trường đã phải tốn rất nhiều thời gian và phải qua rất nhiều khâu mới có thể xử lý được. Và một thực trạng khác còn nhức nhối hơn cả hàng giả, hàng nhái, theo ông Tý, đó là vấn nạn vi phạm bản quyền, cũng chưa được cơ quan chức năng xử lý. Ngoài ra, các đơn vị cấp phép kinh doanh, cấp chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn, hợp quy cũng chưa làm tốt việc thẩm định nguồn gốc sản phẩm dẫn đến tình trạng có doanh nghiệp sản xuất hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nhưng vẫn được cấp phép kinh doanh.

Đại tá Trần Kim Thẩm, Phó tổng biên tập báo Công an nhân dân, nêu thực trạng hàng giả, hàng nhái được tiêu thụ công khai. Nhiều đường dây sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái thậm chí đã tồn tại, hoành hành suốt thời gian dài mà hàng loạt vụ đã được phát hiện gần đây như phân bón giả của Công ty Thuận Phong, thuốc điều trị ung thư giả của Công ty Dược VN Pharma, mỹ phẩm giả của T’S Group… Theo ông Trương Văn Ba, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, những vụ việc nổi cộm này chỉ là “phần nổi”. Trên thực tế, số vụ hàng giả, hàng nhái với mức độ nghiêm trọng rất nhiều, có ở mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực, trên mọi địa bàn. Ông cho biết từ năm 2014 đến tháng 10-2017 đã phát hiện 44.546 vụ hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ. Riêng tháng 10 vừa qua phát hiện 3.863 vụ.

Bà Nguyễn Thị Huyền Trang, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, cũng đồng tình: hàng giả, hàng nhái có từ các mẹt hàng ở các phiên chợ vùng sâu, vùng xa cho đến các chợ đô thị và len lỏi vào cả những siêu thị cao cấp. Hầu hết các nhãn hàng của các thương hiệu có uy tín được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái.

Một điểm đáng chú ý, theo luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, hàng giả được làm rất tinh vi, giống hàng thật đến từng chi tiết nhỏ nhất, khiến người tiêu dùng khó mà phân biệt. “Một số trường hợp mua hàng ở các trung tâm thương mại lớn giá trị tới vài chục triệu đồng một sản phẩm mà cũng bị vướng hàng giả, hàng nhái”, bà Thu nói.

Nhiều “lỗ hổng”

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho thấy hàng giả, hàng nhái hiện nay đã thực sự trở thành “ngành công nghiệp đen tối”.

Dù Bộ luật Hình sự 2015 đã có những chế tài đối với tội sản xuất và tiêu thụ hàng giả, hàng nhái; nhiều cơ quan được trao thẩm quyền xử phạt hành vi này nhưng hàng giả, hàng nhái vẫn tràn lan trên thị trường. Ông Nguyễn Ngọc Luận, Chủ tịch Câu lạc bộ Kết nối doanh nhân Saigon-ASEAN, cho rằng đó là do luật chưa kín kẽ, chế tài chưa đủ răn đe. Trên thực tế đã có chuyện sản xuất mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng được nói là sản xuất mũ… thời trang cho người đi bộ, đi xe đạp.

Có ý kiến cho rằng một số quy định của Bộ luật Hình sự chưa được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể. Chẳng hạn có quy định: “Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng trong chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi với số lượng lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng… thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm”, thế nhưng cho đến nay, chưa có hướng dẫn thế nào là “số lượng lớn”, thế nào là “gây hậu quả nghiêm trọng”, khiến quá trình xử lý gặp khó khăn.

Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng (Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TPHCM) thì thừa nhận công tác quản lý sản xuất, kinh doanh còn thiếu sót, sơ hở, lỏng lẻo và yếu kém. Riêng công tác chống hàng giả của lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường thì gặp nhiều khó khăn trong việc giám định, thẩm định hàng giả.

Theo các doanh nghiệp, không khó để phát hiện hàng giả, hàng nhái trên thị trường nhưng để khẳng định đó là hàng giả thì không dễ. Theo quy định, để xử lý được hàng giả, bắt buộc phải có giám định kết luận hàng giả, nhưng chi phí giám định nhiều mặt hàng rất đắt, khi đưa đi giám định buộc lực lượng thực thi phải tạm ứng kinh phí giám định mà việc thu hồi các khoản ứng phí giám định trên thực tế là rất nhiêu khê. Mặt khác, muốn giám định hàng giả, hàng nhái thì phải có yêu cầu từ chủ sở hữu thương hiệu bị làm giả, làm nhái, nhưng rất nhiều vụ vi phạm khi bị phát hiện thì hàng hóa bị làm giả có nguồn gốc từ các nước không đăng ký chất lượng tại Việt Nam. Điều đáng nói là nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp e ngại thương hiệu bị ảnh hưởng nên khi được mời đến xác nhận hàng giả đã từ chối.

Và vẫn còn nhiều trường hợp doanh nghiệp bị xâm hại quyền lợi, bị làm giả thương hiệu nhưng lại không chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để chống lại. Có ý kiến cho rằng thủ tục khiếu nại, tố cáo khá phức tạp, nhiều phiền hà, tốn kém thời gian và tiền bạc…

Công tác phối hợp liên ngành cũng bị cho là chưa thể hiện sự thống nhất, còn đùn đẩy trách nhiệm. Tại nhiều vụ việc phát hiện buôn lậu, hàng giả, không có cơ quan nào chịu nhận trách nhiệm.

Theo ông Nguyễn Ngọc Luận, người tiêu dùng cũng chưa phát huy hết vai trò trong chống hàng giả. Có không ít người biết chắc mình đang mua hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhưng vẫn chấp nhận do giá cả phù hợp với túi tiền của họ. Mặt khác, nhiều người bị mua nhằm hàng giả thì ngại động chạm, ngại kiện cáo hoặc không có cơ sở để kiện tụng (như không có hóa đơn chẳng hạn), nên họ chỉ thường dừng lại ở… “rút kinh nghiệm” mà thôi.

Theo luật sư Đỗ Hải Bình, mức xử phạt hành chính hay hình sự đối với hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái hiện nay là chưa đủ sức răn đe. Nhiều đối tượng đã bị tòa xử tù giam nhưng sau khi ra tù vẫn “hành nghề” cũ vì những khoản siêu lợi nhuận mà nó mang lại. Bộ luật Hình sự 2015 có chế tài cả pháp nhân với mức phạt tiền lên đến 18 tỉ đồng, tước giấy phép kinh doanh, nhưng dường như cũng không đủ để chặn được hành vi sản xuất hàng giả nơi những người thành lập doanh nghiệp mới.

Theo ông Bình, giải pháp là cần sự chung tay của nhiều ban ngành, cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân. Pháp luật phải được thực thi nghiêm minh và đủ sức răn đe. Người dân hãy luôn nói “không” với hàng giả. Những doanh nghiệp làm ăn chân chính nếu bị vi phạm bản quyền thì không nên e ngại mà cần phải kiên trì đi tới tận cùng câu chuyện. 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới