Thứ Ba, 6/06/2023, 11:30
29 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Lo lắng với kế hoạch 2020 của doanh nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lo lắng với kế hoạch 2020 của doanh nghiệp

Triêu Dương

(TBKTSG) – Còn một ngày nữa là bước sang tháng 5 nhưng vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp chưa công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2020. Với những công ty đã công bố, bên cạnh một số ít vẫn mạnh dạn đặt ra các chỉ tiêu tăng trưởng, hầu hết đều chứng kiến sự giảm sút vì môi trường kinh doanh hiện đang bất lợi hơn bao giờ hết.

Rủi ro kinh tế 2020: Cẩn trọng với nợ doanh nghiệp

Hàng trăm doanh nghiệp trước nguy cơ ngưng sản xuất vì dịch nCoV

Lo lắng với kế hoạch 2020 của doanh nghiệp
Tỷ giá đang trở thành một trong những nỗi lo lớn nhất của nhiều doanh nghiệp trong năm 2020.

Không chỉ vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mà nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng hiện đang phải đối mặt với quá nhiều yếu tố bất ổn của môi trường vĩ mô. Rõ ràng doanh thu của các doanh nghiệp sẽ suy giảm đáng kể là điều không phải bàn cãi, khi mà kết quả sản xuất kinh doanh quí 1 vừa qua đang dần hé lộ là minh chứng rõ nhất, dù chưa phản ánh hết những thiệt hại.

Nhìn về tương lai, khó nói trước được dịch bệnh còn diễn tiến ra sao. Liệu sẽ có thêm các đợt giãn cách xã hội ảnh hưởng đến cả sản xuất và tiêu dùng hay không? Các hoạt động giao thương, thương mại có sớm thoát khỏi tình trạng trì trệ, vốn đang tác động tiêu cực lên các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa hay nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu vào?

Thậm chí, khi toàn xã hội bắt buộc phải sống chung với dịch, những giải pháp chữa trị hiệu quả đã được xác định rõ ràng, thì cũng không ai dám chắc tâm lý người dân sẽ bình thường trở lại và sức cầu tiêu dùng sẽ hồi phục mạnh mẽ, giúp doanh thu của các doanh nghiệp tăng trưởng trở lại.

Trong khi đó, chi phí vốn đầu vào vẫn là một ẩn số lớn đối với các doanh nghiệp trong tình hình hiện nay. Dịch bệnh đã làm mọi thứ thay đổi và diễn tiến theo những cách khó có thể tin được, đơn cử như sự biến động khó lường của giá cả nhiều loại hàng hóa, mà giá dầu rớt về mức âm gần đây là minh chứng rõ rệt nhất.

Việc giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào giảm mạnh có thể mang lại lợi ích rất lớn cho nhiều ngành kinh tế, giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, nhưng thật khó để nói trước được sau đợt sụt giảm mạnh vừa qua, các mặt hàng này có thể tiếp tục giảm sâu hay sẽ lại phục hồi trong thời gian còn lại của năm nay.

Tỷ giá đang trở thành một trong những nỗi lo lớn nhất của nhiều doanh nghiệp trong năm 2020, khi nhiều dự báo cho thấy thị trường ngoại hối sẽ khó có được một năm êm ả như trước, do cung cầu ngoại tệ có thể lại rơi vào tình trạng mất cân đối.

Nguồn thu từ xuất khẩu và đầu tư đã có dấu hiệu suy yếu, trong khi dòng ngoại tệ lớn từ kiều hối cũng có thể chứng kiến sự sụt giảm lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, khi lực lượng lao động di cư đang là nhóm đối tượng dễ bị mất việc làm do khủng hoảng kinh tế ở các nước sở tại, theo như báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới.

Thực tế một vài đợt biến động tỷ giá trong quí 1 vừa qua, dù chưa mạnh lắm, nhưng đã cho thấy sự ảnh hưởng đáng kể lên kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, qua báo cáo tài chính mới công bố.

Đơn cử như Công ty cổ phần Thủy điện Sê San 4A (S4A) vừa công bố lãi ròng quí 1 giảm đến 78% so với cùng kỳ, do chi phí tài chính tăng mạnh 73%, lên gần 17 tỉ đồng, chủ yếu vì lỗ từ chênh lệch tỷ giá tăng thêm gần 8 tỉ đồng.

Hay như Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí (PVT) báo lãi ròng giảm 38%, trong đó báo lỗ tỷ giá tăng 8 tỉ đồng do tỷ giá biến động tăng cao làm chi phí chênh lệch tỷ giá phát sinh tăng đối với những khoản vay ngoại tệ.

Trong khi đó, xu hướng lãi suất giảm mạnh trong thời gian qua cũng khiến nhiều doanh nghiệp có lượng tiền mặt lớn gửi ngân hàng bị ảnh hưởng không nhỏ, khi thu nhập từ lãi tiền gửi giảm mạnh so với giai đoạn trước, mà báo cáo tài chính quí 1 vừa qua cũng đã thể hiện rõ.

Như tại PVT nói trên, doanh thu tài chính giảm mạnh 16,5 tỉ đồng, tương đương giảm 70%, trong đó chủ yếu do lãi tiền gửi, cho vay giảm 15,6 tỉ đồng, tương đương giảm 75% so với cùng kỳ.

Dù mặt bằng lãi suất giảm gần đây có thể giúp các doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng tiết giảm chi phí tài chính, nhưng việc có đủ điều kiện để tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng, lãi suất ưu đãi hay không còn là vấn đề; thậm chí dù đủ điều kiện nhưng chưa chắc đã nhận được sự hỗ trợ, khi mà các chính sách triển khai vào thực tế vẫn còn rất chậm so với những cam kết, định hướng.

Thị trường chứng khoán đang có xu hướng phục hồi tích cực từ đầu tháng 4 đến nay, nhưng nhận định chung của hầu hết giới phân tích là vẫn chưa thể thoát khỏi xu hướng đi xuống. Việc chứng khoán suy giảm sẽ khiến các kế hoạch chia cổ tức bị ảnh hưởng, theo đó các doanh nghiệp có hoạt động đầu tư góp vốn không những chứng kiến thu nhập từ hoạt động này suy giảm mà thậm chí phải trích lập dự phòng cho các khoản lỗ tiềm năng, từ trích mới cho đến bổ sung, đặc biệt là các công ty thuộc lĩnh vực tài chính như chứng khoán, bảo hiểm.

Như Công ty cổ phần PVI (PVI) quí 1-2020 báo lãi ròng hơn 89 tỉ đồng, giảm 60% so cùng kỳ, trong đó đã trích lập dự phòng giảm giá đầu tư đối với chứng khoán kinh doanh gần 110 tỉ đồng trong kỳ, khiến chi phí tài chính quí 1-2020 lên đến 134 tỉ đồng, gấp gần 11 lần cùng kỳ.

Hay như Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng (NDN), lãi ròng quí 1-2020 thấp nhất trong bốn năm qua, do ảnh hưởng lớn từ chi phí tài chính tăng vọt lên gần 17 tỉ đồng, trong đó riêng phát sinh lỗ đầu tư chứng khoán là 10,7 tỉ đồng, dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh 11,9 tỉ đồng.

Nếu đặt chỉ tiêu lợi nhuận cao sẽ không khả thi, nhưng đưa thấp thì ban lãnh đạo không chỉ khó ăn nói với cổ đông mà còn lo ngại sẽ tác động xấu đến giá cổ phiếu, vốn đã chìm sâu trong đợt lao dốc vừa qua.

Đối với các ngân hàng, rủi ro nợ xấu gia tăng cũng làm tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Thực tế mới kết thúc quí 1 nhưng đã chứng kiến nhiều ngân hàng tăng mạnh trích lập, ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận, như SCB trích gần 654 tỉ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 30 lần cùng kỳ năm trước.

TPBank tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước, lên mức 324 tỉ đồng. MBBank cũng tăng gấp đôi, còn SaigonBank tăng 53% và VietinBank tăng 36% chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Trong khi đó, với những doanh nghiệp đang có kế hoạch phát triển các mảng kinh doanh mới, mở rộng đầu tư sản xuất, hoặc đã trót kích hoạt triển khai các dự án, thì giữa bối cảnh như hiện nay, việc gọi thêm vốn từ thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu hay vay vốn từ ngân hàng để tiếp tục theo đuổi, duy trì các dự án này sẽ không dễ. Do đó, nhiều dự án sẽ buộc phải đình lại hoặc thậm chí rơi vào tình trạng dở dang, khiến các doanh nghiệp có thể sống dở chết dở với những dự án này.

Với hàng loạt yếu tố tác động kể trên, không khó hiểu khi báo cáo thường niên của nhiều doanh nghiệp niêm yết đã không đặt ra kế hoạch kinh doanh năm 2020, cũng như các tài liệu để họp đại hội đồng cổ đông cho đến nay vẫn chưa được công bố, nếu có cũng bỏ trống nội dung mục tiêu lợi nhuận.

Nếu đặt chỉ tiêu lợi nhuận cao sẽ không khả thi, nhưng đưa thấp thì ban lãnh đạo không chỉ khó ăn nói với cổ đông mà còn lo ngại sẽ tác động xấu đến giá cổ phiếu, vốn đã chìm sâu trong đợt lao dốc vừa qua.

Rõ ràng giới chủ nhiều công ty đang đau đầu khi phải hoạch định mục tiêu theo diễn biến của dịch bệnh và môi trường kinh doanh bất định, với quá nhiều biến số lớn ảnh hưởng đến mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp theo các cách khác nhau.

Do đó, không ít người quyết định chờ đợi thêm thời gian để các thông tin đầu vào của môi trường kinh doanh rõ nét hơn. Nhưng đứng ở góc độ nhà đầu tư, vốn đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp để có đánh giá phù hợp, thì việc thông tin chậm trễ không chỉ làm họ sốt ruột mà còn mang lại nhiều nỗi e ngại, lo lắng trong tình hình này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới