Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lỗ nặng, vì sao các hãng hàng không vẫn đua nhau mua máy bay?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lỗ nặng, vì sao các hãng hàng không vẫn đua nhau mua máy bay?

Việt Dũng

(TBKTSG Online) – Hàng không là một trong những lĩnh vực kinh tế chịu tổn thất nặng nề nhất trong dịch bệnh Covid-19, với các khoản lỗ được các hãng bay trong nước công bố lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng. Tuy vậy, các hãng đã đưa ra kế hoạch hoạt động đầy tham vọng sau khi dịch bệnh được kiểm soát, với phương án vung tiền mua hàng chục máy bay mới.

Đặt cược lớn vào sự phục hồi của thị trường

Trong giai đoạn đóng cửa bầu trời với quốc tế vì Covid-19, các hãng hàng không nội địa cũng ước tính các khoản lỗ lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng. Khó khăn do nguồn thu không đủ bù chi, đội máy bay nằm tại bãi đậu do phạm vi hoạt động thu hẹp trong thị trường nội địa. Thậm chí, có hãng bay còn cho rằng khả năng hoạt động liên tục trong thời gian sắp tới cũng phụ thuộc vào các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Tuy nhiên, đồng thời với việc xin hỗ trợ các hãng bay cũng đưa ra những kế hoạch đầy tham vọng sau khi dịch bệnh kết thúc.

Lỗ nặng, vì sao các hãng hàng không vẫn đua nhau mua máy bay?
Một số hãng hàng không nội địa đang chuẩn bị mua thêm máy bay để đón đầu thị trường sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong buổi đối thoại với chính quyền Hà Nội mới đây, Vietnam Airlines đã tiết lộ về kế hoạch trở lại thị trường. Hãng hàng không quốc gia mong muốn sớm có giải pháp tài chính và phục hồi. Qua đó, doanh nghiệp cần nguồn tiền và dòng tiền hỗ trợ; mong muốn Chính phủ giảm thuế, tạo ra cơ chế tái cơ cấu nợ, đẩy nhanh tốc độ triển khai.

Trong đó, một phương án mà hãng lựa chọn cũng khiến nhiều người bất ngờ là đẩy nhanh đặt mua thêm 50 máy bay với tổng mức đầu tư dự kiến gần 3,8 tỉ đô la Mỹ trong thời điểm 100 trong tổng số 106 máy bay của Vietnam Airlines đang "nằm sân" không thể khai thác. Thậm chí, trong báo cáo tài chính mới đây hãng này cũng vừa mới công bố bán 5 máy bay và thoái vốn khỏi Cambodia Angkor Airways.

CEO của Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho rằng đây là thời điểm tốt để mua thêm máy bay, đón đầu thị trường sau dịch bệnh. Ông Thành nhận định dịch Covid-19 chính là cơ hội để mua thêm máy bay khi hầu hết các hãng trên thế giới đang hủy đơn hàng.

Lãnh đạo hãng hàng không quốc gia cho hay cách đây khoảng 2 tháng, để đặt hàng một chiếc máy bay thì phải mất 3-4 năm mới được giao. Tuy nhiên, khi nhiều hãng trên thế giới hủy đơn hàng thì Vietnam Airlines có thể nhanh chóng nhận được máy bay.

 

Mua máy bay mới cũng là khoản đầu tư mạnh tay đối với Vietnam Airlines, khi hãng ước tính sẽ lỗ 19.651 tỉ đồng chỉ trong năm 2020. Thậm chí, trong bức tâm thư trước đó gửi nhân viên, ông Dương Trí Thành cho rằng, hãng phải mất 5 năm mới bù lại các khoản lỗ phát sinh, với điều kiện kinh doanh tốt sau dịch bệnh và các cơ chế đảm bảo. Hiện tại, Vietnam Airlines đang có khoảng 1.000 phi công nghỉ việc, con số tiếp viên là 3.000 người.

Mới đây, hãng hàng không Bamboo Airway cũng tổ chức cuộc họp trực tuyến ban lãnh đạo cấp cao của hãng tại nhiều đầu cầu, xoay quanh nội dung điều chỉnh kế hoạch khai thác của hãng trong năm 2020, nhằm ứng phó hiệu quả với tình hình thị trường.

Lãnh đạo hãng hàng không tư nhân này cho rằng, các số liệu lịch sử đã cho thấy hàng không là một trong những ngành bị ảnh hưởng trực diện và nghiêm trọng nhất từ các dịch bệnh, nhưng cũng là ngành hồi phục thần tốc và mạnh mẽ nhất khi dịch được dập tắt.

Chủ tịch HĐQT Bamboo Airway Trịnh Văn Quyết cho rằng, mục tiêu thị phần của Bamboo Airways là không thay đổi, với 30% đến cuối năm 2020, trong đó tập trung chủ chốt vào thị trường nội địa trên các đường bay được Bamboo Airways xác định là trọng điểm.

Trả lời về kế hoạch khai thác của Bamboo Airways khi thị trường phục hồi, ông Trịnh Văn Quyết cho biết, về thị trường nội địa, hãng sẽ tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh mở mới các đường bay để tiếp tục củng cố mạng bay quốc nội.

Đối với thị trường quốc tế, tùy theo tình hình khắc phục dịch bệnh tại các điểm đến, Bamboo Airways sẽ khôi phục hoạt động trên những đường bay thường lệ đã thiết lập như Hàn Quốc, Đài Loan, Séc…, đồng thời mở lại tiến trình xây dựng và kết nối các đường bay mới tới Đông Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương đang bị tạm hoãn; cũng như nghiên cứu và tính toán các đường bay tiềm năng quốc tế mới khác.

"Với kế hoạch này, Bamboo Airways sẽ điều chỉnh mục tiêu tăng đội máy bay lên tối thiểu 40 tàu đến cuối năm 2020 và vẫn hướng tới duy trì mục tiêu đội 50 tàu đặt ra hồi cuối năm 2019, nếu nhu cầu đi lại hồi phục tốt hơn dự kiến, các điều kiện thị trường vận động theo hướng tích cực, hoạt động kinh doanh đáp ứng yêu cầu về mở rộng quy mô trong quí 3 và quí 4-2020", ông Trịnh Văn Quyết cho biết tại cuộc họp trực tuyến giữa các đầu cầu bao gồm ban lãnh đạo cấp cao của hãng vào chiều ngày 17-4.

Như vậy, lãnh đạo các hãng bay Việt Nam đều có những dự đoán lạc quan về nhu cầu di chuyển hàng không trong và ngoài nước sau dịch sẽ nhanh chóng quay trở lại thời điểm trước dịch. Đó là lý do để họ đặt cược vào những kế hoạch đầy tham vọng trong bối cảnh thua lỗ đang “bao vây”.

“Sale & leaseback” – nghiệp vụ giúp giảm cơn đau tài chính

Việc phải tiếp tục duy trì hoạt động trong khi gần như không có doanh thu khiến các hãng hàng không nội địa đối mặt với bài toán dòng tiền bị thâm hụt nghiêm trọng. Ngoài việc đầu tư để đón đầu thị trường sau dịch thì việc mua máy bay cũng có thể giúp các hãng có thể xoay sở được nguồn thu nếu tận dụng tốt nghiệp vụ bán và thuê lại (sales & leaseback).

Một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không chia sẻ trong hàng không có một nghiệp vụ được dùng khá phổ biến, đó là nghiệp vụ “sale & leaseback”. Hãng hàng không mua máy bay của hãng sản xuất rồi bán lại cho các hãng cho thuê máy bay với cam kết thuê lại chính các máy bay đó. Các hãng hàng không khi mua đạt đến một số lượng nhất định thì sẽ luôn được nhà sản xuất chiết khấu. Nếu số lượng đủ lớn và đúng dòng máy bay đang bán chậm thì mức chiết khấu khá cao.

Các hãng hàng không bán toàn bộ số máy bay vừa đặt mua cho một bên thứ 3 chuyên cho thuê máy bay với giá niêm yết, xong ký hợp đồng thuê lại. Khi đó hãng hàng không sẽ lãi ngay một khoản hoa hồng đáng kể. Nếu mua nhiều thì khoản lãi này có thể lên đến cả tỉ đô la.

“Bản chất của nghiệp vụ này là lấy lợi nhuận của tương lai để sử dụng trong hiện tại. Bởi khoản lời hoa hồng này cũng được trừ vào chi phí thuê (giá cao hơn) trong dài hạn và tiền khấu hao tàu bay. Vì vậy để giải bài toán vốn đầu tư trước mắt, có thể các hãng hàng không tham gia cuộc đua mua thêm tàu bay để tận dụng triệt để nghiệp vụ “sale & leaseback” trong hiện tại”, vị này phân tích.

Trong bối cảnh các nhà sản xuất máy bay bị hủy đơn hàng do dịch bệnh, có thể chi phí vốn cho việc mua may bay sẽ nhẹ bớt và mức chiết khấu cũng được cao hơn. Vì vậy mua máy bay và vận dụng tốt nghiệp vụ tài chính "sales & leaseback" để có thể bù đắp cho nguồn thu ngắn hạn.

Đánh giá về dịch Covid-19 khi nhìn từ dịch SARS trong quá khứ, dại diện các hãng cho rằng hàng không là một trong những ngành bị ảnh hưởng trực diện và nghiêm trọng nhất từ dịch bệnh, nhưng cũng là ngành hồi phục thần tốc khi dịch được dập tắt. Thêm vào đó, giá dầu tiếp tục đà giảm sâu tính đến tuần đầu tháng 4 cũng là một tín hiệu có lợi đối với doanh nghiệp giao thông vận tải, bao gồm hàng không. Việc đi tắt đón đầu này có thể là phương án tối ưu để hàng không có thể nhanh chóng “gỡ” lại những mất mát từ những tác động khách quan vừa qua.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới