Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lo ngại an ninh từ việc phụ thuộc sản phẩm năng lượng tái tạo của Trung Quốc

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) –  Đầu tư toàn cầu vào năng lượng tái tạo đạt kỷ lục 226 tỉ đô la trong nửa đầu năm 2022, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái – theo báo cáo Triển vọng năng lượng mới Bloomberg NEF. Trung Quốc chiếm 43% tổng chi tiêu trên toàn thế giới. Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng vị trí thống lĩnh của Trung Quốc trong các phân khúc quan trọng của chuỗi cung ứng có thể gây ra rủi ro an ninh.

Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang kích thích nhu cầu về năng lượng sạch mặc dù chi phí tài chính đang tăng dần. Tổng tài trợ cho các dự án điện mặt trời đạt kỷ lục mới với 120 tỉ đô la trong nửa đầu năm, tăng 33%. Trong khi đó, vốn cho các dự án điện gió đạt 84 tỉ đô la, tăng 16%.

Đầu tư mới vào các dự án năng lượng tái tạo toàn cầu trong nửa đầu năm 2022, tính theo tỉ đô la. Nguồn: Bloomberg NEF

Albert Cheung, trưởng bộ phận phân tích của Bloomberg NEF, cho rằng: “Bất chấp những khó khăn do lạm phát gây ra và những thách thức trong chuỗi cung ứng, nhu cầu đối với các nguồn năng lượng sạch chưa bao giờ cao hơn hiện nay”.

Trung Quốc đã tăng gấp đôi chi tiêu cho các dự án điện gió lên 58 tỉ đô la, trong khi 41 tỉ đô la dành cho các dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn, gấp khoảng 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Nannan Kou, trưởng bộ phận phân tích của Bloomberg NEF tại Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc là nguồn phát thải carbon lớn nhất thế giới đang hướng tới mục tiêu mở rộng công suất điện gió và mặt trời lên 1.200 GW vào năm 2030. Kou nhận định rằng Trung Quốc “đang đi đúng hướng” để đạt được mục tiêu đó và có thể hoàn thành sớm hơn dự định.

Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IREA), cuối năm 2021 Trung Quốc đã đạt được một nửa mục tiêu với công suất 635 GW. Hiện nước này đang xây dựng các nhà máy điện mặt trời có công suất 97 GW. Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng 450 GW công suất điện mặt trời và điện gió ở sa mạc Gobi và các vùng sa mạc khác.

Nhưng sự thống trị ngày càng tăng của Trung Quốc trong ngành năng lượng sạch lại đem đến những quan ngại mới.

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang chiếm vị thế ngày càng lớn trên thị trường năng lượng tái tạo nhờ vào sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ và các khoản đầu tư quy mô lớn. Theo Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), 6/10 nhà sản xuất turbine điện gió hàng đầu thế giới là của Trung Quốc và nước này cũng sở hữu trọn 10 nhà nhà cung cấp thiết bị sản xuất quang điện mặt trời hàng đầu thế giới.

Theo báo cáo năm 2021 của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), Trung Quốc đứng đầu thế giới về khả năng cạnh tranh sở hữu trí tuệ đối với năng lượng gió ngoài khơi và công nghệ năng lượng mặt trời thế hệ tiếp theo. METI nhìn nhận rằng khả năng cạnh tranh của Trung Quốc trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi cao hơn ba lần so với Nhật Bản đang giữ vị trí thứ hai. Tương tự, khả năng cạnh tranh về công nghệ năng lượng mặt trời gần gấp ba so với người đứng thứ hai là Nhật Bản.

Theo báo cáo hồi tháng 4 của GWEC, Trung Quốc cũng thống trị lĩnh vực sản xuất các khoáng sản quan trọng được sử dụng trong động cơ điện gió, bao gồm đồng với 40% thị phần toàn cầu, niken 35% và đất hiếm 87%.

Động cơ điện gió được lắp ở Quảng Tây vào tháng 7-2020. Trung Quốc hiện có 6/10 nhà sản xuất động cơ điện gió lớn nhất thế giới. Ảnh: Getty Images

GWEC lập luận rằng một chuỗi cung ứng năng lượng gió “tập trung nhiều ở một số ít khu vực địa lý” có thể khiến nguồn cung cấp và thương mại dễ bị tổn thương do căng thẳng địa chính trị. Tình trạng này cũng khiến một số ít cơ quan quản lý “bị ảnh hưởng quá mức” đối với các hoạt động chuỗi cung ứng và khuôn khổ pháp lý, bao gồm lao động, nhân quyền và các khía cạnh khác.

Nhiều quan ngại cũng dấy lên tại Nhật Bản khi các nhà sản xuất Trung Quốc cung cấp turbine điện gió cho các trang trại năng lượng gió tại Nhật Bản. Bởi nhà sản xuất có thể truy cập vào dữ liệu về gió và các dòng hải lưu gắn liền với hệ thống phòng thủ của Nhật Bản. Đối với một dự án như vậy, phía Nhật Bản và Trung Quốc đã đồng ý rằng không có dữ liệu nào về gió hoặc dòng hải lưu thu thập được trong quá trình lắp đặt và vận hành động cơ sẽ được gởi về cho Trung Quốc, theo một bài báo hồi tháng 2-2022 của Nikkei Asia.

Theo báo cáo của (IEA) công bố hồi tháng trước, Trung Quốc kiểm soát hơn 80% đối với tất cả các công đoạn sản xuất tấm pin mặt trời. Báo cáo đề cập đến vụ nổ năm 2020 tại một cơ sở polysilicon ở Trung Quốc, làm giảm 8% công suất sản xuất toàn cầu và góp phần làm cho giá polysilicon tăng gần gấp ba lần từ năm 2020 đến năm 2021.

IEA cảnh báo mức độ tập trung cao của ngành năng lượng tái tạo thế giới vào Trung Quốc “thể hiện một mức độ tổn thương đáng kể”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới