Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lo ngại cà phê phải đối mặt với giá thấp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lo ngại cà phê phải đối mặt với giá thấp

Nguyễn Quang Bình

(TBKTSG Online) – Giá cà phê giảm xuống mức sâu do tồn kho tại các nước tiêu thụ tăng hay vì một yếu tố nào khác? Dù xét từ góc độ nào, nông dân cà phê thế giới đang đối mặt với giá thấp hay phải “sống chung với lũ” trong thời gian trước mắt.   

Giá cà phê trong nước xuống sâu

Lo ngại cà phê phải đối mặt với giá thấp
Biểu đồ 1: Diễn biến giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta Ice London (nguồn: Ice London)

Giá cà phê trên thị trường nội địa lại quay về mức thấp nhất của niên vụ 2014-15 bắt đầu từ tháng 10-2014. Sáng nay thứ Bảy 25-7, tại các vùng cà phê ở Tây Nguyên giá cà phê chỉ còn 35 triệu đồng/tấn, giảm 500.000 đồng/tấn so với tuần trước; thậm chí có nơi thấp hơn một vài trăm ngàn đồng mỗi tấn tùy theo khoảng cách xa gần so với các kho quanh TPHCM.

“Giá cà phê sàn robusta chuyển biến xấu đi đặc biệt kể từ khi rộ lên tin khủng hoảng nợ Hy Lạp và khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất cơ bản đồng đô la Mỹ,” một nhà phân tích thị trường tại TPHCM cho biết.

Giá kỳ hạn Ice London, nơi giao dịch cho loại cà phê robusta, tính đến hôm nay đã mất 134 đô la/tấn so với giá đóng cửa ngày giao dịch cuối tháng 6-2015, tức từ 1.784 đô la/tấn còn 1.650 đô la/tấn.

Như vậy, so với tuần trước, giá kỳ hạn robusta giảm 25 đô la/tấn nhưng vẫn còn đỡ hơn giá arabica được giao dịch trên sàn Ice tại Mỹ: sau một tuần, giá sàn này giảm đến 138 đô la/tấn, sáng nay chốt mức 125.65 xu/cân Anh (cts/lb).

Thị trường trong nước trở nên nặng nề và chậm chạp vì giá xuống liên tục; ít ai muốn mua bán.

“Ở mức 35 triệu đồng/tấn như hôm nay, tôi lỗ 5 triệu đồng/tấn khi mua trữ dịp trước Tết Nguyên đán vì bấy giờ giá lên 40 triệu đồng/tấn,” ông Trần Lợi ở Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng lo lắng nói thế.

Giá giảm do tồn kho thế giới tăng?

Mới đây, ước báo của Tổng cục Hải quan cho biết xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2015 giảm 38% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, điều rất đáng ngạc nhiên là trong khi xuất khẩu cà phê từ Việt Nam – nước sản xuất robusta lớn nhất thế giới – giảm nhiều mà tồn kho trong tay các nước tiêu thụ lại không hề suy giảm.

Biểu đồ 2: Tồn kho cà phê châu Âu tăng (nguồn: SocGen)

Báo cáo định kỳ của Hiệp hội Cà phê châu Âu (European Coffee Federation – ECF) cập nhật số liệu mới nhất về tồn kho cà phê tại châu Âu do ECF quản lý cho rằng tính đến hết tháng 5-2015 đạt 12,11 triệu bao (60 kg x bao), tăng gần nửa triệu bao so với tháng trước đó. Thống kê trên chỉ được đo đếm tại các kho cảng nhưng không tính cà phê đang trung chuyển và còn nằm tại các cơ sở chế biến, số này thêm chừng 2 triệu bao nữa. Tổng lượng 14 triệu bao tồn kho tại châu Âu tương đương với nhu cầu cần cho tiêu thụ tại châu lục này trong vòng 3 tháng rưỡi.

Tại Mỹ, nước tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới, Hiệp hội Cà phê Hạt nước này (Green Coffee Association – GCA) cho biết tính đến hết tháng 6-2015, tồn kho cà phê tại Bắc Mỹ đạt trên 5,5 triệu bao, tăng gần 221.000 bao so với tháng 5-2015, chưa tính 2 triệu bao đang trung chuyển và nằm rải rác tại các cơ sở sản xuất. Đây là mức tồn kho của GCA cao nhất tính từ năm 2005 đến nay. Lượng tồn kho đủ cung cấp cho các nhà máy trong vòng 15 tuần mà không cần nhập khẩu. 

Tại Nhật Bản, tồn kho cà phê đến nay ước chừng 180.000 tấn.

Như vậy, chỉ trong ba khối nước tiêu thụ cà phê truyền thống, tổng tồn kho cà phê có chừng 1,5 triệu tấn, bằng sản lượng cà phê hàng năm của Việt Nam.

Trong khi đó, tồn kho cà phê đạt chuẩn trên sàn robusta Ice London (certs) cũng tiếp tục tăng dù vừa qua các hãng kinh doanh đã bán chuyền tay một lượng khá lớn với 68.340 tấn chỉ trong tháng này. Tính đến hết ngày 20-7, lượng cà phê đạt chuẩn (certs) robusta là 200.470 tấn, tương đương với 3,341 triệu bao, tăng 164% so với cách đây một năm.

Tính từ ngày 1 đến 23-7, đã có 13.800 tấn đưa về tập trung tại các kho cảng thuộc sàn và đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng, trong đó cà phê robusta Việt Nam chiếm 6.070 tấn. Tồn kho đạt chuẩn trên sàn arabica nay ước đạt gần 130.000 tấn.

Tồn kho đầu kỳ của Brazil giảm

Một trong những công ty xuất khẩu cà phê lớn nhất Brazil COMEXIM ước rằng tồn kho đầu kỳ niên vụ 2015-16 của nước này còn 5,1 triệu bao gồm 3,5 triệu bao trong kho tư nhân và 1,6 triệu kho nhà nước, giảm 7,2 triệu bao so với năm trước.

Tồn kho đầu kỳ của Brazil giảm sẽ được bù đắp bởi các nước khác được mùa. Song, điều đáng lo nhất cho giá cà phê hiện nay là một đồng đô la mạnh “trấn áp” các đồng tiền khác của các nước xuất khẩu cà phê.

Xét về cung-cầu và các yếu tố khác, nhiều người đang lo ngại nông dân các nước sản xuất cà phê đang vào thời kỳ giá thấp hay ta thường nói “sống chung với lũ”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới