Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lo ngại cáp treo sẽ là thảm họa cho Fansipan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lo ngại cáp treo sẽ là thảm họa cho Fansipan

Loan Hùng – Hải Viễn

(TBKTSG Online) – Cuối tuần qua, Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Cáp treo Fansipan-Sa Pa, thành viên của Tập đoàn Sun Group đã khởi công dự án, trong đó có hệ thống cáp treo lên Fansipan, khách sạn, khu vui chơi… với tổng số vốn 4.200 tỉ đồng. Chỉ vài ngày được khởi công, dự án đã dấy lên luồng ý kiến lo ngại về ảnh hưởng của nó đến cảnh quan và thậm chí có thể là "thảm họa" cho Fansipan, được mệnh danh là "Nóc nhà Đông Dương".

Lo ngại cáp treo sẽ là thảm họa cho Fansipan
Phong cảnh hùng vĩ trên đường đến đỉnh Fansipan. Ảnh: Bình Nguyên

Các chuyên gia trong ngành du lịch, những người đã từng chinh phục Fansipan đã chia sẻ với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online những lo ngại trên, dù ông Đặng Minh Trường, Phó chủ tịch – Tổng giám đốc Sun Group, cho biết: "Với mong muốn và quyết tâm thực hiện thành công dự án, chủ đầu tư Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ Cáp treo Fansipan-Sa Pa cam kết không gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, đảm bảo chất lượng, an toàn và đẳng cấp một công trình tầm vóc quốc gia”, trong đó có tuyến cáp treo 3 dây lên Fansipan sẽ được khánh thành vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt nam (2-9-2015).

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt, cho rằng cáp treo lên Fansipan là "một thảm họa" của ngành du lịch vì nó sẽ phá hỏng cảnh quan, ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững. Ông phân tích đỉnh Fansipan rất hẹp, nếu một ngày có vài ngàn khách lên đây thì sẽ phá nát cảnh quan của vườn quốc gia và sẽ không bao giờ có ai còn leo núi mạo hiểm để chinh phục đỉnh Fansipan (một loại hình du lịch đặc biệt, thu hút khách của vùng này) khi có một hệ thống cáp treo chạy liên tục trên đầu.

"Nhà đầu tư nói sẽ xây dựng hệ thống cáp treo hiện đại nhất. Chúng ta hay dùng từ hiện đại nhất, to nhất… với mong muốn thu hút du khách nhưng thực sự là sai lầm. Hãy học tập cách phát triển du lịch ở núi cao nhất của Malaysia là Kinabalu để tạo điểm nhấn, tính đặc trưng cho du lịch", ông nói.

Ông cho biết, mỗi ngày, chỉ có 120 khách được lên khám phá Kinabalu và phải đăng ký trước cũng như kiểm tra sức khỏe. Tại đây, có những trạm dừng, chỗ ngủ bắt buộc. Khi du khách vượt qua được thử thách, lên đỉnh núi sẽ được nhận giấy chứng nhận. Ai cũng tự hào khi có giấy chứng nhận này và Kinabalu đã tạo nên điểm nhấn cho du lịch Malaysia.

"Chúng tôi từng nhiều lần đề nghị ngành du lịch nên có bản chỉ đường, bản đồ đàng hoàng cho du khách lên Fansipan nhưng chưa có. Ngành du lịch cần phát triển du lịch Fansipan một cách bền vững chứ đừng bê tông hóa cảnh quan tự nhiên ở đây", ông nói. Lửa Việt – công ty đã tổ chức rất nhiều đoàn du khách leo đỉnh Fansipan và thường cho toàn bộ nhân viên mới của công ty lên Fansipan huấn luyện trước khi bắt đầu công việc.

Tương tự như ông Mỹ, những người đã từng vất vả mới chinh phục được đỉnh Fansipan cũng bày tỏ lo ngại với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng, xây dựng cáp treo lên Fansipan có thể ảnh hưởng đến cảnh quan và làm mất đi loại hình du lịch đặc thù là chinh phục đỉnh núi cao nhất khu vực Đông Dương và thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên – một trong những khu rừng đặc dụng quan trọng của Việt Nam.

Ông Đoàn Hữu Đức, Giám đốc Công ty Tư vấn Việt Nam, cho rằng việc xây dựng tuyến cáp treo Sapa – Fansipan không phải là ý tưởng tốt. “Nóc nhà Đông Dương” với độ cao 3.143 mét bấy lâu nay là “thương hiệu” không chỉ là của tỉnh Lào Cai mà còn của cả Việt Nam. Mọi người thích lên đỉnh Fansipan vì muốn vượt qua chính mình trước những thử thách mà chưa bao giờ hình dung ra.

"Du khách nếu đến Sapa trong tương lai không còn cái khoản chinh phục “Nóc nhà Đông Dương” thật là đáng tiếc. Tôi không ủng hộ việc xây tuyến cáp treo này", ông nói. Doanh nhân này cùng nhóm bạn vừa mới thực hiện chuyến chinh phục đỉnh Fansipan vào tháng 9-2013.

Ông Vũ Tiến Thập, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nhân 2030, Giám đốc Công ty D’Furni, cho rằng cần giữ gìn biểu tượng của “Nóc nhà Đông Dương”, vừa bảo vệ môi trường và cảnh quan chung cả khu vực này. “Nóc nhà Đông Dương” chỉ có giá trị và ý nghĩa khi mỗi cá nhân phải chinh phục bằng chính đôi chân mình. Nếu bạn đi cáp treo để lên đó rồi được cấp cho tờ giấy chứng nhận “đã từng chinh phục Fansipan” sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả", ông nói.

Dự án trên có tổng số vốn lên đến 4.200 tỉ đồng song ông Bùi Xuân Trường, công tác tại Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam (VNPPA) cho biết, hiệp hội mới biết thông tin về việc xây dựng cáp treo nối Sapa và Fansipan cách đây mấy ngày. Vì thế, hiệp hội không biết các chủ đầu tư có nghiên cứu tác động đến môi trường sinh thái trước khi xây dựng cáp treo hay chưa.

Theo ông, hầu như thời gian chuẩn bị cho dự án không có nhiều người biết và bản thân ông cũng như các thành viên thuộc VNPPA cũng mới biết thông tin cách đây vài ngày. Như vậy, ông Trường không loại trừ khả năng các chủ đầu tư đã bỏ qua khâu đánh giá tác động môi trường đối với việc xây dựng và vận hành khi đi vào hoạt động.

”Nếu các chủ đầu tư có làm đánh giá tác động môi trường thì họ phải mời các chuyên gia trong ngành và như vậy, VNPPA cũng sẽ biết thông tin này”, ông Trường nói.

VNPPA cho biết, từ trước đến nay, các nhà khoa học trong nước chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về ảnh hưởng của việc xây dựng cáp treo sẽ tác động như thế nào đến hệ sinh thái ở những khu vực này. Hiện ở Đà Nẵng có hệ thống cáp treo Bà Nà Hill nhưng là khu du lịch, không nằm trong khu vực rừng đặc dụng, vườn quốc gia nên VNPPA chưa có công trình đánh giá tác động.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Hoàng Nghĩa Sơn, Viện trưởng Viện sinh học nhiệt đới, cho biết do mới biết thông tin về việc sẽ có một hệ thống cáp treo xây dựng tại một khu vực vườn quốc gia cách đây mấy ngày nên chưa thể có bình luận này về những tác động đến hệ sinh thái khi dự án được xây dựng và đi vào hoạt động của hệ thống cáp treo này.

Ngày 2-11, Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Cáp treo Fansipan-Sa Pa thuộc Công ty cổ phần Dịch vụ Cáp treo Bà Nà đã khởi công Quần thể Du lịch Fansipan – Sa Pa với hệ thống cáp treo lên đỉnh Fansipan – có độ cao 3.143 mét.

Công ty sẽ xây dựng hệ thống cáp treo 3 dây. Hệ thống cáp được vận hành liên tục với độ dài toàn tuyến khoảng 7km với vận tốc cabin đạt đến 8m/s. Độ chênh tuyệt đối của ga đi và ga đến là 1,404m; công suất vận chuyển tối đa 2.000 lượt khách/1 giờ với gần 33 được cabin được thiết kế như một chiếc xe buýt nhỏ, có sức chứa tới 35 khách. Nhà thầu xây dựng tuyến là công ty Doppelmayr của Áo-Đức-Thụy Sĩ.

Khi hoàn thành, dự kiến vào ngày 2-9-2015, cáp treo sẽ giúp rút ngắn thời gian 2 ngày đêm chinh phục Fansipan xuống còn 15 phút.

Cùng với hệ thống cáp treo 3 dây sẽ là khu nghỉ dưỡng cao cấp gồm hệ thống khách sạn 4-5 sao, khu vui chơi giải trí, ẩm thực, sân goft 18 lỗ.

 

 

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới