Lo ngại chồng chéo trong quản lý nông sản hữu cơ
Thuỳ Dung
Rau hữu cơ được trồng tại TPHCM - Ảnh: TL |
(TBKTSG Online) - Nhiều doanh nghiệp lo ngại dự thảo Nghị định về quản lý nông sản hữu cơ đang được lấy ý kiến sẽ dẫn tới sự chồng chéo trong quản lý chuỗi sản phẩm nông sản khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chỉ quản lý khâu sản xuất.
Sự lo ngại này đã được các doanh nghiệp bày tỏ trong buổi Hội thảo: “Khuyến nghị chính sách quản lý và phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam" diễn ra ngày 31-8 tại Hà Nội. Hội thảo nhằm lấy ý kiến các đơn vị liên quan về dự thảo Nghị định sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Hỗ trợ chi phí canh tác nông nghiệp hữu cơ
Theo ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (NN&PTNT), các hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình sản xuất sản phẩm hữu cơ sẽ được nhà nước đầu tư 100% chi phí xác định vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ, điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu nước... Đồng thời, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ không quá 50% tổng vốn đầu tư giai đoạn chuyển đổi gồm chi phí xây dựng vùng đệm, hoàn thiện giao thông, thuỷ lợi nội đồng….
Về cơ chế chứng nhận, ông Quảng cho hay, hiện nay ở Việt Nam có 2 hình thức chứng nhận là: (i)Tổ chức chứng nhận, (ii) theo mô hình PGS (hình thức đánh giá có sự tham gia của các bên như nhà sản xuất, người bán hàng, khách hàng).
Đối với Tổ chức chứng nhận, dự thảo Nghị định quy định chuyên gia đánh giá sản phẩm hữu cơ phải được cấp chứng chỉ đã qua đào tạo về kỹ thuật đánh giá sản phẩm hữu cơ.
Đối với mô hình tự chứng nhận PGS, theo ông Quảng, nếu được Chính phủ chấp nhận thì đây sẽ là một hình thức chứng nhận sản phẩm hữu cơ nhưng chỉ áp dụng với hộ và nhóm hộ sản xuất, không áp dụng cho doanh nghiệp. Đồng thời, sản phẩm hữu cơ PGS chỉ hướng tới thị trường trong nước mà không hướng tới xuất khẩu.
Theo dự thảo Nghị định, tất cả sản phẩm được các tổ chức chứng nhận hoặc được cấp chứng nhận PGS đều sẽ mang logo sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam. Đây là dấu hiệu thể hiện sản phẩm đã đáp ứng được tiêu chuẩn mà Bộ NN&PTNT đưa ra. Đồng thời, những sản phẩm này sẽ phải truy xuất được nguồn gốc.
Về thanh kiểm tra, theo dự thảo Nghị định, sẽ có tổ chức kiểm tra chất lượng sản phẩm và theo cơ chế đột xuất khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, chỉ cần dùng phương pháp thử nhanh, không cần qua phòng thí nghiệm, cũng có thể là cơ sở để xem xét liệu đơn vị sản xuất đó có vi phạm chất lượng sản phẩm hay không.
Lo quản lý chồng chéo
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đồng tình về việc cần thiết phải có một nghị định quản lý thị trường nông sản hữu cơ hiện nay khi đa phần các sản phẩm hữu đều là “tự phong". Tuy nhiên, nhiều người trong ngành lo ngại về tình trạng chồng chéo giữa các cơ quan chức năng trong việc quản lý cả chuỗi sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.
Ông Ngô Tiến Dũng, Giám đốc dự án tập đoàn TH True Milk cho biết, hiện nay TH sản xuất sản phẩm hữu cơ theo chuỗi từ sản xuất tới khâu phân phối. Nhưng ông lo ngại nghị định này sẽ lặp lại câu chuyện của ngành sữa khi Bộ NN&PTNT chỉ quản lý sản xuất sữa tươi nguyên liệu; Bộ Công Thương quản lý khâu chế biến, nhập khẩu và phân phối; Bộ Y tế lại ban hành quy chuẩn. Vì vậy, ông Dũng đề nghị để tránh câu chuyện trên, Bộ NN&PTNT phải đứng ra chủ trì tất cả các lĩnh vực liên quan tới sản xuất nông nghiệp trong toàn bộ chuỗi sản xuất, các bộ khác chỉ đóng vai trò kết hợp mà thôi.
“Chúng tôi mong muốn tất cả mọi khâu đều được minh bạch hoá và tất cả chuỗi sản xuất tới phân phối nông sản hữu cơ đều do Bộ NN&PTNT đứng ra chịu trách nhiệm", ông Dũng nói.
Đại diện công ty CP Sao Thái Dương cho biết, dược liệu cũng là một sản phẩm thuộc sự quản lý của nghị định, nhưng dược liệu hữu cơ không thể chỉ Bộ NN&PTNT quản lý mà còn phải có thêm sự quản lý của Bộ Y tế. Do đó, đại diện này đề nghị phải chỉ rõ hơn trong nghị định về trách nhiệm quản lý giữa Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT.
Bên cạnh đó, sản phẩm hữu cơ là sản phẩm có giá thành cao, hướng tới xuất khẩu là chủ yếu nên tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nên tương thích với tiêu chuẩn thế giới thì mới tạo thuận lợi cho xuất khẩu.
Ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc chuỗi cửa hàng Bác Tôm cho rằng để nghị định đi vào cuộc sống phải thiết lập được hệ thống thanh tra, giám sát nông trại hữu cơ vì sản xuất nông nghiệp rất đặc thù -diễn ra 24 giờ/ngày và 365 ngày/năm- nên không thể chỉ chứng nhận một lần cho trang trại hữu cơ là có thể đảm bảo rằng các trang trại này tuân thủ quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Mời đọc thêm: