Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lo ngại doanh nghiệp nước ngoài tranh mua cà phê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lo ngại doanh nghiệp nước ngoài tranh mua cà phê

Ngọc Hùng

Lo ngại doanh nghiệp nước ngoài tranh mua cà phê
Một nhân viên của công ty giám định cafecontrol đang lấy mẩu điểm tra chất lượng cà phê tại một công ty. Ảnh: Văn Tân

(TBKTSG Online) – Hiện nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tăng cường đầu tư xây dựng kho bãi và chỉ định đại lý để chuẩn bị mua cà phê trực tiếp từ người dân trong niên vụ cà phê 2011-2012. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục thì chỉ một vài năm nữa ngành cà phê Việt Nam sẽ bị chi phối bởi các doanh nghiệp nước ngoài.

Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp Câu lạc bộ 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt nam do Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) tổ chức tại TPHCM, ngày 15-9.

50% đại lý bán cà phê cho doanh nghiệp nước ngoài

Theo ông Nguyễn Nam Hải, Tổng giám đốc Công ty giám định Cafecontrol, niên vụ cà phê 2010-2011 Việt Nam xuất khẩu 1.250.000 tấn cà phê, trong đó, 20 doanh nghiệp cà phê xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam là 700.000 tấn, chiếm 56% tổng lượng cà phê xuất khẩu, trong khi, những năm trước tỷ lệ này vào khoảng 80%.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Intimex TPHCM kiêm Chủ tịch câu lạc bộ 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam, sở dỉ có sự giảm sút như vậy là do năm nay doanh nghiệp cà phê nước ngoài đã tìm cách mua trực tiếp từ người trồng cà phê nên một lượng lớn cà phê được bán cho doanh nghiệp nước ngoài thay vì bán cho doanh nghiệp trong nước như trước đây.

“Còn khoảng 1 tháng nữa, Việt Nam sẽ vào vụ thu hoạch cà phê mới và hiện nay nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tăng cường xây dựng kho chứa, chỉ định các đại lý để mua cà phê trực tiếp từ người dân thay vì mua từ các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước”, ông Nam nói.

Ông Nam cũng cho biết thêm, hiện các doanh nghiệp cà phê nước ngoài chiếm 50% hệ thống đại lý mua cà phê, tăng 35% so với năm trước và với tình hình này thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị thua trên sân nhà.

Theo ông Nguyễn Công Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty Vinacafe, từ khi doanh nghiệp nước ngoài đang tham gia vào thị trường cà phê Việt Nam thì sức ép đối với doanh nghiệp xuất khẩu trong nước ngày càng gia tăng.

Lý do, những doanh nghiệp này có nguồn tài chính dồi dào do được ngân hàng nước họ cho vay đô la Mỹ với lãi suất 3% nhưng lại không hạn chế số tiền được vay còn doanh  nghiệp Việt Nam vay với lãi suất 8%.

“Chúng ta cần phải phải có sự liên kết giữa các doanh nghiệp cà phê với nhau cùng sự hỗ trợ của tổ chức tín dụng, chính sách nhà nước thì ngành cà phê Việt Nam mới không bị điều khiển bởi doanh nghiệp nước ngoài”, ông Hoàng nói.

Tạm trữ cà phê để điều tiết thị trường

Theo ông Nam, Việt Nam hiện đứng đầu thế giới cà phê robusta nên ngành cà phê phải làm sao điều khiển được giá bán trên thị trường và cách tốt nhất là phải có lượng cà phê dự trữ đủ lớn để dựa vào đó nhằm kiểm soát giá bán. Hiện các doanh nghiệp đã đăng ký mua số lượng cà phê tam trữ vào đầu vụ ở mức  425.000 tấn, tăng 125.000 tấn so với kế hoạch mà Vicofa đưa ra trước đó.

“Lâu nay, cứ đến vụ thu hoạch cà phê hầu hết nông dân đều có nhu cầu bán hàng để trang trải chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, trả công lao động …nên phải bán ra một lượng hàng lớn vào đầu vụ khiến giá cà phê sẽ giảm. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp tham gia vào mua tạm trữ sẽ giúp giá cà phê không xuống quá thấp”, ông Nam nói.

Theo ông Hải, để ngân hàng chấp nhận cho vay tiền mua cà phê tạm trữ, doanh nghiệp cần thống nhất với ngân hàng số lượng sẽ mua và đưa ra mức vốn đối ứng cho ngân hàng. Ngành cà phê Việt Nam không muốn thua trên sân nhà thì phải thống nhất số lượng và giá khi bán ra. Dự kiến, thời gian tới, Việt Nam chỉ bán ra thị trường từ 70.000-  80.000 tấn/tháng, tránh như niên vụ vừa qua mới đến hết tháng 4-2010 Việt Nam đã bán hết cà phê cho doanh nghiệp nước ngoài.

Theo các thành viên trong câu lạc bộ, hiện lượng cà phê còn tồn trên thị trường vào khoảng 350.000 đến 388.000 tấn. Do Việt Nam chuẩn bị vào vụ cà phê mới nên nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã tạm dừng mua vào nhằm làm giá cà phê trên thị trường đi xuống, qua đó, gián tiếp kéo giá cà phê của Việt Nam xuống để sau đó mua vào với số lượng lớn. Vì vậy, bằng mọi cách Việt Nam phải chủ động mua vào một lượng lớn cà phê vào đầu vụ thu hoạch để người trồng cà phê không bán với giá quá thấp.

Trả lời báo chí bên lề buổi làm việc về việc Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) sẽ làm gì để lấy lại nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột từ một công ty của Trung Quốc mà một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin trước đó, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa cho biết, hiện hiệp hội đang phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk để chuẩn bị những thủ tục cần thiết để khởi kiện đòi lại thương hiệu này.

Ông Tự cũng cho biết thêm, bên cạnh khởi kiện để đòi lại nhãn hiệu thì Vicofa và tỉnh Đắk Lắk sẽ tiến hành đăng ký nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột ở nhiều thị trường khác nhau nhằm tránh lặp lại trường hợp vừa xảy ra vnhư trên.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới