Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lo ngại giá cả tăng cao

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lo ngại giá cả tăng cao

Tư Giang

(TBKTSG Online) Triển vọng kinh tế nửa cuối năm 2011 được dự báo là tiếp tục ảm đạm với giá cả tăng cao, doanh nghiệp khó khăn, và dư địa chính sách can thiệp gần như tới giới hạn.

Đây là quan điểm chung của hầu hết các quan chức ngành tài chính và thương mại tại hội thảo mang tên “Diễn biến thị trường giá cả 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm 2011” do Học viện Tài chính phối hợp với Cục Quản lý giá tổ chức ngày 12-7 tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương nói: “Hầu hết các mặt hàng đã tăng giá để hình thành mặt bằng giá mới. Nhiều hàng hóa rơi vào tình trạng dư cung, nhưng khó giảm giá do chi phí sản xuất cao”.

Tổng cục Thống kê gần đây cho biết, sản xuất bia tăng 94,3%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 71,7%; sản xuất giày dép tăng 59,4%; sản xuất đồ uống không cồn tăng 39,9%; sản xuất thức ăn gia súc tăng 37,6%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 30%.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, giá cả nhiều mặt hàng tại Việt Nam tăng cao một phần là do các thương nhân Trung Quốc mua vét hàng hóa để chuyển về thị trường nội địa.

Ông nói: “Đây là hiện tượng đáng lo vì Trung Quốc có dân số đông và lại chịu hạn hán khá nặng nề thời gian qua”.

Bên cạnh đó, ông Phong nói, hệ thống phân phối hàng hoá bán lẻ yếu kém cũng làm cho giá cả tăng cao.

Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú đồng ý điểm này, và bổ sung thêm rằng chênh lệch giá đang quá lớn giữa khâu sản xuất và phân phối.

Ví du, một kí lô bắp cải bán tại ruộng giá 2 ngàn đồng tăng lên 8 ngàn đồng trong siêu thị, một kí cà chua ở Thái Bình bán với giá 500 đồng đã đội lên 8 ngàn đồng ở Hà Nội, một kí cá chích bán giá 8 ngàn đồng ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) lên tới 30 ngàn đồng tại chợ Hà Nội.

Ông nói: “Đó là hiện tượng thao túng giá, làm giá cả tăng cao, trong khi hệ thống phân phối của chúng ta rất kém. Đó là câu chuyện của hàng chục năm, chứ không phải bây giờ”, ông Phú nói.

Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, giá nhiều loại nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu như xăng dầu, phôi thép, phân bón, dược phẩm, sữa… dự kiến còn tăng cao và tiếp tục gây áp lực tăng giá trong nước thời gian tới.

Ông Nguyễn Minh Phong cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 7 sẽ khó giảm tốc được như những tháng trước do giá thực phẩm như rau củ, thịt heo… vẫn tiếp tục tăng những ngày gần đây. Ông dự báo rằng, chỉ số CPI sẽ dao động từ 0,8- 1% mỗi tháng từ nay đến cuối năm.

Tại hội thảo, hầu hết các quan chức khác đề xuất rằng, để chống lạm phát, chính phủ cần kiên trì thực hiện chính sách tài khoá và tiền tệ thắt chặt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới