Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lo ngại rủi ro tài chính khi ồ ạt đầu tư điện mặt trời

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lo ngại rủi ro tài chính khi ồ ạt đầu tư điện mặt trời

Chính Đại

(TBKTSG Online) – Trước những cơ chế ưu đãi lớn về mặt chính sách, cũng như lợi nhuận thu về khả quan từ các dự án điện mặt trời (ĐMT), nhiều doanh nghiệp đang “ngấp nghé” ý định vay vốn ngân hàng để đầu tư vào mảng năng lượng tự nhiên bền vững này.

Liệu ý định đầu tư này có đi kèm các rủi ro tài chính hay không?

Giá điện tăng, nhu cầu lắp điện mặt trời tăng gấp 10 lần

Đầu tư hiệu quả cho hệ thống điện mặt trời hộ gia đình

Lo ngại rủi ro tài chính khi ồ ạt đầu tư điện mặt trời
Nhà đầu tư nên có cái nhìn toàn diện hơn về lĩnh vực đầu tư ĐMT. Ảnh minh họa: evn.com.vn

“Chạy” nước rút trước giờ G

Theo quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng, Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các dự án ĐMT. Thời hạn của hợp đồng mua bán là 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Nếu hòa lưới điện quốc gia trước ngày 30-6, giá thu mua điện mặt trời của EVN sẽ là 9,35 Uscents/kWh, tương đương 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT và được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ).

Mặc dù mới triển khai, song dễ nhận thấy, sau gần 2 năm kể từ khi Quyết định được ban hành, lĩnh vực ĐMT tại Việt Nam trở thành cú hích hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư, đồng thời mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực với sự phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia.

Theo đó, nhiều dự án đã được triển khai tại các địa phương có nhiều tiềm năng về ĐMT như Ninh Thuận, Tây Ninh, Long An…

Những dự án tiêu biểu có thể kể đến như dự án của Tập đoàn BIM Group và AC Energy tại Ninh Thuận, dự án Solar 1 của Công ty cổ phần BP Solar với công suất 46 MWp, dự án ĐMT Dầu Tiếng (Tây Ninh) với tổng công suất 500MW trải dài trên diện tích 700ha, hoặc dự án Euro Plast tại Long An với công suất 50MW…

Khi đã đóng điện hòa lưới quốc gia, doanh thu bán điện của các doanh nghiệp thu về thật sự là không nhỏ. So sánh với mức giá điện bán lẻ bình quân, sau khi điều chỉnh tăng 8,36% là 1.864,44 đồng/kWh, thì có thể dễ dàng tính toán được lợi nhuận mà điện mặt trời hòa lưới điện mang đến cho doanh nghiệp.

“Dự kiến nếu sản lượng phát lên lưới là 70-80 triệu kWh/năm, thì sẽ mang về doanh thu cho dự án khoảng 160 tỉ đồng/năm”, một chủ đầu tư cho biết.

Theo quy định hiện hành, thời gian có hiệu lực của việc thu mua điện với giá ưu đãi kéo dài từ 1-6-2017 đến 30-6-2019. Vì thế, mốc thời điểm 30-6 sắp đến khiến tất cả nhà máy “chạy” nước rút cho kịp tiến độ. Số lượng nhà máy đóng điện, hòa lưới vì thế cũng đạt con số kỉ lục.

“Kế hoạch về tiến độ dự kiến các dự án điện mặt trời đóng điện lần đầu trong tháng 4, 5, 6 là 88 nhà máy điện”, ông Nguyễn Đức Ninh, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), chia sẻ.

Theo ông Ninh, ngày 23-4 trên hệ thống mới vận hành 4 nhà máy có tổng công suất nhỏ hơn 150MW, nhưng chỉ gần một tháng sau đã đóng điện cho 27 nhà máy, tăng lên 1.300 – 1.400MW. Có thể thấy, xu hướng về đầu tư điện năng bền vững trở thành chiến lược trọng điểm của nhiều doanh nghiệp, góp phần hạn chế việc sử dụng các nguồn năng lượng như đá phiến, than gây ô nhiễm môi trường.

Vay vốn để đầu tư điện mặt trời?

Khách quan nhìn nhận, sức tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế hiện đang rất lớn, nhiều khả năng sẽ đối diện nguy cơ thiếu điện vào những năm 2020. Đơn cử, ngành điện phải đảm bảo sản xuất 265-278 tỉ kWh vào năm 2020 và khoảng 572-632 tỉ kWh vào năm 2030.

Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, tình trạng thiếu điện miền Nam có thể tăng cao hơn hoặc kéo dài ra cả giai đoạn đến 2025 trong các kịch bản như phụ tải tăng trưởng cao hoặc lượng nước về các hồ thủy điện kém hơn trung bình nhiều năm.

“Về công suất của hệ thống điện năm 2019, dự kiến mức công suất đỉnh của hệ thống có khả năng đạt tới 39.044MW, tăng trưởng 11,15% so với năm 2018. Với mức tăng trưởng công suất và sản lượng như vậy, để đáp ứng nhu cầu điện cho 2019 là khó khăn trong công tác vận hành. Phụ tải điện tăng trưởng cao trong khi nguồn cung không nhiều”, ông Vũ Xuân Khu, đại diện EVN cho biết. Ông cũng bày tỏ lo ngại, các năm 2021-2023 hệ thống điện không đáp ứng đủ nhu cầu và nhiều khả năng xảy ra tình trạng thiếu điện tại Miền Nam.

Song trong thực tế vì muốn thu về lợi nhuận cao, thời gian qua nhiều nhà đầu tư đã xin làm ĐMT, dẫn đến quy hoạch ĐMT bị phá vỡ. Thực tế, theo Bộ Công Thương, tính đến cuối tháng 8-2018, đã có 121 dự án điện mặt trời được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và cấp tỉnh với tổng công suất dự kiến phát điện trước năm 2020 là 6.100MW.

Công suất này đã vượt nhiều lần so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh mà Thủ tướng phê duyệt (trong đó định hướng phát triển ĐMT đạt khoảng 850MW vào năm 2020, khoảng 4.000MW vào năm 2025). Đây là nguy cơ về quy hoạch trong chiến lược đầu tư lớn nhất mà doanh nghiệp muốn tham gia ĐMT phải cân nhắc.

Ngoài ra, số vốn đầu tư ĐMT cũng không nhỏ, dao động từ 100 – 500 triệu đô la tùy quy mô từng dự án. Đơn cử, dự án Cánh đồng điện mặt trời tại Hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) với diện tích lên đến 700ha, đòi hỏi hơn 12.000 tỉ đồng đầu tư. Việc mốc ngày 30-6 sắp vượt qua, giá mua điện nhiều khả năng thấp hơn mức ưu đãi rất nhiều, tỉ suất sinh lợi để trả vốn và lãi vay ngân hàng là nguy cơ tài chính kế tiếp mà doanh nghiệp phải cân nhắc.

Thêm vào đó, việc dồn dập tiến hành thử nghiệm và cấp chứng nhận Ngày vận hành thương mại (COD) nhiều khả năng cũng khiến đơn vị nghiệm thu quá tải. EVN cho biết, hiện nay, gần 100 nhà đầu tư đang tập trung cao độ để phấn đấu đạt được các yêu cầu công nhận Ngày vận hành thương mại (COD). Việc nghiệm thu và cấp chứng nhận cho gần 100 dự án ĐMT được thực hiện trong khoảng 3 tháng.

Về mặt hộ cá nhân đầu tư ĐMT, đây là một giải pháp khả quan trước tình trạng giá điện tăng cao như hiện nay, lượng điện sản xuất dư ra so với mức sử dụng sẽ được bán ngược lại cho EVN.

Theo bà Nguyễn Ngọc Tường Vi, quyền Trưởng ban kinh doanh của Tổng công ty Điện lực TPHCM, tính đến nay đã có 1.432 công trình ĐMT áp mái của các hộ dân, đơn vị kết nối với điện lưới TP với tổng công suất 17,46MWp. Nếu nhân với đơn giá mua điện năm 2019 thì số tiền ngành điện đã trả cho người dân để mua ĐMT là hơn 8,5 tỉ đồng.

Tính bình quân, chi phí lắp đặt ĐMT là 21-25 triệu đồng cho 1 kWp/h, với sản lượng 4 kWp/h (phù hợp với 1 hộ gia đình nhỏ), thì chi phí lắp đặt chỉ là 84 triệu đồng. Công suất trung bình tương ứng là 16,4 kWp/ngày. Với đơn giá điện trung bình là 2.700 đồng thì sau 5 – 7 năm khoản đầu tư cá nhân sẽ hòa vốn.

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới