Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lộ trình chính sách cho năm 2012

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lộ trình chính sách cho năm 2012

Phạm Đỗ Chí

Lộ trình chính sách cho năm 2012
Thị trường vàng vẫn còn được quản lý chặt chẽ để giữ sự ổn định cho nền kinh tế. Ảnh: Kinh Luân.

(TBKTSG) – Nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ trong lĩnh vực tài chính tiền tệ và đề xuất một số giải pháp cho năm 2012.

Về thắt chặt tín dụng

Thử điểm lại những diễn biến chính trên thị trường.

Vào ngày 3-3-2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 02 quy định mức trần lãi suất huy động tiền đồng 14%. Ngày 8-3, NHNN tăng hầu hết các mức lãi suất trên thị trường lên mức 12%/năm, trừ lãi suất cơ bản vẫn giữ nguyên 9%/năm. Lãi suất tái chiết khấu có mức tăng mạnh nhất, từ 7% lên 12%.

Đến giữa tháng 3, NHNN đã hút hết các lượng tiền cung ra trước đó trong tháng 1 cho dịp Tết. Các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng tìm mọi cách lách để duy trì được nguồn vốn huy động của mình nhằm đảm bảo hoạt động cho vay. Ngoài ra những chỉ tiêu trong Nghị quyết 11 nhằm thắt chặt tín dụng là một áp lực cho các ngân hàng hạn chế cho vay. Theo đó lĩnh vực cho vay phi sản xuất đặc biệt là bất động sản và chứng khoán cũng bị buộc giảm cho vay. Hệ lụy ngay lúc này là lãi suất tín dụng thị trường tự do tăng đến 60%/năm.


Tiếp đến là chỉ thị 01 và 02 của NHNN về xử phạt các NHTM lách luật nhằm minh bạch hóa thị trường tín dụng. Lãi suất tái chiết khấu được nâng lên 13%/năm và lãi suất tái cấp vốn là 15%/năm. Áp lực lên các ngân hàng cũng căng thẳng hơn và những rủi ro tiềm ẩn của hệ thống ngân hàng bắt đầu lộ diện. Đặc biệt là cuộc chạy đua lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, có lúc lên đến 30%/năm, cho thấy sự thiếu hụt thanh khoản của các ngân hàng cũng như tính không đều nhau, có ngân hàng dư tiền cho vay, có ngân hàng lại thiếu hụt nghiêm trọng.

Nhưng từ đầu quí 4, NHNN đã bắt đầu bơm ròng trên thị trường mở nhằm đáp ứng nhu cầu cho thị trường. Chính sách bắt đầu nới lỏng dần, ngay cả cho khu vực bất động sản.

Nhìn chung, đã đạt được một số chỉ tiêu quan trọng như hạn chế tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 11 chỉ hơn 9,36% và ước tính đạt 12% vào cuối năm (nếu tính cả một số khoản khác có bản chất tín dụng thì con số này sẽ là 15%) và hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Tổng phương tiện thanh toán dự kiến đạt 12% cả năm. Nhưng nếu nhìn từ khía cạnh các tổ chức tín dụng thì có nhiều bất cập, đặc biệt về tình hình thanh khoản và sự cạnh tranh không cân bằng bắt nguồn từ chính sách cào bằng tất cả các NHTM với nhau.

Về phân bổ tín dụng

Tính đến tháng 8, tín dụng cho sản xuất tăng 14,79%, trong đó tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng 30,5%; tín dụng xuất khẩu tăng 35,02%; tín dụng phi sản xuất giảm 16,95% (cụ thể dư nợ cho vay để đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm 43,03%, dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản giảm 10,1%, và dư nợ cho vay tiêu dùng giảm 23,12%).

Giữa tháng 11, NHNN ban hành thông tư mới loại trừ bốn lĩnh vực bất động sản khỏi tín dụng phi sản xuất như một hình thức nới lỏng tín dụng cũng như để giúp vực dậy khu vực này. Nhưng biện pháp này chỉ giúp cho NHTM dễ thở hơn trước quy định đưa tín dụng phi sản xuất về 16% vào cuối năm, chứ chưa hỗ trợ nhiều cho việc vực dậy thị trường.

Về tỷ giá và thị trường vàng

Thị trường ngoại hối và vàng được NHNN giám sát chặt chẽ khi những tín hiệu bất ổn không kiểm soát được xảy ra trong thời gian qua. NHNN bắt đầu mạnh tay hơn để xử lý các trường hợp vi phạm quy chế quản lý ngoại hối. Điển hình là 1.000 cuộc thanh tra trong sáu tháng. Nghị định xử phạt hành chính với mức nặng hơn: tối đa 500 triệu đồng và tịch thu tài sản. Đây cũng là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế nhằm xóa bỏ cơ chế hai giá, cũng như tránh tình trạng đô la hóa nền kinh tế Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước không nên quá lo ngại về lãi suất huy động từ dân cư, mà thay vào đó thị trường liên ngân hàng mới là trọng tâm mà Ngân hàng Nhà nước cần quan tâm.

Tỷ giá tạm được ổn định vào cuối năm mặc dù tín dụng ngoại tệ vẫn tăng mạnh từ quí 2. Thị trường ngoại tệ tự do đã bị thu hẹp đáng kể. Chênh lệch tỷ giá giữa thị trường này so với thị trường chính thức giảm xuống, thậm chí có thời điểm thấp hơn cả thị trường chính thức. Không chỉ vậy, tỷ giá giao dịch thực tế trên thị trường chính thức thường chưa sử dụng hết biên độ giao dịch ±1%. Điều này đã giúp cho trạng thái ngoại tệ của các NHTM được cải thiện khi doanh nghiệp và người dân đã bán ngoại tệ cho ngân hàng; chuyển dần việc gửi/vay ngoại tệ sang mua/bán đứt đoạn ngoại tệ với ngân hàng. Nhờ đó, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng bình quân liên ngân hàng có xu hướng giảm và tỷ giá mua – bán của NHTM có nhiều thời điểm thấp hơn tỷ giá bình quân liên ngân hàng.

Chính sách tài khóa

Theo Bộ Tài chính, ước cả năm 2011, thu ngân sách đạt 674.500 tỉ đồng (tăng khoảng 13,4% so với dự toán và tăng 20,6% so với thực hiện năm 2010). Chi ngân sách là 796.000 tỉ đồng (tăng 9,7% so với dự toán, 18,8% so với thực hiện 2010). Bội chi là 4,9% (kế hoạch 5,3%). Ước dư nợ công 54,6% GDP, dư nợ chính phủ 43,6% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 41,5% GDP. Hầu hết các chỉ tiêu được Bộ Tài chính hoàn thành. Tuy nhiên, các số thu và chi đều vượt dự toán ngân sách là do phản ánh mức lạm phát cao (18-19%) và tiền đồng mất giá hơn dự báo từ năm ngoái lúc chuẩn bị ngân sách 2011.

Vấn đề quan trọng nhất mà Bộ Tài chính và Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội phải xem lại là các con số dự toán ngân sách 2012 (dù đã được Quốc hội chấp thuận) có mắc sai lầm như những năm trước không vì mức lạm phát cao tiềm ẩn trong các số thu-chi cao của ngân sách sẽ lại gây lạm phát cao trong năm mới. Ngoài ra, Chính phủ luôn phải quan tâm đến nguồn để bù đắp khoản bội chi. Với tình hình kinh tế hiện nay thì việc vay nước ngoài hay trong nước cũng không dễ.

Vài đề xuất ngắn hạn

Thứ nhất, do quy định trần lãi suất huy động hiện nay có hiệu quả kém, NHNN nên bỏ trần lãi suất huy động cũng như không nên áp đặt trần lãi suất cho vay. Bởi một khi áp đặt các biện pháp hành chính thì sẽ lại xuất hiện tình trạng “lách luật” của các ngân hàng như đã làm. Do đó, nên để cho các ngân hàng tự xác định lãi suất dựa theo cung, cầu của thị trường. NHNN không nên quá lo ngại về lãi suất huy động từ dân cư, mà thay vào đó thị trường liên ngân hàng mới là trọng tâm mà NHNN cần quan tâm. Lãi suất các ngân hàng cho nhau vay hiện đã vênh quá xa so với lãi suất cấp vốn của NHNN trên thị trường mở. Các ngân hàng lớn có lợi thế về vốn đang trở thành nhà cho vay nặng lãi với các ngân hàng nhỏ, gián tiếp đẩy cuộc đua lãi suất lên cao.

Thứ hai, cần giám sát các khoản nợ xấu và có hành động thích hợp để tránh một hệ quả không tốt. Chỉ “hợp nhất” vài ngân hàng yếu chưa phải là giải pháp thích hợp cho lâu dài. Nợ xấu không chỉ phát sinh bởi doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, hay do lãi suất quá cao khiến cho lợi nhuận làm ra không đủ trả lãi ngân hàng, mà nó còn nảy nở ngay chính từ nội bộ các ngân hàng. Chỉ trong vòng hai tháng trở lại đây, số lượng các vụ vi phạm về cho vay, lừa đảo, tham nhũng tại các NHTM gia tăng đáng kế. Lâu nay vấn đề rủi ro đạo đức trong kinh doanh ngân hàng luôn là nỗi ám ảnh đối với các nhà băng. Khi lãnh đạo không làm hết trách nhiệm, cán bộ tín dụng bị tha hóa vì đồng tiền cùng với hệ thống quản trị rủi ro, kiểm soát lỏng lẻo sẽ vô cùng nguy hiểm.

Thứ ba, cần điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt để đảm bảo thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và đưa nền kinh tế phát triển. Chính sách tiền tệ chỉ có thể được nới lỏng khi lạm phát đã giảm xuống một con số và được kiểm soát một cách ổn định vào năm tới.

Vào cuối tháng 11, NHNN đã thông báo bắt đầu nới rộng việc cho vay vào khu vực bất động sản và tìm cách vực dậy khu vực này. Hy vọng đây không phải là các tín hiệu chính sách tiền tệ bắt đầu nới lỏng mạnh, mà chỉ là các giải pháp điều hành linh hoạt hơn phù hợp với chủ trương điều hành chính sách tiền tệ vẫn thận trọng. Mặc dù vậy, lãi suất trên thị trường mở giảm sẽ tạo điều kiện cho các NHTM tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn. Điều đó cùng với việc lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã hạ nhiệt mới đây (từ giữa tháng 11) sẽ tạo điều kiện cho các NHTM giảm được chi phí vốn, từ đó giảm lãi suất cho vay.

Thứ tư, cần có những biện pháp cụ thể để hạn chế việc vay vốn bằng đô la Mỹ vì nó có thể đẩy tỷ giá hối đoái tăng lên trên 22.000 đồng/đô la Mỹ vào đầu năm 2012.

Thứ năm, kiềm chế lạm phát vẫn là ưu tiên chính sách đối phó số 1 trong năm mới 2012. Ngoài việc duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ như đã nêu trên, gần như tất cả giới quan sát chính sách đang chờ một tín hiệu quyết đoán và rõ ràng hơn của Chính phủ về chính sách tài khóa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới