Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Loay hoay xây nhà ở xã hội

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Loay hoay xây nhà ở xã hội

Những đô thị lớn như TPHCM đang có nhu cầu cao về nguồn nhà ở xã hội – Ảnh minh họa: LÊ TOÀN

(TBKTSG Online) – Sự leo thang giá nhà đất đã khiến cho giấc mơ sở hữu một ngôi nhà của đại bộ phận người dân đô thị ngày càng xa. Trong khi đó, chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn loay hoay trong khâu triển khai.

Theo Cục quản lý nhà (Bộ Xây dựng), tại các đô thị lớn hiện nay như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và Hải Phòng có trên 30% số hộ gia đình cán bộ, công chức, viên chức có nhu cầu được cải thiện chỗ ở.

Trong khi đó, theo thống kê từ ngành xây dựng, trên 1 triệu công nhân, một trong những đối tượng thu nhập thấp, đang làm việc tại 154 khu công nghiệp và khu chế xuất, khu kinh tế trên cả nước, chỉ có 7-10% được thu xếp chỗ ở trong các khu nhà tập trung. Còn lại trên 90% không có được may mắn đó, phải tự thu xếp chỗ ở tạm bợ, thuê trọ rải rác trong các khu dân cư lân cận các khu công nghiệp.

Thiếu trầm trọng nguồn cung

Dự báo, đến năm 2015, sẽ có thêm 109 khu công nghiệp được hình thành. Như vậy, tình hình thiếu nhà ở cho người thu nhập thấp sẽ càng trầm trọng hơn và đang trở thành vấn đề cấp bách mà các ngành chức năng phải giải quyết.

Vấn đề xây nhà ở xã hội đã được đặt ra từ rất sớm. Khi Luật Nhà ở được Quốc hội thông qua vào ngày 29-11-2005, quyền lợi về nhà ở của những người có thu nhập thấp được nhà nước xác nhận.

Ngay sau đó, vào năm 2006, Bộ Xây dựng đã trình đề án thí điểm xây dựng nhà ở xã hội và chọn 3 địa phương có số lượng công nhân làm việc tại các khu công nghiệp đông nhất là Hà Nội, TPHCM và Bình Dương để áp dụng đề án trước tiên. Sau đó, đề án này sẽ được nhân rộng ra các địa phương trong cả nước.

Theo báo cáo của các địa phương, trong giai đoạn 2006-2010 Hà Nội cần xây dựng trên 110.000 căn hộ cho các đối tượng thu nhập thấp, còn TPHCM cần khoảng 100.000 căn hộ thu nhập thấp và trên 50.000 chỗ ở tập thể cho công nhân lao động. Đối với chính quyền địa phương đây quả là bài toán nan giải vì các doanh nghiệp bất động sản vốn không “mặn mà” với chương trình nhà ở xã hội vì thu lãi thấp mà rủi ro cao.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) thừa nhận từ khi Luật Nhà ở được đưa vào thực tế đến nay, tiến độ xây dựng quỹ nhà ở xã hội còn rất chậm.

Một thống kê cụ thể từ Bộ Xây dựng cho thấy, 3 địa phương thực hiện thí điểm chương trình nhà ở xã hội đều rất chậm trễ trong khi lượng công nhân đổ về các địa phương trên ngày càng tăng nhanh.

Cụ thể, các doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp trong vùng đồng bằng sông Hồng hiện thu hút được 142.000 lao động trực tiếp từ các khu công nghiệp Nomura (Hải Phòng), Hoà Xá (Nam Định), Nguyễn Đức Cảnh, Quang Minh(Vĩnh Phúc), Thăng Long, Sài Đồng B và Khai Quang (Hà Nội). Nhưng số lượng nhà ở đáp ứng được chỉ là 168 căn (trong 1.564 căn hộ dự kiến) cho 1.700 công nhân thuê.

Tại Bình Dương, 21 khu công nghiệp với 149.000 lao động nhưng khu công nghiệp đáp ứng được nhiều chỗ ở nhất cũng chỉ dừng lại con số 1.000 chỗ ở, và số khu công nghiệp như vậy rất ít ỏi. Riêng TPHCM có số lượng khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung nhiều nhất với 100 xí nghiệp  hoạt động trong 14 khu công nghiệp thu hút 210.000 lao động. Trong đó, 147.000 người có nhu cầu nhà trọ, nhưng chỉ có 4/15 khu công nghiệp, khu chế xuất có nhà lưu trú cho công nhân.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trên, trong đó có yếu tố chính quyền địa phương chưa chủ động trong việc huy động vốn để đầu tư xây dựng quỹ nhà ở. Xét về mặt quản lý nhà nước, vấn đề xây dựng nhà ở cho người lao động là nhiệm vụ của cấp chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, đến nay các cấp chính quyền địa phương còn chưa có những động thái cụ thể trong vấn đề này. Hiện chỉ có một số tỉnh, thành phố có mật độ người lao động cao mới đề xuất một vài biện pháp cụ thể như xem xét cấp đất cho một số doanh nghiệp để làm nhà ở cho người lao động, ban hành quy chế về chất lượng nhà cho người dân.

Để giải quyết bài toán nan giải trên, ông Nam khẳng định, nhà nước sẽ giữ vai trò chủ đạo trong việc giải quyết vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp, không thể trông chờ vào doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhà nước sẽ có những hình thức khuyến khích cũng như những chính sách cụ thể để việc đầu tư vào nhà ở xã hội trở thành trách nhiệm của doanh nghiệp.

Bộ Xây dựng đang xây dựng một chương trình lớn kéo dài trong 5 năm, từ 2008-2012, tạo thêm 500.000 nhà ở xã hội với tổng chi phí 2 tỉ đô la Mỹ. Nhưng nguồn vốn từ đâu là cả một bài toán khó.

Lúng túng vì chính sách không rõ

Trong Luật Nhà ở có quy định Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội. Theo đó, các tổ chức, cá nhân phát triển quỹ nhà ở xã hội được Nhà nước miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với đất xây dựng nhà ở xã hội; được miễn, giảm các khoản thuế liên quan theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, những khuyến khích này vẫn không làm cho doanh nghiệp thêm “mặn mà” với nhà ở xã hội. Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ cũng thử nhiều cách như tự xây nhà cho công nhân ngay trong khuôn viên của doanh nghiệp, kết hợp với các hộ dân quanh khu công nghiệp để xây nhà cho công nhân thuê, xin đất của chính quyền địa phương. Nhưng hiện vẫn chưa có một cơ chế nào có thể vận dụng chung về đất đai, mẫu nhà, tín dụng và thuế liên quan đến đầu tư phát triển nhà cho người lao động.

Thực tế, các doanh nghiệp xây nhà ở cho công nhân hiện nay chỉ giải quyết một cách tự phát xuất phát từ nhu cầu của người lao động. Nhiều doanh nghiệp than thở, họ đang rất lúng túng trong việc tìm một giải pháp khả thi cho vấn đề này. Thêm nữa, quỹ đất để có thể hình thành và xây dựng các khu nhà xã hội rất thiếu.

Trong khi đầu tư cho khu công nghiệp, khu chế xuất được ưu tiên giải phóng mặt bằng thì nhiều địa phương lại không có động thái gì giúp đỡ doanh nghiệp trong việc đầu tư các khu dân cư cho người có thu nhập thấp tại các khu công nghiệp, để mặc doanh nghiệp đối mặt với các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng nhiêu khê phiền toái.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng, ngay cả khi có những chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế đất nhưng với nhiều khoản chi phí lớn khác mà doanh nghiệp phải tự trang trải, chắc chắn giá thành của sản phẩm lại bị đội lên cao. Khi đó, người có thu nhập thấp, kể cả những người ở đô thị cũng không có khả năng mua được.

Tại hội thảo về phát triển nhà ở xã hội, các doanh nghiệp đề xuất phải hình thành quỹ hỗ trợ xây nhà xã hội, để tránh cho doanh nghiệp phải vướng vào một vòng luẩn quẩn, xây nhà xã hội nhưng chi phí lại tính vào giá thành sản phẩm.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp, khu kinh tế cũng muốn tham gia phát triển nhà cho người lao động nhưng họ băn khoăn liệu có được hưởng các ưu đãi liên quan hay không, đặc biệt là các quyền liên quan đến đất đai và nhà ở.

Doanh nghiệp cũng cần biết rõ là chính sách hỗ trợ của nhà nước là hỗ trợ xây dựng nhà cho công nhân hay hỗ trợ trực tiếp cho công nhân mua hoặc thuê nhà ở. Khi đã có mặt bằng để xây dựng nhà ở thì phải giao cho cơ quan nào quản lý để vừa phát huy hiệu quả, vừa tránh bị thất thoát, lạm dụng… Tất cả những vướng mắc đó đều khiến doanh nghiệp lúng túng trong quá trình triển khai.

Chỉ cần chính sách rõ ràng cho nhà đầu tư và người mua nhà thì ngôi nhà trong mơ mới thành hiện thực và thành phố trong mơ sẽ không xa.

HẠNH LIÊN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới