Thứ tư, 11/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Logistics và rào cản thương mại là ‘hai bức tường’ cản hàng Việt Nam xuất khẩu

Chính Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG Online) - Hiện kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đến nhiều thị trường, đặc biệt là các thị trường đối tác thương mại lớn đều phục hồi và tăng trưởng cao ở mức hai con số. Tuy nhiên, chi phí logistics và rào cản thương mại là hai vấn đề làm ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

Những bất ổn về địa chính trị tại nhiều khu vực trên thế giới đang làm cho chi phí vận chuyển hàng hoá tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: TL.

Chinhphu.vn dẫn số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15-8-2024 đạt 473,33 tỉ đô la Mỹ, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tính đến giữa tháng 8-2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 244,41 tỉ đô la, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023.

Một số nhóm hàng tăng mạnh như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 29%; máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng hơn 21%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 11,1%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,2%.

Về thị trường, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 66,09 tỉ đô la, chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng tới 24,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm gần 20%). Tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch ước đạt 33,38 tỉ đô la, tăng 7,2%; thị trường EU ước đạt 29,34 tỉ đô la, tăng 15,8%; Hàn Quốc ước đạt 14,39 tỉ đô la, tăng 9%; Nhật Bản ước đạt 13,46 tỉ đô la, tăng 2,8%.

Bên cạnh thuận lợi, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng đang đối diện với những khó khăn không nhỏ. Trong đó, xung đột quân sự Nga - Ukraine và Israel - Hamas trực tiếp tác động đến dòng chảy thương mại toàn cầu, tạo nên nguy cơ đứt gãy các tuyến đường vận tải trọng yếu của thế giới. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ mà còn làm phát sinh thêm chi phí logistics cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Thêm vào đó, việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường khiến doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào nước này tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, trợ cấp. Việc này khiến chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam không được dùng để tính toán biên độ phá giá mà phải sử dụng "giá trị thay thế" của một nước thứ ba. Đây là một trong những khó khă rất lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu.

Việc Mỹ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá, EC và Đài Loan (Trung Quốc) xem xét điều tra chống bán phá giá đối với một số nhóm hàng của Việt Nam cũng là những bất lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường này. Điều này làm cho các doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan không chỉ phải chuẩn bị hồ sơ phục vụ điều tra, chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa mà còn tác động trực tiếp đến quy mô và sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới