Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lời giải từ công nghệ?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lời giải từ công nghệ?

Hà Dương Tường (Pháp)

Bài viết của Tấn Đức trên TBKTSG Online ngày 6-12-2010 có nhan đề rất hay: “Lời giải từ công nghệ“. Tuy nhiên, nội dung toàn bài, nhất là đoạn sau đây trong bài khiến người đọc phải đặt thêm dấu hỏi đằng sau nó: “Riêng tại Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ điện hiện đang tăng bình quân 17 – 18%/năm. Đây là mức tăng rất cao và trong ít nhất 20 năm nữa, nhu cầu này sẽ còn tiếp tục tăng với tốc độ hai con số“.

Trước hết, hãy nói về nội dung chung của bài viết. Câu in đậm dẫn vào bài tóm tắt khá tốt ý tưởng mà tác giả khai triển trong bài: “Để giải quyết tình trạng thiếu điện, Chính phủ đang lên kế hoạch tăng dần giá bán điện từ mức bình quân 5,2 xu Mỹ/kWh hiện nay lên 8 xu Mỹ/kWh. Tuy nhiên, vẫn còn giải pháp khác có thể giúp giải quyết phần nào gút mắc về giá cả. Đó là công nghệ”.

Người đọc sẽ thấy, đó là công nghệ của các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than mà hãng Alstom đề nghị, để nâng cao hiệu suất quá thấp của các nhà máy điện than của Việt Nam.

Chắc không ai phủ nhận hiệu suất quá thấp này, và những nhà sản xuất cạnh tranh với Alstom hoàn toàn có quyền phản bác, trưng ra những bằng chứng nói rằng công nghệ của họ sẽ đem lại hiệu suất cao hơn, thân thiện với môi trường hơn…

Nhưng đó có phải cốt lõi của vấn đề điện năng ở Việt Nam hiện nay? Câu in nghiêng dẫn trên đầu bài cho thấy tác giả chấp nhận khẳng định mà những người phụ trách khu vực này không ngừng đưa ra, như một tiền đề không thể vượt qua. Chấp nhận mà không một lời cật vấn, có phải đó là thực tế không thể vượt qua được hay không.

Tỷ lệ giữa nhịp độ tăng trưởng hàng năm về điện năng so với GDP được các nhà kinh tế đặt tên là hệ số đàn hồi. Nếu nhu cầu điện của Việt Nam tăng bình quân 17-18%/năm trong khi GDP tăng 8%/năm thì hệ số đàn hồi là hơn 2,1. Nó cho biết ta phải tăng điện năng hơn 2,1% mới tăng được 1% GDP (tương tự như hệ số ICOR, cho biết ta phải tăng đầu tư mấy phần trăm mới tạo được tăng trưởng 1%). Ở các nước phát triển, hệ số này ở mức 0,5-1%. Ở những nước đang phát triển, hệ số này thường ở dưới mức 1,5%. Ở Ấn Độ, nó là 0,78%. Ở Trung Quốc trong những năm 1994-2002, là 0,84%.

Hệ số đàn hồi quá cao có nghĩa là rất nhiều nguồn lực của cả nước phải đổ dồn vào điện (và dĩ nhiên, cắt bớt ở những chỗ khác). Một con tính nhỏ cho thấy nếu ta giữ được mức tăng trưởng GDP hàng năm là 8%, thì sau 20 năm, GDP của ta sẽ bằng 4,66 lần bây giờ, trong khi nếu mức tăng điện năng hàng năm là 15% thì, cũng sau 20 năm, tiêu thụ điện của Việt Nam sẽ bằng 16,37 lần mức hiện nay. Có làm được không, và hệ quả thế nào?

Điều này liên quan tới trình độ công nghệ. Bởi vì, hệ số đàn hồi quá cao cũng có nghĩa là các ngành sản xuất của ta tiêu thụ năng lượng quá mức so với nhu cầu thực, cũng như so với thế giới. Lãng phí chắc chắn có nhiều lý do, nhưng việc sử dụng công nghệ lạc hậu ở nhiều ngành chính là một vấn nạn lớn nhất.

Lời giải từ công nghệ? Vâng, nhưng nếu chỉ nói tới công nghệ của bản thân các nhà máy điện thì chẳng đụng được bao nhiêu tới cốt lõi của vấn đề năng lượng của nước ta, hiện nay và mai sau.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới