Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lời giải từ công nghệ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lời giải từ công nghệ

Tấn Đức

Trong gần 30 năm qua, tiềm năng thủy điện của Việt Nam đã được khai thác với tốc độ nhanh và đến nay gần như đã cạn kiệt. Trong ảnh là công trình thủy điện Hòa Bình. Nguồn: songda.com.vn

(TBKTSG Online) – Để giải quyết tình trạng thiếu điện, Chính phủ đang lên kế hoạch tăng dần giá bán điện từ mức bình quân 5,2 xu Mỹ/kWh hiện nay lên 8 xu Mỹ/kWh. Tuy nhiên, vẫn còn giải pháp khác có thể giúp giải quyết phần nào gút mắc về giá cả. Đó là công nghệ.

Trên tấm băng-rôn lớn treo ngay mặt tiền của nhà máy chế tạo tổ máy phát điện mới của Tập đoàn Alstom ở Thiên Tân, Trung Quốc, khách đến dự lễ khánh thành dễ dàng nhận ra dòng chữ “Clean power today”. Đây không chỉ là khẩu hiệu dành cho nhà máy được xem là thân thiện với môi trường này, với chỉ số phát thải CO2 (khí gây hiệu ứng nhà kính) bằng không, mà còn là mục tiêu chiến lược về công nghệ của Tập đoàn Alstom, nhà sản xuất tổ máy phát điện hiện đang chiếm tới một phần tư thị phần thế giới.

Ông Philippe Joubert, Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực năng lượng của Alstom, khẳng định thách thức của các nước hiện nay không chỉ là bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng ổn định cho nền kinh tế, mà còn phải giảm thiếu tác động tiêu cực của việc tiêu dùng năng lượng quá mức lên môi trường. Điều này có liên quan trực tiếp đến hiệu suất và hiệu quả của hệ thống cung cấp năng lượng. Ông nói: “Trong những năm gần đây, sự nóng lên của khí hậu toàn cầu đã tạo ra sức ép, buộc phải nghiên cứu tìm ra giải pháp phát triển các nguồn năng lượng ít cacbon”.

Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu năng lượng toàn cầu giai đoạn 2006 – 2015 tăng bình quân 3,2%/năm. Tỷ lệ này trong 15 năm tiếp theo đó sẽ giảm xuống còn 2%/năm. Tuy nhiên, ở các quốc gia đang phát triển, nhu cầu sẽ vẫn duy trì ở mức cao với 3,8%/năm.

Trước đây, thủy điện luôn chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cung ứng điện của thế giới, nhưng từ năm 1995, cùng với sự phátt triển bùng nổ của các nền kinh tế mới ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, nhiệt điện chạy than đã dần vươn lên vị trí số một.

Thống kê của IEA cho thấy, trong 613.000 MW công suất điện đang được lắp đặt thêm, nhiệt điện chạy bằng than chiếm gần 210.000 MW. Ở khu vực châu Á, nhiệt điện than hiện chiếm đến một phần ba tổng công suất. Ở Ấn Độ, tỷ lệ này lên đến 75% và Trung Quốc 50%.

Trong ngành sản xuất điện, nhiệt điện chạy than là thủ phạm phát ra nhiều chất thải nguy hại cho môi trường nhất. Vì vậy, việc nghiên cứu phát triển công nghệ nhằm nâng cao hiệu suất của loại nhiệt điện có ý nghĩa quan trọng về kinh tế và môi trường.

Riêng tại Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ điện hiện đang tăng bình quân 17 – 18%/năm. Đây là mức tăng rất cao và trong ít nhất 20 năm nữa, nhu cầu này sẽ còn tiếp tục tăng với tốc độ hai con số. Cũng như Trung Quốc và Ấn Độ, trong tương lai nền kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp điện từ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than. Trong gần 30 năm qua, tiềm năng thủy điện của Việt Nam đã được khai thác với tốc độ nhanh và đến nay gần như đã cạn kiệt. Trong danh mục những nhà máy điện sẽ xây dựng từ 2015 đến 2025, nhiệt điện chạy bằng than sẽ chiếm trên dưới 70% tổng công suất.

Thách thức thực sự đối với Việt Nam là hiệu suất của các nhà máy nhiệt điện hiện nay quá thấp. Hiệu suất bình quân của nhiệt điện chạy bằng than chỉ đạt 36%. Các nhà máy điện chạy bằng khí đốt khá hơn một chút – 37%. Điều này cũng đồng nghĩa để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm điện, Việt Nam phải sử dụng nhiều than, khí đốt hơn và do đó giá thành điện cũng cao và mức độ gây ô nhiễm môi trường cũng nhiều hơn.

Để bảo đảm cung ứng đủ điện cho nhu cầu của nền kinh tế, vấn đề đặt ra đối với Việt Nam không chỉ là xây thêm nhiều nhà máy điện, mà quan trọng hơn là phải nâng cao hiệu suất của các nhà máy, qua đó giảm giá thành sản xuất cũng như những tác hại về môi trường. Ông Philippe Joubert cho biết, với công nghệ hiện nay của Alstom, các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đã có thể đạt hiệu suất tới 45%. Ông khẳng định: “Các chuyên gia của Alstom đang tiếp tục nghiên cứu và tôi tin rằng trong vài năm nữa hiệu suất của nhiệt điện chạy bằng than sẽ vượt con số 50%”.

Cũng theo ông Philippe Joubert, việc cải thiện hiệu suất có thể thực hiện ngay trên các nhà máy hiện có, đồng thời áp dụng được cho mọi loại hình nhà máy điện, từ nhiệt điện, thủy điện cho đến điện hạt nhân. Nếu có thể nâng hiệu suất của các cơ sở nhiệt điện chạy bằng than, khí đốt từ 36 – 37% như hiện nay lên 45%, là đồng nghĩa giảm gần 10% lượng nhiên liệu tiêu thụ và khối lượng bụi, khí thải ra môi trường.

Bên cạnh đó, việc tăng hiệu suất còn giúp giảm đáng kể giá thành sản xuất điện, vốn đang là gút mắc lớn nhất cho vấn đề giải quyết nguồn cung điện của Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới