Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lợi ích từ EVFTA liệu có giảm vì Covid-19?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lợi ích từ EVFTA liệu có giảm vì Covid-19?

Vũ Dung

(TBKTSG Online) – Thoả thuận thương mại giữa EU và Việt Nam (EVFTA) dự kiến sẽ sớm được thông qua và có hiệu lực. Song, đại dịch Covid-19 đã làm cho con đường hiện thực hóa những lợi ích kỳ vọng từ EVFTA thêm gập ghềnh.

Lợi ích từ EVFTA liệu có giảm vì Covid-19?
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam EU đã trở nên bớt hấp dẫn hơn khi EU vẫn đang phải vật lộn chống dịch – Ảnh minh hoạ: VT.

Chưa có tác động đến kích cầu

Tin Hiệp định thương mại tự do Việt Nam EU (EVFTA) có thể được thông qua và có hiệu lực trong tháng 7 tới cũng không làm ông Nguyễn Liêm vui lên được trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề tới ngành gỗ, trong đó có Công ty cổ phần Lâm Việt, nơi ông làm giám đốc. Hiện nay, dù nền kinh tế trong nước đã trở lại giai đoạn bình thường mới nhưng các thị trường nhập khẩu đồ gỗ nội thất của Việt Nam như châu Âu, Mỹ vẫn chưa bình thường.

“Hoạt động của chúng tôi mới chỉ bằng 30-40% so với trước dịch, chủ yếu làm đơn hàng cho các đối tác nhỏ tại Canada. Khi các nhà phân phối có 200-300 cửa hàng tại châu Âu, Mỹ vẫn chưa hoạt động trở lại thì sản xuất của chúng tôi chưa thể bình thường, dù có EVFTA hay không”, ông Liêm nói.

Theo ông Liêm, hiệp định này chỉ giúp giảm thuế, không thể kích được nhu cầu đang gần như về con số 0 tại các thị trường chính của công ty. Ông Liêm đưa ra kịch bản khả quan nhất, tức các nước kiểm soát tốt được dịch bệnh, thì cũng phải mất 6 tới 7 tháng nữa các cửa hàng nội thất nước ngoài mới tiêu thụ được hết hàng tồn kho và hàng trên cảng. “Sau khi khách hàng giải quyết được lượng hàng tồn kho đó, họ mới tính tới việc đặt hàng mới của chúng tôi", ông Liêm dự báo.

Ông Đỗ Xuân Lập, Giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ Gỗ Tiến Đạt, cũng cho rằng, EVFTA chưa thể giúp doanh nghiệp trong giai đoạn này khi để được hưởng ưu đãi thuế, doanh nghiệp phải chuẩn hóa quy trình sản xuất nhằm đưa giá trị nhập khẩu xuống còn khoảng 20-25%.

Ví dụ, để sản xuất một sản phẩm nội thất, nguyên liệu gỗ chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại là các loại nguyên phụ liệu như ván ép, ốc vít, sơn, bao bì, mút…. Đây là những nguyên liệu nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc hoặc một số quốc gia khác như Malaysia, Indonesia. Do đó, để đưa tỉ lệ nhập khẩu trong giá trị sản phẩm về mức được hưởng ưu đãi thuế quan cần thời gian.

Dù vậy, ông Lập cho hay, vừa rồi do đại dịch, các doanh nghiệp sản xuất phụ liệu cho ngành gỗ, thay vì xuất khẩu, đã phân phối cho các nhà máy chế biến gỗ trong nước. Đây cũng là một điểm thuận lợi để các doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ EVFTA sau này. Tuy nhiên hiện tại, hiệp định chưa thể là "liều thuốc giảm đau" cho doanh nghiệp trong ngành.

Tương tự ngành gỗ, ngành da giày cũng trong tình cảnh tương tự khi sản phẩm chủ yếu nhắm xuất khẩu sang Mỹ và EU. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) dự kiến, xuất khẩu mặt hàng này trong tháng 5 sẽ giảm một nửa so với năm ngoái khi các đối tác lớn của ngành da giày vẫn vật lộn chống dịch. Sản xuất da giày phục vụ nội địa cũng chậm khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu bất chấp nền kinh tế bước sang giai đoạn “bình thường mới".

Ông Diệp cho hay, EVFTA chỉ phát huy được hiệu quả khi phải đáp ứng được hai yếu tố: cả hai nền kinh tế Việt Nam và EU đều phải khoẻ. Nếu chỉ Việt Nam phục hồi mà đối tác phía cầu là thị trường EU vẫn bế tắc thì EVFTA không có tác dụng.

Phải biết cách tận dụng lợi thế

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Covid-19 đã làm EVFTA trở nên “nhạt màu".

Ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào 2 yếu tố: sức mua của thị trường toàn cầu và mức độ cạnh tranh về nguồn cung với các đối thủ xuất khẩu mặt hàng tương tự như Trung Quốc, Philippines, Myanmar, Bangladesh…

Hiện tại, do dịch bệnh hoành hành, phía cầu vẫn rất yếu. Theo bà Trang, quí 1-2020, Việt Nam được lợi khi sản xuất tại các nền kinh tế đối thủ bị đình đốn do Covid-19. Nhưng đến quí 2 khi cầu ở các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu sụt giảm đột ngột thì xuất khẩu của Việt Nam cũng lao dốc.

Ở góc độ xuất khẩu, cơ hội lớn nhất mà EVFTA mang lại là giảm thuế, giúp hàng hóa Việt Nam cạnh tranh hơn về giá, tức chỉ hỗ trợ phần cung. Nhưng Covid-19 lại khiến nhu cầu giảm đột ngột. Do đó, khi EVFTA có hiệu lực, giá giảm giúp Việt Nam có thêm một chút lợi thế trong việc cung ứng hàng hóa, nhưng nó không làm thay đổi nhu cầu. Hiệp định này giúp các nhà xuất khẩu Việt Nam một phần nhưng không khắc phục được hết những khó khăn mà họ đang đối mặt sau dịch bệnh.

“Tuy nhiên, ông bà ta đã có câu "một miếng khi đói bằng một gói khi no", nếu biết cách tận dụng lợi thế sẽ giúp doanh nghiệp Việt sống sót và tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh”, bà Trang nói. “Không nên nghĩ EVFTA là cây đũa vàng, nhưng nó là con đường hữu ích nếu chúng ta tận dụng được”.

Về dài hạn, EVFTA sẽ giúp hàng hoá trong nước có lối đi riêng tại thị trường EU khi có lợi thế cạnh tranh về thuế quan hơn. EU là thị trường xuất khẩu lớn, dù chỉ có trên 400 triệu dân, nhưng là khu vực có sức mua lớn thứ 2 thế giới. Đặc biệt, các đối thủ cung cấp hàng hóa có tính cạnh tranh với Việt Nam tại EU như Trung Quốc đều chưa có hiệp định với nền kinh tế này.

“Trong tương lai gần thì cơ hội không lớn, nhưng xa hơn cơ hội là có và chúng ta làm tốt vẫn có thể tận dụng được”, bà Trang nói.

Mời đọc thêm:

EVFTA – cú hích cho xuất khẩu của Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới