Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lời khuyên của ‘sếp’ Alibaba cho thời khủng hoảng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lời khuyên của ‘sếp’ Alibaba cho thời khủng hoảng

Duy An

(TBKTSG Online) – Thích ứng với hoàn cảnh là yếu tố rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Trong khi đó, làm việc tập thể và giao tiếp nội bộ là chìa khóa để làm quen với điều bình thường mới.

Thế giới đang quay cuồng giữa cơn lốc Covid -19 (bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona), khiến người người, nhà nhà và hầu như mọi doanh nghiệp điêu đứng trong chừng mực nào đó. Nếu quá bế tắc, bạn có thể nhìn lại cột mốc 2003, một thời điểm khủng hoảng khác.

Đó là năm mà dịch SARS (Hội chứng Suy hô hấp cấp tính nặng) lây lan. Lèo lái công ty vượt qua khủng hoảng là một thành công đáng kể. Thật chẳng dễ dàng gì nhưng một khi đi đúng đường, đây là cơ hội để công ty của bạn trở nên khác biệt với số đông còn lại. Và Alibaba đã làm được điều đó: Mở rộng kinh doanh giữa dịch SARS. 

Lời khuyên của 'sếp' Alibaba cho thời khủng hoảng
Ông Joe Tsai, Phó chủ tịch điều hành Tập đoàn Alibaba. Ảnh: Reuters

Khi SARS tràn tới, Alibaba đang có kế hoạch khởi động trang thương mại điện tử Taobao. Hiện là tập đoàn khổng lồ ước trị giá 678 tỉ đô la Mỹ song khi đó, Alibaba mới chập chững trên thương trường (thành lập năm 1999). Non trẻ là thế, những tưởng Alibaba cùng chung số phận đóng cửa như hàng loạt doanh nghiệp khác giữa lúc người dân cố thủ trong nhà để tránh dịch bệnh. Thế nhưng ngược lại, 18 nhà đồng sáng lập Alibaba, bao gồm tỉ phú Jack Ma, quyết định “xoay trục”.

Câu chuyện tăng trưởng giữa khủng hoảng này vừa được một nhà đồng sáng lập là Joe Tsai, hiện là phó chủ tịch điều hành Alibaba, kể lại trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

Theo đài CNBC (Mỹ), họ thiết lập hệ thống làm việc tại nhà – một ý tưởng mới lạ khi ấy – để đảm bảo Taobao khai trương đúng hẹn. “Chúng tôi muốn chắc chắn rằng khi khách hàng gọi điện hay e-mail, chúng tôi có thể phục vụ họ. Rõ ràng điều đầu tiên cần làm là đảm bảo nhân viên mạnh khỏe và bộ máy hoạt động ổn định. Có như vậy họ mới tiếp tục phục vụ khách hàng được”, ông Tsai chia sẻ.  

Chỉ vài tuần sau khi SARS bùng phát, Taobao ra mắt theo đúng kế hoạch vào ngày 10-5-2003. Tình trạng cách ly tạo nên bước ngoặt cho kinh tế Trung Quốc, bởi người tiêu dùng trong nước đổ xô lên Internet để đặt hàng trực tuyến.

Ông Jack Ma, nhà đồng sáng lập Alibaba và ông Porter Erisman (người ngồi bên phải, khi đó là một phó chủ tịch của Alibaba) tại một cuộc họp báo về Taobao sau cuộc khủng hoảng SARS. Ảnh: Porter Erisman.

Theo ông Tsai, trung thành với tôn chỉ hoạt động chính là nấc thang đưa công ty đến thành công và điều này đến giờ vẫn giữ nguyên giá trị. “Sau khi tiến nhanh đến vị trí hiện nay, ưu tiên tuyệt đối của chúng tôi vẫn là tập trung vào khách hàng”, ông Tsai khẳng định, đồng thời cho rằng đây là kinh nghiệm quan trọng dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đang vật lộn giữa đại dịch Covid-19.

Trong cuộc thảo luận sâu rộng tiếp đó với ông Tony Wong, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành nền tảng thương mại trực tuyến Shopline (Hồng Kông), Phó chủ tịch điều hành của Alibaba đặc biệt nhấn mạnh người làm chủ cần chú trọng vào mục tiêu cốt lõi của doanh nghiệp mình.

Một khi giữ được điều đó thì doanh nghiệp vẫn có cơ hội tiến lên, kể cả trong lúc kinh tế thụt lùi. Ông Tsai nhắc lại: “Là một doanh nhân, tôi nghĩ bạn không nên chạy theo ý tưởng. Bạn phải tâm niệm lý do mình thành lập doanh nghiệp và lấy đó làm kim chỉ nam để nhận diện rồi giải quyết vướng mắc đang cản đường”.

Nhà đồng sáng lập Alibaba đặt vấn đề: “Nếu chỉ đeo đuổi các ý tưởng, bạn sẽ chẳng thể có đam mê. Bạn chạy theo chúng vì chúng là cơ hội kiếm tiền chứ không phải vì bạn thực sự yêu thích mục tiêu cốt lõi của doanh nghiệp. Hãy để mục tiêu ấy dẫn đường cho bạn”. Theo ông Tsai, đó là điều Alibaba đã làm: Cách tân và tìm những cách thức mới mẻ để đạt được mục tiêu bất chấp những hạn chế của thực tại.

Nhân viên Alibaba được mang máy tính về nhà làm việc trong thời gian bị cách ly vì dịch SARS. Ảnh: Porter Erisman.

Ông nêu ví dụ: “Thử tưởng tượng nhà hàng của bạn phải đóng cửa và bạn đành bất lực đứng nhìn. Nhưng tôi nghĩ nhiều công ty khác đang nghĩ cách thay đổi để sống còn. Nhà hàng đóng cửa không có nghĩa là khách hàng ngừng ăn, do đó giải pháp ở đây chính là chuyển sang bán thức ăn mang về. Thích ứng với hoàn cảnh là yếu tố rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Trong khi đó, làm việc tập thể và giao tiếp nội bộ là chìa khóa để làm quen với điều bình thường mới”.

(Theo reuters, NYTimes)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới