Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lời mời đổ rác

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lời mời đổ rác

Bùi Việt Phương

Ảnh chỉ có tính chất minh họa.

(TBKTSG Online) – Sự thật là chưa bao giờ tôi có được lời mời ấy. Không phải lời “dụ khị” hàng không rõ nguồn gốc của nhiều người bán dạo đáng ngờ mà là lời đề nghị được làm việc.

Ngày trước, tôi mới chân ướt chân ráo dọn nhà về đây cái gì cũng phải hỏi, phải nhờ hàng xóm chỉ bảo. Chỉ trừ chuyện… đổ rác. Công trường khi ấy đang còn ngổn ngang, tìm một bãi hoang xả rác đâu khó. Nhưng mấy năm sau thì chuyện này đã đi vào quy củ và có màu sắc đô thị hơn.

Chiều chiều, chị nhân viên môi trường đô thị đẩy xe, gõ kẻng nhắc mọi nhà đổ rác. Mọi thành viên trong cái khu tập thể lắm ngành nghề, lắm giờ giấc sinh hoạt này từ nay có dịp nhìn thấy mặt nhau trước khi rút vào những cánh cửa riêng tư của mình. Người già hỏi han nhau chuyện sức khoẻ, tập dưỡng sinh… còn thanh niên trẻ, nghe nói từ dạo ấy có được 5 cặp uyên ương “trâu ta ăn cỏ đồng ta”. Âm thanh giục giã ấy nghe dần thành quen như thể là một tiếng gọi thành lời. Nó khiến mình thấy vui vui vì được nhắc nhở, được nhớ đến. Một tiếng gọi bình đẳng, chẳng kiêng nể hay kén chọn ai.

Vậy mà chiều hôm nay bỗng xảy ra một chuyện lạ làm tôi vô cùng bối rối. Cũng vào tầm giờ ấy, nán đợi mãi mà không nghe thấy tiếng kẻng nào, nhưng lại có người bấm chuông cửa nhà tôi. Cô công nhân còn vụng về trong chiếc áo đồng phục nhìn tôi, nhỏ nhẹ: “Em mới làm lao công quét dọn ở phường nhưng việc ít quá. Thế là em xin nhận luôn cả việc thu gom rác khu này cho đủ một xe, bõ công đi lại anh ạ. Từ nay khi nào em bấm chuông, anh ra đổ rác giúp em nhé!”

Tôi biết cô gái ở cách đây không xa, tuổi đã gần ba mươi, lỡ làng duyên phận vì một bàn chân dị tật. Lâu nay cứ quanh quẩn ở nhà vì nhiều sự mặc cảm dù thể chất vẫn khoẻ mạnh. Nhìn cảnh cô đẩy xe vào khu tập thể ai cũng nhăn mặt, lắc đầu bảo: “Cháu đẩy vào đây làm gì cho khổ. Từ mai cứ đứng ngoài kia gõ kẻng người ta sẽ ra. Để mọi người còn được giao lưu và tập thể dục nữa chứ”.

Họ nói thế có lẽ vì thương em và cũng vì muốn giữ thú vui “điểm danh”, gặp gỡ cuối ngày để khỏi bị cuộc sống bận rộn đẩy hàng xóm láng giềng ra xa nhau, nhưng rất có thể, những cái túi nilon đựng đầy rác kia là lời động viên em thêm yêu công việc bình dị, bụi bặm nhưng đầy ý nghĩa của mình. Để em được bận bịu, tay áo quệt mồ hôi che nụ cười kín đáo vì cũng được tất bật với mưu sinh như tất cả những người bình thường.

Tôi trộm nghĩ, còn có bao nhiêu người biết mời như em?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới