Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lội ‘ngược dòng’, xoay xở tìm hướng đi tại các thị trường khó tính

Lê Hoàng

-

(KTSG Online) – Trong xu hướng mở rộng thị trường ra nước ngoài, một số nhà sản xuất Việt Nam đã chọn con đường khá gian nan: đó là đầu tư vào các nước phát triển, thâu tóm doanh nghiệp ngoại, hoặc “đứng trên vai người khổng lồ”…

Sự lựa chọn nói trên cũng là áp lực khiến doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực sản xuất, khẳng định thương hiệu, uy tín; đồng thời thúc đẩy họ tìm cách sở hữu các công nghệ hiện đại với những bí quyết sản xuất của các tập đoàn lớn và thậm chí là cả đội ngũ chuyên gia hàng đầu… Từ đó, tạo đà để nhà sản xuất Việt Nam có thể phát triển ra thị trường toàn cầu.

 

Giữa thời điểm khó khăn chung của kinh tế thế giới, lạm phát tăng cao và đứt gãy chuỗi cung ứng, Tập đoàn Nutifood gần đây công bố đã hoàn tất thủ tục đầu tư 51% vào công ty thực phẩm bổ sung Cawells, nắm quyền chi phối của doanh nghiệp châu Âu này. Theo đó, Công ty Nutifood Sweden, công ty trực thuộc của Nutifood ở Thụy Điển là đơn vị mua 51% vốn tại Cawells, thương hiệu thực phẩm bổ sung của Thụy Điển. Đây là phi vụ đầu tư thứ 3 của Nutifood tại nước này kể từ năm 2018.

Trong khi đó, FPT tại Nhật Bản vừa ký kết thỏa thuận đầu tư không chi phối, trở thành cổ đông chiến lược của LTS, Inc., công ty trong Top 20 công ty tư vấn, quản trị kinh doanh và chuyển đổi số doanh nghiệp tại xứ hoa anh đào, với hơn 20 năm kinh nghiệm.

Giá trị thương vụ không được tiết lộ, song theo FPT, thỏa thuận chiến lược này sẽ giúp hai bên khai phá tốt các cơ hội trong lĩnh vực tư vấn và dịch vụ công nghệ, với mục tiêu đạt được các hợp đồng trị giá hàng chục triệu đô la Mỹ tại thị trường Nhật Bản cũng như quốc tế.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT kỳ vọng sự hợp tác này sẽ giúp FPT và LTS, Inc. có thể cạnh tranh với các công ty tư vấn chuyển đổi số hàng đầu thế giới.

FPT tại Nhật Bản vừa ký kết thỏa thuận đầu tư không chi phối, trở thành cổ đông chiến lược của LTS, Inc.

Sớm hơn là VinFast, vào trung tuần tháng 7 vừa qua, hãng ô tô thuần Việt này công bố nhận được khoản ưu đãi trị giá 1,2 tỉ đô la Mỹ cho dự án xây dựng nhà máy tại Bắc Carolina (Mỹ), đưa VinFast trở thành cơ sở sản xuất ô tô điện đầu tiên tại bang này.

Đây là khoản ưu đãi kinh tế lớn nhất trong lịch sử Bắc Carolina, tạo điều kiện cho VinFast phát triển nhà máy tại khu công nghiệp Triangle Innovation Point, hạt Chatham. Nhà máy này có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 2 tỉ đô la Mỹ và theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án bắt đầu đi vào sản xuất từ tháng 7-2024.

Thống đốc Bang Bắc Carolina Roy Cooper và Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Tổng giám đốc VinFast toàn cầu Lê Thị Thu Thuỷ ký kết hợp tác về việc đầu tư xây dựng nhà máy VinFast tại Mỹ.

Cũng trong khoản thời gian trên, H.C. Starck Tungsten Powders (HCS), công ty con của Masan High-Tech Materials (MHT) công bố ký kết thỏa thuận đầu tư 52 triệu euro cho 15% vốn chủ sở hữu trên cơ sở cổ phần pha loãng hoàn toàn của Nyobolt Limited (Nyobolt), một công ty chuyên cung cấp giải pháp pin Li-ion sạc nhanh.

Đây cũng là khoản đầu tư lớn nhất vào Nyobolt ở vòng Series B. Thương vụ hợp tác được kỳ vọng sẽ đưa HCS trở thành nhà cung ứng vật liệu công nghiệp công nghệ cao. Theo thông tin từ Masan, HCS đang trong quá trình thương mại hóa sản phẩm để sẵn sàng ra mắt thị trường trong thời gian sắp tới.

Không dừng lại 4 dự án và thương vụ đầu tư nói trên, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm nay có 80 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt trên 347,3 triệu đô la Mỹ, tăng gấp 2,31 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Đại diện King Coffee tại một sự kiện ở nước ngoài.

Trong đó, vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới 9 tháng vừa qua tăng mạnh so với cùng kỳ do có 5 dự án lớn mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư là dự án Công ty cổ phần giải pháp năng lượng Vines sang Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan với tổng vốn đầu tư mỗi dự án hơn 34,68 triệu đô la.

Điều đáng lưu ý theo Cục đầu tư nước ngoài là bên cạnh những điểm đến lâu nay như Lào, Campuchia, Nga, hoặc các nước kém phát triển ở châu Phi, … trong những năm gần đây các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng hướng đến những thị trường phát triển và khó tính.

Cụ thể, riêng trong 9 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp Việt rót vốn vào Singapore đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 41,5 triệu đô la, chiếm gần 10,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là đầu tư vào Mỹ, Đức, Hà Lan,… Nhiều dự án đã chuyển từ quy mô nhỏ, đầu tư vào các ngành nghề đơn giản sử dụng nhiều đất đai, lao động, sang các dự án quy mô lớn, vào các ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao, đồng thời lan rộng ra nhiều nước…

Bên cạnh mở rộng và khai thác thị trường mới, các dự án đầu tư của mỗi doanh nghiệp còn có chiến lược riêng. Đơn cử như NutiFood, đến nay công ty này vẫn là doanh nghiệp dinh dưỡng đầu tiên của Việt Nam xây dựng nhà máy tại Thụy Điển – đất nước của những quy chuẩn chất lượng khắt khe và những nông trại nuôi bò sữa đạt tiêu chuẩn organic. Tại đây có cả Viện nghiên cứu dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển (NNRIS) – nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia hàng đầu thế giới giúp Nutifood có thể đón đầu những thành tựu, công nghệ mới nhất, mang tinh hoa dinh dưỡng thế giới về cho người Việt.

Và thương vụ thâu tóm 51% cổ phần tại Cawells – một thương hiệu thực phẩm bổ sung Thụy Điển ra đời cách đây 8 năm, bởi những nhà sáng lập có kinh nghiệm hơn 30 năm trong ngành được ban lãnh đạo Nutifood cho là một hướng đi chiến lược. Với thương vụ mới này, Cawells sẽ trở thành một trong 3 nhân tố quan trọng trong hệ sinh thái của Nutifood Sweden. Đó là Nhà máy Nutifood Sweden, Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển và Cawells.

Chia sẻ lý do đầu tư vào Cawells, ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch HĐQT Nutifood, cho biết: “Bên cạnh nỗ lực mang tinh hoa dinh dưỡng tốt hàng đầu của Việt Nam và thế giới phục vụ cho sức khỏe người Việt, chúng tôi mong muốn làm giàu cho đất nước bằng chính thương hiệu và sản phẩm do công ty Việt Nam làm chủ, hiện diện không chỉ tại thị trường Việt Nam mà còn trên thị trường quốc tế. Cawells là bước tiến tiếp theo trên hành trình chúng tôi thực hiện mục tiêu đó”.

Theo ông Minh, việc nắm quyền chi phối một thương hiệu đến từ EU là để đón đầu sự bùng nổ ngành hàng thực phẩm bổ sung tại thị trường châu Á với 5 tỉ dân trong vài năm tới. Trong khi đó, Cawells, thương hiệu của doanh nghiệp Thụy Điển, quốc gia hàng đầu thế giới về chất lượng sống cũng như những tiêu chuẩn khắt khe trong các sản phẩm chăm sóc sức khỏe con người là điều kiện tốt để Nutifood mở rộng phát triển thị trường khu vực này.

Nhà máy Nutifood ở Thụy Điển.

Ông Minh cho rằng Việt Nam có lợi thế khi nằm ở vị trí trung tâm châu Á gồm nhiều thị trường rất lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia… là cơ hội để Nutifood có thể khai thác sản phẩm của Cawells với danh mục sản phẩm hơn 120 loại thực phẩm bổ sung và dinh dưỡng từ trẻ em đến người lớn tuổi.

“Cùng Cawells, chúng tôi mong muốn tạo nên một thương hiệu thực phẩm bổ sung chăm sóc sức khỏe hàng đầu tại châu Á – Thái Bình Dương. Đó là sự kết hợp tốt của những ứng dụng công nghệ thực phẩm tiên tiến từ phương Tây cùng với dược liệu quý của các nước Á châu như sâm ngọc linh, đông trùng hạ thảo… để tạo nên sức cạnh tranh độc đáo, khác biệt cho riêng Cawells trên thị trường”, Phó Chủ tịch HĐQT Nutifood bày tỏ.

Viện nghiên cứu Nutifood ở Thụy Điển.

Hướng đi của Nutifood được xem là chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ” nhưng ông Minh khẳng định đây là chiến lược win-win. Với thương vụ này, Nutifood đã chứng minh thế mạnh là thị trường 5 tỉ dân nên đã nắm quyền chi phối.

Có thể nói, với việc nắm quyền chi phối Cawells, Nutifood đã tiến thêm một bước quan trọng trong việc mang thương hiệu Việt đi chinh phục thế giới để phục vụ sức khỏe cộng đồng Việt Nam cũng như toàn cầu.

Trên thực tế, đi đầu trong xu hướng đầu tư này phải kể đến Vinamilk. Cách đây gần 10 năm lãnh đạo tập đoàn này đã chi khoảng 10 triệu đô la mua lại nhà máy sữa Driftwood của Mỹ. Sau vài năm tái cấu trúc, nhà máy sữa có lịch sử tồn tại cả thế kỷ tại Mỹ đã giúp Vinamilk không chỉ kiếm lợi nhuận mà còn là bước đệm để Vinamilk đưa các sản phẩm sữa từ Việt Nam thâm nhập thị trường Mỹ bên cạnh việc tìm kiếm nguyên liệu tại xứ cờ hoa.

Sản phẩm sữa đặc và creamer đặc Driftwood của Vinamilk được bày bán tại các siêu thị Mỹ.

Khi đó, nói về việc mua nhà máy của Driftwood, đại diện Vinamilk cũng chia sẻ, Mỹ là thị trường khó tính hàng đầu thế giới. Nếu Vinamilk được chấp nhận ở thị trường Mỹ, đấy sẽ là một lợi thế lớn, giúp Vinamilk tiếp tục xâm nhập vào các thị trường khác đồng thời thúc đẩy tăng trưởng.

Thực tế cũng cho thấy cánh cửa thị trường cho sản phẩm của Vinamilk ngày càng “rộng mở” và đến nay đã xâm nhập gần 60 nền kinh tế trên thế giới. Thành công này, Vinamilk không ngừng đầu tư mở rộng quy mô cả trong và ngoài nước. Hiện Vinamilk đang có các công ty con, công ty liên kết tại Mỹ, New Zealand, Campuchia, Lào và gần đây là liên doanh tại Philippines với đối tác Del-Monte, công ty thực phẩm đồ uống hàng đầu tại đây.

Hay Tập đoàn Masan năm 2020 gây chú ý với thương vụ mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của nhà chế tạo hàng đầu thế giới có công nghệ chịu nhiệt của H.C. Starck (Đức). Giao dịch này được cho là bước đi chiến lược trong tầm nhìn của Công ty Tài nguyên Masan (MSR) để trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao dựa trên nền tảng chuỗi giá trị tích hợp xuyên suốt hàng đầu thế giới. Nguồn cung sơ cấp ổn định với giá thành thấp từ MSR kết hợp với năng lực tái chế của HCS sẽ mang đến cho công ty lợi thế cạnh tranh toàn cầu.

Bởi lẽ, H.C. Starck là nhà chế tạo hàng đầu các sản phẩm vonfram công nghệ cao “midstream”(giai đoạn giữa của chuỗi giá trị) như bột kim loại vonfram và vonfram các-bua. HCS có đội ngũ chuyên gia kỹ thuật chuyên sâu và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng, cũng như vận hành các nhà máy hiện đại, tự động hóa cao để đảm bảo cung cấp cho khách hàng những sản phẩm có chất lượng vượt trội và ổn định.

Cửa hàng King Coffee tại nước ngoài.

Đáng chú ý, ở thời điểm thâu tóm, Công ty này có đến 105 bằng sáng chế và sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm vonfram hàng đầu như hợp chất vonfram có cấu trúc siêu mịn (ultrafine). Ngoài ra, nhờ vào các công nghệ đã được cấp bằng sáng chế độc quyền, đây là một trong số ít các công ty trên thế giới có nền tảng tái chế vonfram toàn diện và thân thiện với môi trường.

Với sự thành công của giao dịch này, MSR cũng chính thức trở thành nhà chế tạo hàng đầu các sản phẩm vonfram “midstream” cho các ngành công nghiệp quan trọng như cơ khí chế tạo máy và công cụ, khai khoáng, ô tô, năng lượng, hàng không và công nghiệp hóa chất.

Bước vào lĩnh vực sản xuất ô tô điện, trong thời gian qua, Vingroup cũng có những thương vụ M&A lớn để “mở đường”.

Chia sẻ tại Hội nghị Đầu tư toàn cầu do Bloomberg tổ chức gần đây, bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng giám đốc VinFast toàn cầu cho rằng, việc thiết lập cơ sở sản xuất ngay tại Mỹ sẽ giúp VinFast chủ động trong quản lý chuỗi cung ứng, duy trì ổn định về giá và rút ngắn thời gian giao sản phẩm, qua đó giúp xe điện VinFast dễ dàng và nhanh chóng tiếp cận hơn với người tiêu dùng.

Câu chuyện đầu tư phát triển ở những thị trường khó tính có nền kinh tế phát triển còn là cách phát triển và khẳng định thương hiệu của các doanh nghiệp Việt.

Đơn cử như cà phê King Coffee của bà Lê Hoàng Diệp Thảo sáng lập dù sản phẩm đã xuất khẩu đi hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có thị trường Mỹ, nhưng bà Thảo vẫn quyết định đầu tư quán cà phê đầu tiên của mình tại xứ cờ hoa vào tháng 5-2021.

Nằm trong khu vực sầm uất Anaheim GardenWalk – trung tâm mua sắm và giải trí ngoài trời phía đông của Disney Resort với rất nhiều nhà hàng và cửa hiệu lớn, cách 10 phút đi bộ đến công viên Disney, King Coffee phục vụ đầy đủ các loại cà phê truyền thống của Việt Nam, như cà phê phin, cà phê đá, cà phê sữa đá…. Đặc biệt, quán cũng phục vụ phở và bánh mì của Việt Nam, mang lại trải nghiệm thật sự độc đáo tại bang California.

“Khai trương quán đầu tiên tại Mỹ đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của King Coffee trên thị trường thế giới”, nhà sáng lập kiêm CEO thương hiệu King Coffee chia sẻ, và cho rằng đây là một cách khẳng định cà phê Việt và thương hiệu doanh nghiệp Việt tại xứ cờ hoa, thị trường đầu tiên mà bà Thảo chọn để ra mắt King Coffee vào tháng 10-2016. Đến nay, các sản phẩm của King Coffee đã được bán tại hàng chục hệ thống siêu thị ở thị trường này cũng như tại hệ thống E-commerce của Amazon, Walmart…

Dự kiến cuối năm nay, King Coffee sẽ mở tiếp các quán tại Anh Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và Pakistan, sau khi đã mở văn phòng đại diện xúc tiến thương mại tại Dubai, UAE mở ra nhiều cơ hội giao thương với các đối tác từ khắp nơi trên thế giới vào tháng 7 vừa qua.

Bên cạnh phát triển thị trường, khẳng định thương hiệu, việc mở những quán cà phê tại các nước, theo bà Thảo cũng nhằm nắm bắt được xu hướng của người tiêu dùng để công ty tiếp tục phát triển và điều chỉnh phù hợp hơn. Bà Diệp Thảo cũng đã khảo sát các vị trí để có thể mở quán đầu tiên của King Coffee tại Dubai.

Gân đây, mô hình “Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend” của Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã khai trương không gian đầu tiên trên thế giới tại trung tâm Thượng Hải – Trung Quốc. Đây là hoạt động đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của Trung Nguyên Legend tại thị trường Trung Quốc, nâng tầm thương hiệu cà phê Việt Nam trên toàn cầu.

Trong khi đó, ông Trần Bảo Minh cho rằng, khi sản phẩm Cawells được bày bán trên kệ kênh phân phối của Nutifood trong nước cũng là lúc sản phẩm Nutifood thừa hưởng và tận dụng tệp khách hàng của Cawells trải dài từ châu Âu sang châu Á và khu vực Trung Đông. Theo đó, các sản phẩm mang đậm bản sắc Việt thông qua Cawells sẽ được quảng bá ra thế giới như sâm Ngọc Linh, cà phê di sản từ nông trường trăm năm CADA…

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam đầu tư, và không ít doanh nghiệp Việt bị thâu tóm trong thời gian qua thì việc một số doanh nghiệp Việt Nam có chiến thuật “ngược chiều” đã phần nào khẳng định thương hiệu Việt và mở rộng sản xuất để phát triển thị trường rộng khắp.

Những doanh nghiệp Việt có chiến thuật “ngược dòng” đến các nước phát triển đầu tư, thậm chí là mua doanh nghiệp ở các nước này không chỉ giúp chính bản thân doanh nghiệp khẳng định bản lĩnh, tầm vóc thương hiệu mà còn vươn ra quốc tế lớn mạnh.

Lễ ký kết Nutifood đầu tư chiến lược vào Cawells.

Việc các doanh nghiệp lớn Việt đi ngược thâu tóm tập đoàn ngoại được xem là một xu hướng tích cực. Nó cho thấy sự lớn mạnh và tham vọng lớn của doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, việc thâu tóm cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể chọn được đối tượng tốt nhất, phù hợp nhất với mục đích phát triển của doanh nghiệp.

Nói về thương vụ mua 51% cổ phần tại Cawells, ông Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch HĐQT Nutifood cho biết: thâu tóm doanh nghiệp ngoại là thử thách “khó nhằn” nhưng để bước chân ra thị trường quốc tế, tìm cơ hội phát triển và cạnh tranh thì không thể không M&A nước ngoài. Ông Minh cũng chia sẻ kinh nghiệm, muốn đầu tư ra nước ngoài theo hình thức M&A, trước hết phải hiểu được thương hiệu đối tác có gì tốt, có gì mình không có và họ cũng có những cái không bằng mình.

Nội dung: Lê Hoàng – Hình ảnh: DNCC – Trình bày: Thu Trang

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây