Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lợi nhuận doanh nghiệp long đong theo nhịp chứng khoán

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Những đợt bán tháo xuất hiện dồn dập trên thị trường trong tháng 8 và 9, sau động thái siết chặt chính sách tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương, khiến thị giá của phần lớn cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu, đẩy không ít doanh nghiệp lún sâu vào cảnh thua lỗ.

Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (NDN) từng ghi nhận hơn 200 tỉ đồng doanh thu hoạt động tài chính năm 2021, trong đó có hơn 130 tỉ đồng là lãi từ đầu tư chứng khoán.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này liên tục báo lỗ trong những quý kinh doanh gần nhất. Cụ thể, trong quý 3-2022, Nhà Đà Nẵng ghi nhận doanh thu đạt 1,11 tỉ đồng – giảm 99,5% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế âm 28,77 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 81,39 tỉ đồng. Trước đó, doanh nghiệp ghi lợi nhuận âm hơn 114 tỉ đồng trong quý 2.

Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận và lợi nhuận sau thuế âm 123,99 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 214,37 tỉ đồng.

Lý giải kết quả, đại diện doanh nghiệp cho biết một phần nguyên nhân đến từ việc hụt doanh thu kinh doanh kinh doanh bất động sản, một phần do hoạt động đầu tư cổ phiếu thua lỗ.

Cụ thể, doanh nghiệp lỗ đầu tư chứng khoán 60,3 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022, trong khi cùng giai đoạn năm trước chỉ so với cùng kỳ lỗ 17,85 tỉ đồng. Doanh nghiệp cũng trích dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán ở mức 120 tỉ đồng, tăng 78,3 tỉ đồng.

Về hoạt động đầu tư, Nhà Đà Nẵng đã đầu tư 399,3 tỉ đồng vào chứng khoán tính tới 30-9, trích lập dự phòng 123,3 tỉ đồng, tương ứng tạm lỗ 30,9% tổng danh mục đầu tư chứng khoán. Danh mục trích lập lớn gồm 52,6 tỉ đồng cho cổ phiếu SHB, 45,1 tỉ đồng cho cổ phiếu VHM, 16,1 tỉ đồng cho cổ phiếu TCB, 6,2 tỉ đồng cho cổ phiếu ABB.

Những thông tin xấu gần đây như “đổ thêm dầu vào lửa” đang bốc cháy trên thị trường chứng khoán. Ảnh: Lê Vũ.

Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.000 tỉ đồng trong quý 3-2022, tăng 27% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 8 tỉ đồng, giảm 92%.

Nguyên nhân chính là giá vốn hàng bán tăng cao hơn doanh thu dẫn tới lợi nhuận gộp giảm mạnh và chi phí tài chính tăng đột biến.

Cụ thể, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần ở mức 1.159 tỉ đồng, tăng 28%. Giá vốn hàng bán ở mức 1.102 tỉ đồng, tăng 47%. Tốc độ tăng trưởng của doanh thu thấp hơn giá vốn khiến biên lợi nhuận gộp giảm từ 17,7% xuống còn 5%. Điều này khiến lợi nhuận gộp chỉ còn 57 tỉ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm.

Với hoạt động tài chính, Thép Tiến Liên ghi nhận doanh thu tài chính suy giảm, trong khi chi phí tài chính tăng mạnh càng gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp nắm giữ danh mục đầu tư cổ phiếu với giá trị gốc hơn 138 tỉ đồng, nhưng hiện đang dự phòng giảm giá gần 61 tỉ đồng – tương đương mức giảm 44%.So với quý 2-2022, mức dự phòng giảm giá quý 3 thấp hơn gần 5 tỉ đồng do doanh nghiệp thực hiện “cắt lỗ” với một số cổ phiếu khác với tổng giá trị bán ra thấp hơn 20 tỉ đồng so với giá trị đầu tư ban đầu.

Hiện Thép Tiến Lên vẫn nắm giữ một số cổ phiếu, dù giá trị thực tế của các cổ phiếu giảm khá nhiều so với giá trị đầu tư ban đầu, như VIX giảm 57%, SHB và IJC giảm 47%.

Công ty cổ phần Đầu tư CMC (mã chứng khoán: CMC) ghi nhận doanh thu quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022 lần lượt ở mức 8,6 tỉ đồng và 35,2 tỉ đồng, tăng 120% và 22,2%. Nhưng lợi nhuận sau thuế lần lượt ghi âm hơn 240 triệu đồng và 1,2 tỉ đồng.

Nguyên nhân chính là doanh thu tài chính quý 3-2022 chỉ đạt hơn hơn 80 triệu đồng, giảm gần 96% so với cùng kỳ trong bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến bất lợi, khiến doanh nghiệp chỉ bán được một phần chứng khoán nắm giữ.

Luỹ kế 9 tháng, doanh thu tài chính đạt 7,2 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng giai đoạn năm trước. Tuy nhiên, chi phí tài chính lên tới 11,2 tỉ đồng, tăng 560% do khoản dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư doanh nghiệp tăng tới 98%, tương ứng khoảng 9 tỉ đồng.

Với riêng cổ phiếu HPG, doanh nghiệp trích lập hơn 5,2 tỉ đồng, tương đương cho mức giảm 36% đối với cổ phiếu này.

Điều này khiến doanh nghiệp ghi âm gần 3 tỉ đồng ở mảng hoạt động tài chính. Mảng này cùng các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đã bào mòn toàn bộ doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ, buộc doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận âm từ hoạt động kinh doanh.

Công ty cổ phần Licogi 14 cũng ghi nhận lợi nhuận quý 3-2022 giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước do phải dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán.

Doanh nghiệp đã chi hơn 105 tỉ đồng để đầu tư chứng khoán trong quý 3 và phải trích lập dự phòng giảm giá gần 69 tỉ đồng, tương ứng mức lỗ hơn 65% tính trên tổng danh mục. Tuy nhiên doanh nghiệp không thuyết minh cụ thể về danh mục đầu tư.

Trước đó, tại thời điểm cuối quý 2, Liocgi 14 nắm giữ hơn 1,3 triệu cổ phiếu CEO và 217.300 cổ phiếu DIG với giá gốc lần lượt là 86,3 tỉ đồng và 19 tỉ đồng. Hai khoản đầu tư này đều tạm lỗ tại thời điểm đó với CEO là 51,6 tỉ đồng, DIG là 11,3 tỉ đồng.

Khác các doanh nghiệp trên, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ở hoạt động kinh doanh chính là thuỷ sản. Nhưng với đầu tư chứng khoán, doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận thua lỗ.

Cụ thể, doanh nghiệp phải dự phòng giảm giá chứng khoán gần 79 tỉ đồng tính tới cuối quý 3, tương ứng với mức lỗ 41% dựa trên giá gốc 191 tỉ đồng. Cụ thể, doanh nghiệp lỗ 44% với cổ phiếu NLG, 46% với DXS và 24% ở KBC. Các khoản đầu tư khác cũng lỗ 42%.

Trước đó, tại thời điểm cuối quý 2, Vĩnh Hoàn phải dự phòng gần 63 tỉ đồng, tương ứng mức lỗ hơn 31% dựa trên giá gốc là gần 200 tỉ đồng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới