Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lợi nhuận doanh nghiệp ở Mỹ đang đi vào vùng đỉnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lợi nhuận doanh nghiệp ở Mỹ đang đi vào vùng đỉnh

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Cơn bùng nổ lợi nhuận doanh nghiệp ở Mỹ có thể đang tiến vào vùng đỉnh, giúp chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng hơn gấp ba lần kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Mỹ: khi tổng thống phê phán doanh nghiệp

Vì sao chứng khoán Mỹ phớt lờ chiến tranh thương mại?

Lợi nhuận doanh nghiệp ở Mỹ đang đi vào vùng đỉnh
Giám đốc điều hành Apple Tim Cook lo ngại doanh thu của Apple ở các thị trường mới sẽ không đạt như kỳ vọng. Ảnh: The Apple Post

“Bữa tiệc lợi nhuận” đến hồi kết

Tờ The Wall Street Journal cho biết hơn 50% trong số 500 công ty có vốn hóa lớn nhất có cổ phiếu niêm yết trên sàn giao dịch Nasdaq và sàn giao dịch New York thuộc chỉ số S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh quí 3-2018 với mức lợi nhuận tăng trung bình 24% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của các công ty khổng lồ như Amazon, General Motors và Boeing. Mức tăng trưởng lợi nhuận này thấp hơn một chút so với mức tăng 25% trong hai quí gần nhất trước đó nhưng cao hơn mức 20% theo dự báo của giới phân tích.

Lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng vọt là động lực quan trọng để chỉ số Dow Jones lần lượt chinh phục nhiều đỉnh mới trong năm nay.

Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định cắt giảm mạnh thuế thu nhập cho các doanh nghiệp, giúp lợi nhuận của họ bất ngờ phình to và đẩy giá cổ phiếu của một số công ty lớn tăng phi mã. Song các lãnh đạo doanh nghiệp và giới đầu tư Mỹ giờ đây cho rằng “bữa tiệc lợi nhuận” đang đến hồi kết. Giới phân tích dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ chỉ tăng khoảng 6% trong quí đầu tiên của năm 2019 khi tác động tích cực của gói cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp dần yếu đi. Con số này thấp hơn mức 7% mà giới phân tích dự báo hồi đầu tháng 10.

Mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ suy giảm càng đè nặng các mối lo ngại lên thị trường chứng khoán Mỹ sau đợt bán tháo hồi tháng trước khiến chỉ số S&P 500 có tháng giảm điểm mạnh nhất kể từ năm 2011.
Dù giới phân tích và các nhà quản lý danh mục đầu tư ở các quỹ vẫn lạc quan cho rằng kênh đầu tư cổ phiếu vẫn có sức hấp dẫn hơn so với các kênh đâu tư khác nhưng nhiều người trong số họ bắt đầu chuẩn bị cho thời kỳ đầu tư khó khăn vì họ không thể trông chờ vào các khoản lợi nhuận bất ngờ của doanh nghiệp Mỹ.

“Đối với tôi, đây là đoạn kết rất điển hình của chu kỳ kinh doanh. Kỳ vọng dành cho các công ty rất cao và mức định giá của các công ty cũng rất cao. Rốt cục, mọi thứ sẽ bắt đầu tăng chậm lại cùng với nền kinh tế và đà tăng lợi nhuận”, Dean Tenerelli, Giám đốc danh mục đầu tư của quỹ quản lý tài sản T. Rowe Price ở London, nói.

Nhiều công ty đa quốc gia hạ mục tiêu kinh doanh

Mối đe dọa đối với lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ đã bộc lộ rõ trong mùa báo cáo tài chính vừa qua. Đồng đô la Mỹ tăng mạnh trong năm nay đã tác động đến các công ty đa quốc gia của Mỹ vì họ quy đổi doanh thu ở các thị trường nước ngoài về đồng đô la. Từ hãng Apple cho đến hãng thực phẩm Kellogg’s giải trình trong các báo cáo kết quả kinh doanh gần đây rằng đồng đô la tăng 4% trong năm nay đã ảnh hưởng đến lợi nhuận và doanh thu của họ ở thị trường mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Ấn Độ.

Ngay cả Apple, công ty giá trị nhất thế giới cũng đang có những dấu hiệu suy giảm tăng trưởng. Hôm 1-11, Apple cho biết doanh thu ba tháng cuối năm nay của công ty sẽ thấp hơn mức dự báo của giới phân tích một phần là do đồng đô la tăng giá mạnh. “Đồng tiền ở các thị trường mới nổi suy yếu nhanh trong thời gian gần đây. Trong một số trường hợp, điều này khiến chúng tôi phải tăng giá bán, do đó, các thị trường này sẽ không tăng trưởng như mong đợi của chúng tôi”, Giám đốc điều hành Apple Tim Cook nói vào hôm 1-11.

Tuần trước, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) hạ mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trong năm tài chính hiện nay vì sự cạnh tranh gay gắt của thuốc gốc (generic drug) và sự suy yếu của đồng euro cũng như một số đồng tiền của các thị trường mới nổi.

Công ty đa quốc gia 3M (Mỹ), nhà sản xuất keo công nghiệp và băng dính, cũng hạ dự báo lợi nhuận năm nay do doanh thu tăng trưởng chậm hơn trong quí 3 khi đô la Mỹ tăng giá. Nỗi lo về lợi nhuận tương lai của các doanh nghiệp Mỹ càng nặng trĩu khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến nhiều mặt hàng tăng giá và có thể làm nhu cầu suy giảm.

Trong khi tăng trưởng lợi nhuận là động lực mạnh mẽ nhất để thúc đẩy giá cổ phiếu, có những yếu tố khác có thể hỗ trợ giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Chẳng hạn, các chương trình mua lại cổ phiếu trên sàn của các công ty đại chúng ở Mỹ có thể tăng tốc trong những tháng tới và các nhà đầu tư nước ngoài có thể rót tiền nhiều hơn để mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Do vậy, các nhà phân tích kỳ vọng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tiếp tục tăng dù chậm. Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch dự báo chỉ số S&P 500 sẽ tăng lên 3.000 điểm vào cuối năm nay so với mức 2.723 điểm vào hôm 2-11, tức tăng khoảng 10%. Trong khi đó, Ngân hàng Goldman Sachs dự báo đến cuối năm 2018, chỉ số S&P 500 sẽ đạt 2.850 điểm, tức tăng chưa đến 5% so với mức hiện nay. Ở chiều hướng bi quan hơn, ngân hàng Morgan Stanley cho rằng chỉ số S&P 500 chỉ đạt 2.750 điểm vào giữa năm 2019.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới