Thứ Hai, 7/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Lợi nhuận ‘ông lớn’ hàng không cất cánh’ trong nửa đầu năm

Bình An

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG) - Doanh thu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trong quí 2-2024 tiếp tục đà đi lên so với cùng kỳ nhờ sự phục hồi của lượng khách quốc tế. Xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì trong nửa cuối năm nay.

Thu nhập từ lãi của ACV đang có xu hướng giảm dần do ACV đang đẩy nhanh đầu tư vào các dự án lớn như Sân bay quốc tế Long Thành. Ảnh: MINH HOÀNG

Lượng hành khách quốc tế hồi phục mạnh

ACV là một tên tuổi lớn trên sàn chứng khoán. Công ty này phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào tháng 11-2015 và niêm yết tại sàn UpCom vào ngày 21-11-2016 với giá tham chiếu 25.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng định giá ban đầu hơn 54.000 tỉ đồng (khoảng 2,3 tỉ đô la Mỹ). Sau hơn bảy năm thăng trầm trên thị trường chứng khoán, giá trị vốn hóa của “ông trùm” cảng hàng không đã tăng gấp 3 lần.

Trong giai đoạn 2015-2019, ACV đã mở rộng công suất đáng kể từ 71,1 triệu hành khách/năm vào năm 2015 lên khoảng 115 triệu hành khách/năm vào năm 2019 nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch bằng đường hàng không đang phát triển tại Việt Nam. ACV đang nắm độc quyền cung cấp các dịch vụ hàng không cho các hãng bay trong và ngoài nước như dịch vụ an ninh, dịch vụ mặt đất, phục vụ hành khách, cất cánh và hạ cánh… ACV được giao quản lý, điều phối hoạt động và đầu tư khai thác toàn bộ hệ thống 22 cảng hàng không trên toàn lãnh thổ Việt Nam bao gồm chín sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa.

ACV hiện có hai công ty con là Dịch vụ Nhiên liệu Hàng không Nội Bài (NAFSC) và Dịch vụ Bảo dưỡng máy bay Cảng hàng không Miền Nam (SAAM). Ngoài ra, ACV còn có 10 công ty liên kết, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hàng không, trong đó có nhiều cái tên trên sàn chứng khoán như Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO - mã SAS), Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS - SGN), Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS)… ACV cũng đang là chủ đầu tư của nhiều dự án hàng không, với tổng mức đầu tư các dự án đang triển khai hơn 133.000 tỉ đồng. Trong đó, đáng chú ý nhất là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Về mặt cơ bản, ước tính lợi nhuận trước thuế của ACV sẽ tăng khoảng 38% trong năm 2024 và tăng 20% trong giai đoạn 2025-2026 dựa trên giả định lượng hành khách quốc tế sẽ tiếp tục tăng 15% mỗi năm từ năm 2025, sau khi hoàn toàn trở lại mức trước đại dịch Covid-19 vào năm 2024.

Về tình hình kinh doanh, doanh thu của ACV trong quí 2-2024 tiếp tục đi lên so với cùng kỳ nhờ sự phục hồi của lượng khách quốc tế. Cụ thể, tổng lượng hành khách qua cảng của ACV đạt 26,8 triệu hành khách (giảm 8,3% so với cùng kỳ), chủ yếu do lượng hành khách nội địa giảm (giảm 22%) vì thiếu máy bay, trong khi lượng hành khách quốc tế tăng mạnh 30,3%, đạt 10 triệu khách.

Theo đó, lượng hành khách quốc tế trong nửa đầu năm 2024 đạt 20 triệu khách, tương đương với mức trước đại dịch Covid-19. Đây là điều khá tích cực khi thực tế khách du lịch đến từ Trung Quốc hiện mới chỉ đạt 83% mức trước đại dịch Covid-19, do đó vẫn còn dư địa để tăng trưởng trong nửa cuối năm. Trên cơ sở đó, doanh thu quí 2-2024 của ACV tăng 12,3% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng trưởng về lượng do doanh thu bình quân trên mỗi khách cao hơn đối với hành khách quốc tế.

Với lợi nhuận gộp đạt 3.500 tỉ đồng (tăng 17%), biên lợi nhuận gộp của ACV đã cải thiện lên mức 62,5% (tăng 2,5 điểm phần trăm), nhờ doanh thu bình quân trên mỗi hành khách cao hơn, trong khi chi phí tương đối ổn định. ACV cũng ghi nhận khoản lãi tỷ giá không phải tiền mặt là 434 tỉ đồng từ khoản vay vốn ODA bằng yen Nhật, khi đồng tiền này mất giá mạnh trong quí 2 vừa qua. Tính chung sáu tháng đầu năm, khoản lãi tỷ giá này đạt tổng cộng 517 tỉ đồng (trong khi nửa đầu năm 2023 lỗ 300 tỉ đồng).

Một điểm cần lưu ý nữa là thu nhập từ lãi của ACV đang có xu hướng giảm dần (từ hơn 400 tỉ đồng trong các quí trước xuống còn hơn 200 tỉ đồng trong quí 2-2024), do ACV đang đẩy nhanh đầu tư vào các dự án lớn như Sân bay quốc tế Long Thành (100.000 tỉ đồng) và Nhà ga số 3 - Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (11.000 tỉ đồng). Tổng kết lại, ACV ghi nhận 4.000 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế trong quí 2-2024 (tăng 23,7%), qua đó đưa lợi nhuận trước thuế lũy kế sáu tháng đầu năm 2024 lên mức 7.600 tỉ đồng (tăng 45%).

Biến động đồng yen không quá đáng ngại

Theo Công ty Chứng khoán SSI, biến động tăng giá gần đây của đồng yen do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đột ngột tăng lãi suất sẽ có những tác động nhất định đến ACV. Cụ thể, đồng yen đã tăng hơn 9%, lên mức quanh 170 đồng/yen, đưa tỷ giá yen/tiền đồng trở lại mức tương đương hồi đầu năm 2024. ACV hiện có khoản vay bằng yen khoảng 11.000 tỉ đồng, đồng nghĩa với việc khi yen tăng giá 1% so với tiền đồng sẽ dẫn đến khoản lỗ tỷ giá 110 tỉ đồng. Do đó, nếu tỷ giá yen/tiền đồng hiện tại được giữ nguyên cho đến cuối năm nay, ACV sẽ phải ghi nhận khoản lỗ tỷ giá khoảng 500 tỉ đồng trong nửa cuối năm 2024, và mất hết khoản lãi tỷ giá từ đầu năm.

Mặc dù vậy, biến động của đồng yen sẽ không gây quá nhiều bất lợi đến ACV về mặt lợi nhuận kế toán nếu nhìn vào báo cáo kết quả kinh doanh của năm 2024. Ngay cả trong trường hợp nếu yen tăng giá thêm 5%, khoản lỗ tỷ giá 500 tỉ đồng vẫn khá nhỏ so với mức lợi nhuận trước thuế hiện tại của công ty là 14.000-15.000 tỉ đồng/năm và đang tiếp tục tăng lên.

Trên thị trường chứng khoán, tính từ vùng đỉnh 137.000 đồng/cổ phiếu, hiện giá cổ phiếu ACV đã giảm khoảng 20%, về quanh mức 110.000 đồng/cổ phiếu. Về mặt cơ bản, ước tính lợi nhuận trước thuế của ACV sẽ tăng khoảng 38% trong năm 2024 và tăng 20% trong giai đoạn 2025-2026 dựa trên giả định lượng hành khách quốc tế sẽ tiếp tục tăng 15% mỗi năm từ năm 2025, sau khi hoàn toàn trở lại mức trước đại dịch Covid-19 vào năm 2024. Với kết quả kinh doanh khả quan trong nửa đầu năm 2024, lợi nhuận cho cả năm 2024 của ACV dự báo có thể ở mức 14.500 tỉ đồng.

Trên cơ sở đó, mức giá mục tiêu cho một năm tới của cổ phiếu ACV mà nhiều công ty chứng khoán đưa ra là quanh 140.000 đồng/cổ phiếu. Một số rủi ro đối với khuyến nghị trên là tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, dẫn đến nhu cầu đi lại không thiết yếu của du lịch nước ngoài thấp hơn, qua đó gây ảnh hưởng đến tăng trưởng hành khách quốc tế và lợi nhuận của ACV.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới