Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lợi nhuận từ tín dụng của ngân hàng tăng mạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lợi nhuận từ tín dụng của ngân hàng tăng mạnh

Thủy Triều

Lợi nhuận từ mảng tín dụng của nhiều ngân hàng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG Online) – Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2010 của nhiều ngân hàng cho thấy lợi nhuận của ngân hàng ở mức khá cao. Điểm chung của các báo cáo này là lợi nhuận từ hoạt động tín dụng tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước và vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng lợi nhuận của các ngân hàng.

Thu nhập từ lãi cho vay tăng mạnh

Sáu tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đạt gần 823 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thu nhập thuần từ lãi cho vay của ngân hàng này lũy kế 6 tháng đầu năm là 1.155 tỉ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm năm ngoái và chiếm hơn 80% tổng thu nhập từ các hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Trong khi đó, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng này đạt hơn 114 tỉ đồng, mặc dù tăng mạnh gần 50% so với cùng kỳ năm trước nhưng thu nhập từ mảng dịch vụ chỉ chiếm 8,4% tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Theo các chuyên gia ngân hàng, các ngân hàng đạt mức lợi nhuận khả quan từ hoạt động tín dụng trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt trong quí 2, là nhờ vào việc được áp dụng lãi suất thỏa thuận cho các khoản vay, tức có thể cao hơn mức trần là 150% lãi suất cơ bản; trong khi năm 2009, các khoản cho vay tiêu dùng đều phải cho vay với mức lãi suất như cho vay sản xuất kinh doanh.

Thêm vào đó, sở dĩ doanh thu thuần từ mảng tín dụng của các ngân hàng tăng mạnh về con số tương đối so với năm 2009 là do trong năm 2009 thu nhập từ mảng hoạt động này của các ngân hàng rất thấp chủ yếu đến đến từ các nguồn như kinh doanh trái phiếu, sàn vàng…

Đồng thời, mặc dù tăng trưởng tín dụng bằng tiền đồng trong nửa đầu năm của các ngân hàng thấp, nhưng tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ lại rất cao, đến 27% so với cuối năm 2009, nên thu nhập từ lãi của các ngân hàng nhìn chung là khả quan hơn năm 2009.

Đối với ngân hàng Vietcombank, báo cáo tài chính của ngân hàng này cho biết lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm đạt đến 2.146 tỉ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, thu nhập thuần từ lãi cho vay của ngân hàng này tăng đến 40,7% so với năm trước, đạt mức 4.190 tỉ đồng trong khi thu nhập từ mảng dịch vụ của ngân hàng này chỉ tăng 15%.

Một ngân hàng vừa cổ phần hóa là Vietinbank cũng đưa ra số liệu khả quan về lợi nhuận với 2.662 tỉ đồng lãi trước thuế trong 6 tháng đầu năm, đạt hơn 66% chỉ tiêu lợi nhuận năm nay của ngân hàng.

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của Sacombank, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này cũng tăng gần 50%, đạt mức 1.029 tỉ đồng với thu nhập thuần từ hoạt động tín dụng có mức tăng trưởng gần 30%, trong khi tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chỉ là 19%.

Cổ phiếu ngân hàng thiếu hấp dẫn trong ngắn hạn

Tuy nhiên, sau khi các ngân hàng công bố các con số khả quan về lợi nhuận, nhà đầu tư vẫn dửng dưng với loại cổ phiếu từng được mệnh danh là “cổ phiếu vua” trên thị trường chứng khoán và giá cổ phiếu của các ngân hàng niêm yết trên sàn vẫn tiếp tục giữ mức giá như hiện nay.

Ông Lê Văn Thanh Long, chuyên viên phân tích của Công ty chứng khoán SME, nhận định rằng nếu chỉ xét đơn thuần về các chỉ số tài chính thì kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các ngân hàng đã thể hiện nỗ lực vượt bậc của khối ngân hàng thương mại trong điều kiện kinh tế chưa thật sự ổn định và tăng trưởng tín dụng thấp. “Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng đang ở mức 150-200% so với toàn nền kinh tế là một tín hiệu tích cực cho toàn ngành”, ông nói.

Tuy nhiên, ông Long cho rằng nếu xét thêm khía cạnh tăng vốn của ngân hàng thì mức độ tăng trưởng lợi nhuận như trên chưa đủ để bù đắp độ pha loãng của cổ phiếu ngân hàng hiện nay. Thu nhập trên cổ phiếu (EPS) của ngành ngân hàng đang giảm xuống rõ rệt và điều đó cũng góp phần làm cho cổ phiếu ngân hàng kém hấp dẫn so với các ngành khác hiện nay.

Đánh giá về giá của cổ phiếu ngân hàng trong các tháng còn lại của năm, ông Long cho rằng giá cổ phiếu của ngân hàng vừa phản ánh giá trị của các ngân hàng, nhưng lại vừa chịu ảnh hưởng của chung từ thị trường chứng khoán vì ngành ngân hàng chiếm tỷ trọng đáng kể trên thị trường.

Thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm sẽ khó có thể tăng trưởng mạnh được vì nhiều lý do như cung cổ phiếu quá nhiều trong khi dòng tiền đầu tư suy yếu, chính sách tiền tệ chưa cho thấy xu hướng nới lỏng sẽ tiếp tục làm nản lòng các nhà đầu tư ngắn hạn, làm tăng thêm áp lực bán cổ phiếu trong ngắn hạn…

Thêm vào đó, áp lực tăng vốn lớn đối với các ngân hàng vào cuối năm sẽ khiến cho nhiều nhà đầu tư e dè và nhiều người trong số họ chọn giải pháp tạm thời bỏ qua nhóm cổ phiếu ngân hàng trong ngắn hạn. Hơn nữa, kết quả kinh doanh của các ngân hàng dẫu tốt vẫn không có nhiều đột biến nên giá cổ phiếu ngân hàng từ nay đến cuối năm có lẽ đi ngang quanh mức giá hiện nay là chủ yếu, chưa có sức hấp đối với đầu tư ngắn hạn, ông Long nhận định. Hiện giá giao dịch của các ngân hàng trên sàn chứng khoán dao động từ 18.000 – 40.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, đánh giá về tầm nhìn trung dài hạn (từ 3-5 năm), ông Long cho rằng cổ phiếu ngân hàng vẫn sẽ là loại cổ phiếu được chú ý, vì ngân hàng vẫn là một ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế.

Ông Andy Ho, Giám đốc đầu tư của Công ty quản lý quỹ đầu tư VinaCapital cũng có cái nhìn lạc quan về triển vọng ngành ngân hàng trong tương lai. VinaCapital đã thống kê rằng các ngân hàng mạnh sẽ có tốc độ phát triển cao gấp 3 – 4 lần tốc độ tăng trưởng GDP trong giai đoạn kinh tế phát triển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới