Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lối ra nào cho nợ công?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lối ra nào cho nợ công?

Ngọc Lan

Lối ra nào cho nợ công?
Các dự án vay vốn ODA sử dụng kém hiệu quả, đội vốn (như dự án đường sắt trên cao Nhổn- ga Hà Nội trong hình) là minh chứng cho việc gáng nặng nợ công ngày càng trở nên rủi ro cho nền kinh tế. Ảnh:TL

(TBKTSG Online) – Nợ công của Việt Nam đã gia tăng với tốc độ khá nhanh trong vòng 5 năm trở lại đây và có chỉ số đã vượt giới hạn cho phép như nợ Chính phủ. Các cảnh báo về vấn đề này và lối ra luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu.

Theo báo cáo của Cục quản lý nợ (Bộ Tài chính) được công bố tại một hội thảo về nhận diện nợ công do Trường đại học kinh doanh và công nghệ Hà Nội tổ chức hôm qua, 18-5, tốc độ nợ công đang tăng nhanh (từ 50,7% năm 2010 lên 62,2% năm 2015) và tiệm cận giới hạn cho phép, xuất phát chủ yếu từ áp lực huy động vốn vay cho đầu tư phát triển kinh tế – xã hội và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng mạnh.

Chi phí huy động vốn có xu hướng tăng khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Từ khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2009 đã có sự thay đổi đáng kể về điều kiện vay vốn nước ngoài theo hướng giảm kỳ hạn từ 10-15 năm, còn chi phí huy động vốn tăng gấp đôi so với trước đây.

Nhiều bất cập

Việc huy động, sử dụng vốn vay còn dàn trải, vẫn còn tư tưởng dựa vào sự bao cấp của Nhà nước nên phê duyệt quá nhiều dự án, tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu, điều chỉnh các hợp đồng diễn ra khá phổ biến, tổ chức thực hiện một số dự án còn bất cập, nhất là khâu chuẩn bị đầu tư, thẩm định, phê duyệt lựa chọn nhà thầu, công tác đền bù, di dân giải phóng mặt bằng.

Hàng loạt doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoặc các doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối được sử dụng các nguồn vốn vay ưu đãi, vốn vay ODA song sử dụng không hiệu quả, dẫn đến không có khả năng trả nợ, như các dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, dự án nhà máy Đạm Ninh Bình, các dự án của Vinashin trước đây… là những ví dụ cụ thể.

Các công cụ quản lý nợ còn thiếu, chưa đảm bảo chủ động. Đồng thời, chưa có các chế tài để đảm bảo việc tuân thủ khiến trong nhiều trường hợp, huy động vốn vay thoát ly kế hoạch đã được phê duyệt dẫn đến hiệu quả, hiệu lực của các công cụ quản lý nợ còn thấp

Công tác quản lý nợ công còn phân tán, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương gây khó khăn cho việc thống nhất quản lý nợ công, chủ động trả nợ, giám sát và kiểm soát rủi ro các chỉ tiêu an toàn nợ công theo quy định của pháp luật.

Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung cũng đồng tình với những nhận định về hệ lụy của nợ công đối với nền kinh tế hiện nay là rất lớn. Ông nhấn mạnh rằng thâm hụt ngân sách có vẻ nghiêm trọng hơn từ năm 2009 đến nay song không đi kèm với tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế kéo theo nợ công tăng mạnh.

Áp lực của nợ công đã dẫn đến khó khăn trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô như nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh nên Chính phủ phát hành trái phiếu để đảo nợ nhiều hơn. Nguồn lực cho đầu tư công sẽ giảm đi do gánh nặng lãi vay.

Hệ quả của nó là chèn lấn đối với tín dụng tư nhân do các đợt phát hành trái phiếu của Chính phủ có mức lãi suất cạnh tranh với lãi suất của các ngân hàng và hút vốn vay của ngân hàng sang kênh trái phiếu thay vì cho vay sản xuất.

Điều này, theo ông Cung, còn ảnh hưởng đến khả năng chống đô la hóa do người dân mất niềm tin với đồng nội tệ. Mức độ đô la hóa giảm chậm trong thời gian gần đây cũng đang được nhìn nhận như một biểu hiện của chính sách chống đô la hóa đã đến giới hạn.

Đi tìm giải pháp

Do vậy, thời gian tới sẽ cần những chính sách mạnh hơn để giảm hệ lụy từ chính sách tài khóa, trong đó có nợ công. Nếu không, sức ép có thể dồn sang các chính sách khác như chính sách tiền tệ, xuất nhập khẩu…trong khi bản thân các chính sách này có thể cũng đến giới hạn.

Cũng tại cuộc hội thảo này, đại diện của Ngân hàng thế giới (WB) nhận định, trong môi trường nợ công rủi ro như hiện nay thì điều kiện thiết yếu là một chiến lược dựa trên phân tích, chi phí rủi ro để làm nền cho các quyết định vay mượn thay vì vay mượn tràn lan như trước.

Cục quản lý nợ (Bộ Tài chính) cam kết rằng sẽ cùng các cơ quan có liên quan tập trung kiểm soát các chỉ số nợ trong giới hạn cho phép, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia, trong đó có việc tăng cường phát triển thị trường vốn trong nước cả về chiều rộng lẫn chiều sâu nhằm đa dạng hóa kỳ hạn phát hành, tập trung phát hành TPCP kỳ hạn từ 5 năm trở lên, phấn đấu kéo dài kỳ hạn bình quân danh mục nợ trái phiếu Chính phủ 2016-2020 lên 6-8 năm, đảm bảo huy động vốn phù hợp với khả năng hấp thụ và nhu cầu của thị trường.

Mặt khác sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiến độ giải ngân số vốn ODA đã ký kết đối với các chương trình, dự án chuyển tiếp, đẩy mạnh công tác chuẩn bị dự án ODA mới; xây dựng cơ chế huy động vốn vay kém ưu đãi hơn từ các nguồn IBRD/OCR để tạo bước đệm trong chuyển đổi phương thức huy động vốn vay ODA, vay ưu đãi sang vay theo điều kiện thị trường sau khi tốt nghiệp IDA.

Cũng theo Cục quản lý nợ, sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, hạn chế đầu tư dàn trải, tập trung vào các chương trình dự án có hiệu quả cả về kinh tế và ưu tiên dự án có khả năng trả nợ.

Trước mắt Bộ Tài chính cam kết sẽ tăng cường phân tích, đánh giá về nguồn vay, cơ cấu nợ và kịch bản huy động vốn vay gắn liền với chi phí – rủi ro theo mô hình chuẩn mực của quốc tế; chủ động bố trí nguồn đảm bảo đầy đủ nghĩa vụ trả nợ để tránh nợ quá hạn, đồng thời có chế tài cụ thể quy định nghiệp vụ đảo nợ, tránh bị động trong điều hành chính sách nợ.

Mời xem thêm:

Khi Chính phủ đi vay “nóng”

Gánh nặng sau tỷ giá

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới