Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ xuống thấp kỷ lục
Khánh Huyền
(TBKTSG Online) – Lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống 1,37% – mức thấp nhất kể từ tháng 7-2016. Sự sụt giảm này đã đẩy đường cong lợi suất TPCP Mỹ tiếp tục đảo ngược mạnh.
Các nhà đầu tư đang kỳ vọng vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục giảm lãi suất khi dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, gây áp lực lên kinh tế toàn cầu.
Mỹ cảnh báo đại dịch toàn cầu, phố Wall lao dốc ngày thứ hai liên tiếp
Chứng khoán toàn cầu 'rực lửa' vì mối đe dọa của Covid-19
![]() |
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ ngày 26-2 do tác giả tổng hợp. Nguồn: Bloomberg |
Lợi suất TPCP Mỹ tại hầu hết các kỳ hạn đã giảm so với tháng trước khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc. Lo ngại dịch bệnh khiến giới đầu tư tìm tới các tài sản an toàn, cùng đó là kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong năm nay để hỗ trợ tăng trưởng, đã khiến lợi suất TPCP Mỹ đã liên tiếp giảm sâu, đặc biệt các kỳ trung và dài hạn.
Tuy Chủ tịch Fed, Jerome Powell, vẫn giữ lập trường rằng cần có những phân tích cụ thể về tác động của Covid-19 lên tăng trưởng Mỹ mới có thể đưa ra một quyết định thay đổi lãi suất, song lãi suất TPCP Mỹ vẫn tiếp tục giảm như một sự đặt cược chắc chắn về động thái "diều hâu" từ Fed.
Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm đứng ở mức 1,37%, gần chạm mức thấp nhất 1,31% vào tháng 7-2016, giai đoạn Anh đàm phán Brexit rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Lãi suất giảm mạnh, kỳ hạn 10 năm hiện tại đang thấp hơn 3 tháng ở mức 1,39% khiến đường cong lợi suất TPCP Mỹ tiếp tục đảo ngược mạnh mẽ, sau khoảng một thời có xu hướng đi lên trước khi bệnh dịch xảy ra 1 tháng trước đó.
Sự sụt giảm lãi suất trên thị trường TPCP cũng tương đồng với kỳ vọng của giới đầu tư về việc Fed sẽ giảm lãi suất trong thời gian tới. Ngày 26-2, thị trường dự báo khả năng Fed giảm lãi suất ngay trong cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở liên bang Mỹ (FOMC) ngày 29-4 là khoảng 48%; tăng mạnh so với mức 23,4% thời điểm 1 tuần trước đó. Trong khi khả năng cao Fed vẫn giữ nguyên lãi suất trong tháng 3 tới.
Ngoài ra, lạm phát cũng đang là vấn đề tiêu điểm của Fed khi mục tiêu 2% không đạt được trong một thời gian dài sẽ làm xói mòn niềm tin trong dân chúng và có thể khiến Fed thay đổi mục tiêu lạm phát.
Giới đầu tư đang lo ngại các rủi ro hiện tại sẽ làm giảm tổng cầu trong dài hạn và nguy cơ Fed sẽ phải đối diện với giảm phát. Tỷ lệ lạm phát hoàn vốn 10 năm (10-year breakeven inflation rate) đã liên tục giảm kể từ đầu năm, xuống mức 1,53% vào ngày 25-2 vừa qua đã cho thấy dự tính của thị trường về lạm phát trong dài hạn đang giảm đáng kể.
Diễn biến Covid-19 đang phức tạp khi lan rộng sang nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, những nền kinh tế lớn và có trao đổi thương mại rộng khắp toàn cầu. Áp lực cho tăng trưởng và lạm phát có thể đè nặng lên chính sách tiền tệ, đặc biệt trong bối cảnh dư địa chính sách đang giảm dần sau năm 2019, sự cắt giảm lãi suất mạnh mẽ từ Fed và nhiều quốc gia khác.