Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lợi thế lao động giá rẻ đã tới hạn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lợi thế lao động giá rẻ đã tới hạn

Tư Hoàng

Lợi thế lao động giá rẻ đã tới hạn
Lợi thế về lao động giá rẻ của Việt Nam đang dần tới giới hạn. Ảnh TL SGT.

(TBKTSG Online) – Lợi thế lao động giá rẻ ở Việt Nam đã tới giới hạn, và Việt Nam cần phải gấp rút cải thiện năng suất lao động chứ không thể dựa vào nguồn lao động giá rẻ như trước đây.

Đây là đánh giá của một nghiên cứu về năng suất lao động Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) tiến hành.

Theo nghiên cứu này, một số ngành công nghiệp như khai thác mỏ, công nghiệp chế biến, xây dựng, sửa chữa xe ô tô, xe máy, đồ dùng cá nhân và gia đình… có năng suất lao động cao hơn không đáng kể so với năng suất lao động của toàn xã hội. Do mức tăng năng suất chậm so với mức tăng lương, chi phí về lao động không còn rẻ nữa,

Ví dụ, trong năm 2012, năng suất lao động toàn xã hội theo giá hiện hành là khoảng 62,8 triệu đồng/lao động, trong khi năng suất lao động của ngành công nghiệp chế tạo là 79 triệu đồng và ngành thương nghiệp và sửa chữa là 66,8 triệu đồng/lao động.

Điều này chứng tỏ các ngành có năng suất lao động thấp có mức độ phát triển nhanh hơn nhiều so với những ngành có năng suất lao động cao, vốn là những ngành tận dụng lợi thế lao động nhiều, giá rẻ tại Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Trong năm 2001, năng suất lao động của ngành công nghiệp chế tạo gấp khoảng 2,75 lần năng suất lao động của toàn xã hội, nhưng khoảng cách này chỉ còn khoảng 1,25 lần vào năm 2012.

Bà Đặng Thị Thu Hoài – Phó trưởng ban Chính sách dịch vụ công của CIEM nói: “Đó cũng là dấu hiệu tới hạn của lợi thế lao động giá rẻ ở Việt Nam. Như vậy, giá cả lao động thấp, một trong những lợi thế của Việt Nam thời gian qua, đã không còn.”

Bà Hoài cảnh báo, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ không có cách nào khác là phải gia tăng chất lượng lao động và thúc đẩy sự phát triển những ngành có năng suất lao động cao, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ công nghệ hơn nữa trong sản xuất, kinh doanh.

Điều này trùng hợp với thực tế gia tăng tiền công hiện nay ở Việt Nam, cao hơn Lào, Campuchia và cả Indonesia.

Theo CIEM, năm 2013, năng suất lao động chung của toàn xã hội còn thấp, bình quân mỗi lao động tạo ra khoảng 48,72 triệu đồng, tăng hơn 20 triệu đồng so với năm 2001, tính theo giá so sánh năm 2010.

CIEM trích dẫn số liệu của The Conference Board Total Economy Database cho biết, so với các nước trên thế giới, năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp. Tính theo giá đô la Mỹ năm 1990, năng suất lao động của Việt Nam năm 2010 đạt 5.880 đô la Mỹ, bằng 13,2% mức năng suất lao động của Nhật Bản, 23,3% của Malaysia, 12% của Singapore, 13,3% của Hàn Quốc, 46,5% của Trung Quốc, 37% của Thái Lan và 69,9% của Philippines.

Gần đây, báo cáo của ILO và ADB (2014) đã công bố năng suất lao động của Việt Nam vẫn nằm trong số những nước thấp nhất trong khu vực ASEAN, đạt 5.440 đô-la Mỹ năm 2013 (PPP, giá so sánh năm 2005), cao hơn các nước Lào, Campuchia, Miến Điện, nhưng thấp hơn nhiều so với các nước trung bình của ASEAN như Philippnies, Thái Lan.

Tuy nhiên, nghiên cứu của CIEM nhận xét, trong giai đoạn 2007 -2013 dù năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp nhưng đã có một số bước cải thiện.

Số liệu thống kê cho thấy nếu như 2007 mức năng suất lao động bình quân của các nước ASEAN là 9.173 đô la  Mỹ, gấp 2,12 lần so với năng suất lao động của Việt Nam thì đến năm 2013 tỷ lệ này đã giảm xuống còn 1,98 lần.

Tỷ lệ chênh lệch này của Việt Nam này đã giảm từ 21,35 lần xuống 18,03 lần so với Singapore, 3 lần xuống 2,71 lần so với Thái Lan, và từ 2,04 lần xuống 1,84 lần so với Phillippines trong giai đoạn 2007 và 2013.

Năng suất lao động thấp cũng là các quan ngại chính của giới đầu tư nước ngoài khi đối thoại với Chính phủ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Gaurav Gupta, Chủ tịch Amcham trích dẫn từ nguồn McKinsey Global Institute, cho biết, sản lượng sản xuất hàng năm bình quân đầu người của Việt Nam là 3.800 đô la Mỹ/năm, thấp hơn nhiều so với 14.200 đô la của Indonesia, 16.500 đô la Mỹ của Philippines, 21.200 đô la Mỹ của Thái Lan, 33.200 đô la Mỹ của Malaysia và 57.100 đô la Mỹ của Trung Quốc.

Ông nói: “Thách thức về năng suất lao động này, cùng với sự phát triển chậm chạp của lực lượng lao động lành nghề, có thể đe dọa đến sự tăng trưởng liên tục của Việt Nam. Lợi thế của chi phí lao động thấp của Việt Nam bị giảm đi”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới