Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lối thoát nào cho tình trạng đầu tư thua lỗ ở nước ngoài?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lối thoát nào cho tình trạng đầu tư thua lỗ ở nước ngoài?

Phan Đình Mạnh

(TBKTSG Online) – Tình trạng thua lỗ trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam đã gợi lên câu hỏi về tính bền vững cũng như lợi ích về chiến lược nhằm biến đầu tư ra nước ngoài thành nhân tố bổ trợ cho nền sản xuất trong nước.

Lối thoát nào cho tình trạng đầu tư thua lỗ ở nước ngoài?
Cần có chính sách thúc đẩy các loại hình đầu tư để có thể tiếp cận nguồn công nghệ cao, nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp bù đắp cho sự thiếu hụt của nguồn lực công nghệ trong nước. Ảnh: Tư liệu TBKTSG

Thua lỗ hàng tỉ đô la

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2019, Việt Nam có 1.321 dự án đầu tư ra nước ngoài có hiệu quả với vốn đăng ký 20,6 tỉ đô la Mỹ. Đến thời điểm cuối năm 2019, vốn thực hiện là 9,49 tỉ đô la.

Đầu tư của các công ty Việt Nam đã xuất hiện tại 78 quốc gia/vùng lãnh thổ trên năm châu lục, trong đó khu vực lớn nhất là Lào, Nga, Campuchia, Venezuela và Myanmar… Tập trung vốn lớn nhất vào ngành dầu khí, chiếm 38,4% tổng vốn đầu tư nước ngoài. Nông, lâm, thủy sản chiếm 15,3%; viễn thông và công nghệ thông tin 12,8%; thủy điện 7,2%…

Về hiệu quả đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết lợi nhuận chuyển về nước của các doanh nghiệp có hoạt động đầu tư tại nước ngoài tính đến nay đạt khoảng 3 tỉ đô la, lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư khoảng 363 triệu đô la.

Xét riêng hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, theo Bộ Tài chính, đến hết năm 2018 có 116 dự án đầu tư của 20 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký khoảng 12 tỉ đô la, vốn đầu tư thực hiện luỹ kế khoảng 5,8 tỉ đô la.

Trong năm 2018, doanh thu của các dự án đã có báo cáo là 4,25 tỉ đô la, giảm 4% so với năm 2017. Lợi nhuận được chia của các nhà đầu tư Việt Nam là 186,6 triệu đô la, giảm gần 10% so với năm 2017. Cũng trong năm này, có 49 dự án lỗ lũy kế với số lỗ lên đến 1,15 tỉ đô la trong lúc nhiều dự án khác chưa báo cáo doanh thu, lợi nhuận.

Thực tế của hoạt động đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đã gợi lên câu hỏi về tính bền vững cũng như lợi ích về chiến lược nhằm biến đầu tư ra nước ngoài thành nhân tố bổ trợ cho nền sản xuất trong nước.

Doanh nghiệp nên theo đuổi hình thức đầu tư nào?

Có hai hình thức chính mà doanh nghiệp thường theo đuổi khi đầu tư ra nước ngoài. Hình thức thứ nhất là khai thác nguồn lực mà doanh nghiệp đang có tại thị trường nước ngoài.

Chẳng hạn, Đài Loan hoặc Hàn Quốc đầu tư ra nước ngoài bằng cách tận dụng nguồn vốn và mạng lưới công nghiệp mà doanh nghiệp của nền kinh tế này có sẵn để khai thác thị trường nước ngoài vốn có chi phí nhân công rẻ. Sau đó, sản phẩm này sẽ được tiêu thụ tại nước nhận đầu tư hay xuất khẩu trở lại Hàn Quốc và Đài Loan hoặc nước thứ ba.

Hình thức thứ hai thường dành cho các hoạt động đầu tư chiến lược và hướng đến các nguồn lực đặc biệt của nước nhận đầu tư. Khi đó, nước nhận đầu tư thường sở hữu nguồn lực quý hiếm như nguồn công nghệ cao, nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật cao.

Hình thức đầu tư này nhắm vào hoạt động nghiên cứu và phát triển để đổi mới quy trình kỹ thuật và sản xuất của công ty hay đổi mới sản phẩm. Sau đó, những nguồn kiến thức được tích lũy này sẽ được đầu tư cho các hoạt động sản xuất của công ty này trên toàn thế giới.

Đây thường là hoạt động từ các nước đang phát triển vào nước phát triển hoặc từ nước phát triển này sang nước phát triển khác để học hỏi. Chẳng hạn các công ty của Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) hay Mỹ đầu tư vào khâu nghiên cứu và phát triển tại Anh Quốc.

Một phiên bản khác của hoạt động đầu tư chiến lược là doanh nghiệp đầu tư vào nước có thị trường tiêu dùng khó tính hơn, tinh tế hơn và có chi tiêu cao hơn để làm một kênh “nghe ngóng” và quan sát thị trường. Tại đây, doanh nghiệp có thể thực hiện các cuộc khảo sát thị trường, tiếp thị và lập đội sales tại các thị trường trọng điểm để tạo điều kiện xuất khẩu sản phẩm từ nước mình vào nước sở tại.

Tiêu biểu cho trường hợp này là các công ty công nghệ thông tin đầu tư vào các thị trường lớn như FPT đầu tư vào Nhật Bản; hay các ngân hàng đầu tư mở chi nhánh tại các quốc gia có hoạt động làm ăn của nước mình nhằm tạo thuận lợi cho các giao dịch của các công ty nước mình với nước sở tại.

Qua sơ lược về các hình thức đầu tư, có thể thấy đối với các quốc gia đang phát triển, do nguồn lực, đặc biệt nguồn tài chính, là hạn hẹp nên doanh nghiệp cần hạn chế đầu tư ra nước ngoài theo dạng thứ nhất nhằm tránh gây thất thoát nguồn vốn đầu tư. Đây là hình thức đầu tư không tạo ra giá trị gia tăng nhiều và không mang tính hỗ trợ phát triển các nguồn lực quan trọng cho doanh nghiệp như nghiên cứu, công nghệ và khoa học hay các kiến thức về thị trường lớn và dẫn đầu để hàng hóa xuất khẩu có thể xâm nhập.

Làm sao để tránh thất thoát đầu tư?

Số liệu về FDI ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam cho thấy hầu hết các dự án này đều nằm ở dạng thứ nhất, nghĩa là đầu tư để khai thác (ngoại trừ trường hợp đầu tư nhằm mục tiêu nghiên cứu và phát triển của Viettel tại Nga, Mỹ và Pháp). Bên cạnh đó, hầu hết các dự án đầu tư đều là sang các nước có cùng lợi thế cạnh tranh với Việt Nam và đầu tư vào những ngành mà tại Việt Nam cũng đang khát vốn.

Do vậy, cần có chiến lược để chuyển hướng đầu tư. Các chiến lược mà công ty có thể thực hiện nhằm đạt được mục tiêu chiến lược trong đầu tư ra nước ngoài gồm có:

Thứ nhất là mua lại các công ty đang trong trình trạng phá sản do thiếu vốn hay thiếu thị trường tiêu thụ nhưng sở hữu nguồn công nghệ quan trọng. Chiến lược này đã từng được các công ty “đến sau” từ Hàn Quốc thực hiên trong ngành công nghiệp tàu thủy khi họ mua lại các công ty tàu thủy sắp phá sản của Scotland. Nhờ kinh nghiệm đóng những chiếc tàu lớn của đối tác mà các công ty công nghiệp của Hàn Quốc đã tiếp cận được khả năng đóng đàu hàng đầu thế giới mà họ có thể mất rất lâu để tích lũy.

Chiến lược này còn được thực hiện thành công bởi Trung Quốc khi các công ty của nước này đầu tư (dạng cổ phần) vào hoạt động nghiên cứu và phát triển tại các nước châu Âu và Mỹ, hay mua lại các công ty sắp phá sản để tiếp cận nguồn lực công nghệ hàng đầu tại đây.

Chiến lược thứ hai dành cho mục tiêu tạo tiền đề cho doanh nghiệp nội địa thâm nhập thị trường. Chiến lược này thường được thực hiện do doanh nghiệp trong nước không thể nắm bắt hoặc giải quyết các vấn đề với khách hàng nếu chỉ thực hiện thông qua hình thức xuất khẩu.

Do vậy, doanh nghiệp phải mở các chi nhánh, nơi đóng vai trò như văn phòng đại diện tại nước sở tại để tham gia vào các hoạt động cơ bản mang tính đại diện như xử lý khiếu nại từ khách hàng/đối tác, nghiên cứu nhằm nắm bắt tâm lý thị trường… Các ví dụ của trường hợp này có thể kể đến như một số công ty Hàn Quốc đặt cơ sở tại Thung Lũng Silicon để nắm bắt xu hướng sản xuất cũng như công nghệ tại Mỹ.

Đối với nhà quản lý, cần có chính sách thúc đẩy các loại hình đầu tư có thể tiếp cận nguồn công nghệ cao, nguồn nhân lực chất lượng cao để doanh nghiệp tận dụng nguồn lực quý này, bù đắp cho sự thiếu hụt của nguồn lực công nghệ trong nước. Theo đó, chính sách cần nghiên cứu tổng thể nền sản xuất trong nước, xem đâu là những hạn chế của nền công nghiệp nội địa để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài nhằm phát triển thêm nguồn lực mới, tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới