Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lòng vòng truy thu thuế xăng dầu tạm nhập, tái xuất

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lòng vòng truy thu thuế xăng dầu tạm nhập, tái xuất

Lan Nhi

Lòng vòng truy thu thuế xăng dầu tạm nhập, tái xuất
Xăng dầu tạm nhập tái xuất nay vẫn được tách bồn đề trộn với xăng dầu tiêu thụ nội địa. Ảnh : Phạm Thái.

(TBKTSG Online)- Số thuế xăng dầu gần 300 tỉ đồng do 9 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh năm 2012 chuyển từ tạm nhập-tái xuất sang tiêu thụ nội địa đến nay vẫn chưa truy thu được hết do doanh nghiệp yêu cầu xem xét lại, còn Hải quan kiên quyết truy thu.

Hôm 6-6, Tổng cục Hải quan ký hàng loạt văn bản gửi các đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc quyết định ấn định thuế đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất không hết chuyển tiêu thụ nội địa.

Văn bản này cho biết việc truy thu thuế là  thực hiện theo đúng quy định và chỉ đạo của Thủ tướng và đề nghị các doanh nghiệp chấp hành nộp thuế vào ngân sách đúng thời hạn.

Tổng cục Hải quan cho rằng Bộ Tài chính đã có công văn xin ý kiến Thủ tướng từ tháng 2/2013 và được cho phép thực hiện áp dụng thời điểm tính thuế theo thời điểm thay đổi loại hình nhập khẩu (từ tạm nhập tái xuất sang tiêu thụ nội địa).

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan (hôm 5/4/2012) căn cứ vào quy định và kết quả kiểm tra sau thông quan, tiến hành truy thu đối với doanh nghiệp có các lô hàng loại trên trong năm 2012.

Một trong số cục hải quan ấn định thu thuế, ví dụ như Cục Hải quan Hà Nội, giữa tháng 5 cũng từ chối việc xem xét lại mức truy thu thuế mà các doanh nghiệp đề nghị. Cục Hải quan Hà Nội đề nghị doanh nghiệp phải chấp hành bởi nơi này đã xem xét hồ sơ thực tế , ví dụ như xem xét hồ sơ của Công ty xăng dầu khu vực II-TNHH một thành viên thuộc Tập đoàn xăng dầu (Petrolimex) rồi mới ấn định thuế. Nơi này cũng cho rằng nếu Petrolimex thấy không thống nhất, phải chuyển toàn bộ tờ khai hải quan và các chứng từ liên quan đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất không hết chuyển tiêu thụ nội địa cả năm 2012 về tập đoàn để cùng phối hợp rà soát.

Xuất phát điểm của việc ấn định thuế này là 9/13 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối từ 6 tháng đầu năm 2012 đã bị Tổng cục Hải quan yêu cầu truy thu nợ thuế gần 300 tỉ đồng vì lý do trên, chủ yếu là nợ thuế quá hạn. Dẫn đầu là Petrolimex 82 tỉ đồng, tiếp đến là Tổng công ty xăng dầu hàng không, Công ty cổ phần hóa dầu Quân đội…

Tại thời điểm đó, theo chính sách về tạm nhập tái xuất của Bộ Công Thương, nhất là quy định về việc tạm nhập tái xuất và thời gian ân hạn cho một lô hàng lên đến 180 ngày, đồng thời được ân hạn thuế đến 195 ngày, nhiều doanh nghiệp đã tạm nhập lúc thời điểm thuế nhập khẩu thấp chuyển sang tiêu thụ nội địa thời điểm thuế nhập khẩu cao để hưởng chênh lệch thuế (do tờ khai hải quan theo quy định thời điểm tính thuế là thời điểm thay đổi loại hình nhập khẩu).

Phía doanh nghiệp đã gửi công văn lên Chính phủ hồi đầu tháng 5, cho rằng việc truy thu phần thuế còn lại ở một số lô hàng là không đúng. 

Theo ông Dư Cao Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần hóa dầu Quân đội, việc Bộ Tài chính có công văn chỉ đạo các cục hải quan địa phương yêu cầu hàng hóa tạm nhập tái xuất không hết khi chuyển sang tiêu thụ nội địa phải thay tờ khai hải quan và thời điểm tính thuế là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan thay thế, không phải là thời điểm nhập khẩu và thay đổi cách thức tiêu thụ. Doanh nghiệp cho rằng tính thuế mới tại thời điểm Bộ Tài chính ra yêu cầu nói trên (tháng 12/2012) là không đúng quy định hiện hành.

Doanh nghiệp này cho rằng, năm 2012 là năm Chính phủ điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, định hướng kiềm chế lạm phát và bình ổn giá nên khoảng nửa đầu năm, thuế suất mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh ở mức 0-3%, trong khi cuối năm đã tăng thuế lên 8% đến 12%.

Trước thời điểm tăng thuế, doanh nghiệp đã nhập hàng về nhưng do lượng tái xuất cho khách hàng giảm, nhất là cuối năm 2012 nên công ty phải chuyển sang tiêu thụ nội địa. Hơn nữa, do Chính phủ chỉ đạo dừng tái xuất sang Trung Quốc đột ngột nên lượng hàng chưa tái xuất tiêu thụ nội địa tăng đột biến.

Cuộc tranh cãi giữa các bên còn kéo dài, đến chừng nào dự thảo thông tư thay thế Thông tư 165 và 126 về thủ tục hải quan đối với xuất nhập khẩu và tạm nhập tái xuất xăng dầu chưa được hoàn tất để thay thế những bất cập cũ. Dự thảo mới dự kiến chỉ cho phép xăng dầu tạm nhập tái xuất trong vòng 60 ngày và gia hạn không quá 30 ngày/lô hàng, thay vì 180 ngày như hiện nay để các doanh nghiệp có điều kiện lách thuế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới