Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lũ chồng lên lũ – Bão chồng lên bão

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lũ chồng lên lũ – Bão chồng lên bão

Hàng ngàn ngôi nhà ở Phú Yên vẫn còn bị chìm trong lũ – Ảnh: Tuổi Trẻ Online

(SGTO) – Người dân các tỉnh miền Trung đang gồng mình hứng chịu liên tiếp ba đợt lũ trong vòng hơn tháng qua cùng với cơn bão Lekima hồi đầu tháng 10. Hiện nay lại đến cơn bão Peipah đang đi vào vùng biển đông với dự báo ảnh hưởng đến miền trung.

17 giờ chiều ngày 5-11, bà Nguyễn Thị Sương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên nói với SGTO qua điện thoại là từ sáng tới chiều nay trời Phú Yên không còn mưa to dữ dội như hôm qua, mực nước sông Ba, con sông lớn nhất chảy qua tỉnh Phú Yên đã xuống dần nhưng vẫn còn chậm.

“Nước xuống chậm lắm, giờ vẫn còn trên báo động cấp III, thành phố Tuy Hoà vẫn còn ngập sâu”, bà nói. Báo động III là cấp báo động nguy hiểm nhất của lũ lụt trên sông suối.

Nhà mẹ tôi ở một ngôi làng thuộc vùng đất cao ráo của cánh đồng lúa Tuy Hoà nổi tiếng miền Trung, được kẹp giữa con sông Ba và sông Bàn Thạch. Người dân quê tôi sống dọc theo hai con sông này và chính giữa là cánh đồng lúa. Khái niệm lũ lớn, lũ lịch sử ở quê tôi chỉ khi nào nước của hai con sông tràn qua các làng dọc sông và chảy vào cánh đồng, có nghĩa hai con sông ngập nước và thông nhau.

“Nước hai con sông lần này đã thông nhau”, mẹ tôi báo tin qua điện thoại và cho biết nhà mẹ tôi nước đã vào sân nhà từ chiều hôm qua và trong đời bà, đây là lần thứ hai nước lũ vào nhà vì nhà mẹ tôi vốn ở rất cao trong làng.

Tới chiều 5-11, theo bà Sương, tỉnh Phú Yên sơ bộ có tới 13 người chết và mất tích vì nước lũ. Thiệt hại về vật chất gần như khó có thể thống kê hết được khi nước lũ vẫn còn ngập sâu, chia cắt nhiều vùng trong tỉnh. Các tuyến đường giao thông trong tỉnh bị hư hại nặng, nhất là tuyến đường sắt Bắc Nam và quốc lộ 1 A.

Hôm trước, 4-11, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã ký công văn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải hỗ trợ khôi phục khẩn cấp giao thông qua địa bàn tỉnh Phú Yên khi nhiều đoạn đường sắt, quốc lộ 1 A bị sạt lở làm ách tắc giao thông đường sắt và đường bộ.

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão trung ương, đợt lũ thứ ba trong vòng hơn tháng qua ở các tỉnh miền Trung tới sáng nay đã làm chết 42 người trải dài từ các tỉnh Quảng Bình tới Khánh Hoà và làm mất tích 6 người.

Do đất đã no nước từ hai đợt lũ trước (một đợt lũ đầu tháng 10 do ảnh hưởng của bão Lekima và đợt thứ hai vào giữa tháng ) nên đợt mưa lũ lần này diễn ra nhanh chóng. Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão trung ương, chỉ mưa kéo dài trong hai ngày từ ngày 2 đến 4-11 đã làm cho nhiều tỉnh miền Trung chìm trong biển nước, được nhiều người dân gọi là “lũ chồng lên lũ”. Đỉnh lũ tương đương đỉnh lũ lịch sử năm 1999, năm mà Đài truyền hình Việt Nam lần đầu tiên tổ chức tường thuật trực tiếp từ vùng lũ.

Dự báo đường đi và vùng ảnh hưởng của bão Peipah – Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương.

Tại Quảng Ngãi có trên 50.000 ngôi nhà bị ngập thuộc các huyện Tây Trà, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, thành phố Quảng Ngãi. Còn Bình Định có 20.000 nhà dân thuộc các huyện An Lão, Hoài Nhơn, Phù Cát, Tuy Phước, Hoài Ân, Phù Mỹ và thành phố Quy Nhơn bị ngập sâu 0,5 đến 2 mét. Tại tỉnh Phú Yên nhiều tuyến đường ở thành phố Tuy Hoà đã bị ngập sâu 0,5 đến 1 mét. Đường sắt bị sạt lở tại đèo Cả và đèo Cổ Mã nên các đoàn tàu lửa bị tắc tại ga Đại Lãnh hai lần trong ngày và đêm qua. Quốc lộ 1A đoạn qua đèo Cả và đèo Cù Mông bị sạt mái taluy dương, đã được khắc phục tạm thời tránh ách tắc giao thông nhưng khả năng ách tắc trở lại rất lớn.

Tới chiều nay, mực nước các sông lớn ở miền Trung đang rút xuống nhưng rất chậm. Trong khi đó áp lực mưa lũ do ảnh hưởng của bão Peipah xuất hiện hôm 4-11 sắp vào đất liền Việt Nam đang rất gần.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương, chiều tối 5-11, bão Peipah đã vượt qua quần đảo Philippines tiến vào biển đông với sức gió giật mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 11 (tức là từ 103 đến 117 kilômét/giờ) và giật trên cấp 11. Dự báo trong ngày 7 và 8-11, bão Peipah sẽ nằm giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường sa, ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ.

Cùng với gió mùa đông bắc đang tràn về, có nhiều khả năng bão Peipah sẽ gây mưa to, kéo dài nhiều ngày tới.   Và như vậy, miền Trung vừa đang hứng chịu đợt lũ lịch sử do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trong hai ngày cuối tháng 10, nay chuẩn bị đối phó với bão Peipah mà người dân gọi là “bão chồng lên bão”. Vì với người dân, áp thấp nhiệt đới cũng là bão nhưng là bão nhỏ.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới