Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lữ hành cạn vốn lại lo mất tiền đặt cọc vé máy bay

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lữ hành cạn vốn lại lo mất tiền đặt cọc vé máy bay

Đào Loan

(TBKTSG Online) – Trong bối cảnh gần như không còn khách du lịch quốc tế vì Covid-19, nhiều doanh nghiệp lữ hành lại phải đối diện với nguy cơ có thể mất trắng tiền cọc đặt vé máy bay cho cả năm 2020 này.

Doanh nghiệp đề nghị Chính phủ xác nhận Covid-19 là sự kiện bất khả kháng nhằm đàm phán với ngành hàng không về chính sách hủy, hoãn, hoàn tiền cho lữ hành. Thêm vào đó, trong bối cảnh doanh thu giảm sát đáy trong quí 2 này, doanh nghiệp tiếp tục kêu gọi các chính sách hỗ trợ tài chính từ Chính phủ.

Lữ hành cạn vốn lại lo mất tiền đặt cọc vé máy bay
Khách du lịch ở đảo Phú Quốc. Ảnh: Đào Loan

Đặt cọc tiền vé rồi, đòi được hay không?

Trong những ngày gần đây, căng thẳng về chuyện hủy, hoãn vé giữa lữ hành với hàng không ngày càng gay gắt. Nhiều công ty lữ hành cho biết, do Covid-19 khách hủy tour, hàng không cũng hủy chuyến nhưng nhiều hãng hàng không vẫn không chấp nhận trả tiền đặt cọc vé máy bay hoặc vẫn tính phí hủy vé.

Trao đổi với TBKTSG Online, một số công ty cho biết, đang "mắc kẹt" tại các hãng hàng không hàng tỉ đồng tiền đặt cọc vé máy bay cho năm 2020. Có hãng cho biết nếu khách không đi du lịch thì lữ hành sẽ mất tiền đặt cọc; có hãng báo không hoàn lại tiền đặt cọc mà giữ lại, chờ khi các công ty du lịch có khách sẽ khấu trừ dần vào tiền vé máy bay.

Trên thực tế, có hãng hàng không nước ngoài thông báo đến tháng 12-2020 mới duyệt các chính sách lên quan và đến đầu năm 2021 mới hoàn tiền cọc… Trong khi đó, công ty lữ hành lại rất sốt ruột tìm dòng tiền để xoay xở trong lúc không có khách như hiện nay.

Đơn cử, Bến Thành Tourist đang gặp vấn đề với một hãng hàng không nước ngoài. Tháng 2-2020, công ty đã đặt cọc 160 triệu đồng tiền vé máy bay cho đoàn khách đi châu Âu vào tháng 3-2020. Sau đó, khách hủy tour cho Covid-19 lan rộng tại châu lục này nhưng đối tác hàng không vẫn thông báo là công ty sẽ mất tiền cọc.

"Chúng tôi không định lấy lại tiền cọc, chỉ đề nghị giữ lại chờ khi dịch tan để mua vé trở lại nhưng hãng vẫn dứt khoát là không. Tuần sau, chúng tôi sẽ làm việc tiếp", nguồn tin từ công ty này nói.

Một doanh nhân kinh doanh mảng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cho biết, đã chi 700 triệu đồng để mua vé máy bay. Khi khách hủy, hàng không phạt phí hủy vé 150 triệu đồng còn 550 triệu đồng đáng lẽ phải trả lại cho ông ty nhưng đến nay vẫn chưa trả.

Trong tài liệu phục vụ cho buổi đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp về phục hồi kinh tế diễn ra vào hôm nay (9-5), Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cũng đề cập đến vấn đề này.

TAB cho biết nhiều doanh nghiệp lữ hành có nguy cơ mất trắng tiền đặt cọc vé cả năm 2020 tại các hãng hàng không trong nước do hãng không bay, hủy chuyến nhưng vẫn giữ lại tiền, không hoàn tiền ngay cho lữ hành.

Do đó, TAB đề nghị chính phủ xác nhận Covid-19 là sự kiện bất khả kháng để đồng nhất cách hiểu cho các bên và tránh tranh chấp phát sinh, hỗ trợ du lịch đàm phán với hàng không về chính sách hủy, hoãn và hoàn tiền.

Chưa có khách, tiền đã cạn, du lịch cần giúp sức

Theo kết quả khảo sát gần 130.000 doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vào tháng 4-2020, một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động.

Dòng tiền là "máu" trong cơ thể doanh nghiệp, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài và trầm trọng hơn thì sẽ ảnh hưởng đến sự sống của doanh nghiệp.

Cũng theo cơ quan này, do Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở bên ngoài nên tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục trong thời gian tới. Trong bối cảnh đó, những doanh nghiệp có đầu ra, đầu vào phụ thuộc vào thị trường quốc tế như du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn tiếp tục bị ảnh hưởng nặng.

Thực tế trên thị trường du lịch rất bi đát. Không kể đến những công ty có tiềm lực tài chính chưa vững mạnh, đã phải tạm ngừng hoạt động từ vài tháng trước, khi dịch bệnh bắt đầu làm suy giảm lượng khách du lịch, những công ty lớn hiện cũng rất lao đao để cầm cự.

TAB cho rằng doanh nghiệp đang rất cần các giải pháp hỗ trợ tài chính từ nhà nước. Trong đó, đề nghị nhà nước cho doanh nghiệp lữ hành ứng lại 50% tiền ký quỹ xin giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế (250 triệu đồng) để làm vốn lưu động trong 2 năm.

Doanh nghiệp cần giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 5%, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; cho phép chậm nộp bảo hiểm xã hội và các loại bảo hiểm bắt buộc khác đến 31-12-2020.

Nhà nước cũng nên có chính sách cho doanh nghiệp vay để trả lương, giúp doanh nghiệp tồn tại được và hỗ trợ miễn, giảm lãi suất tiền vay, gia hạn trả góp cho các khảon nợ ngắn hạn cho cả doanh nghiệp và cá nhân…

Trước đó, TAB cũng đề xuất chính phủ chính sách tạo điều kiện và bảo lãnh tín dụng thông qua hệ thống ngân hàng với giá trị lên đến 150.000 tỉ đồng. Mức vay tối đa của từng doanh nghiệp bằng tổng thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và bảo hiểm xã hội đã đóng trong năm 2019.

Các "ông lớn" của du lịch như thế nào trong Covid-19?

Hội đồng Tư vấn Du lịch có 28 thành viên là đại diện lãnh đạo của các doanh nghiệp du lịch lớn và các tổ chức liên quan đến du lịch như Tập đoàn Thiên Minh, Saigontourist, Vingroup, CEO group, Mường Thanh, Vietnam Airlines, BIM Group…

Do ảnh hưởng của Covid-19, doanh thu trong quí 1-2020 chỉ đạt từ 50-70% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, doanh thu quí 2-2020 chỉ đạt từ 10-15% so với quí 1-2019.

Phần lớn doanh nghiệp đã phải áp dụng nhiều biện pháp để cắt giảm chi phí. Trong đó, có tạm thời đóng cửa một số chi nhánh, cơ sở liên doanh; cắt giảm nhân viên, cho làm việc luân phiên, giãn công; giảm các chi phí cố định như tiền thuê văn phòng, chi phí vận hành, tiền điện và hoãn đầu tư liên doanh.

 

Mời đọc thêm:

Khách sạn thua lỗ rao bán, thị trường xuất hiện 'thợ săn' giá hời

Thuế vẫn tính đủ, du lịch khó kích cầu lớn để phục hồi

TPHCM: doanh thu tháng 4 từ dịch vụ lữ hành bằng 'không', lưu trú giảm 88,2%

Chủ tịch HG Group: 'Nếu chỉ làm lữ hành, doanh nghiệp có gì để đảm bảo vay vốn?'

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới