Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lũ ở Bangkok có thức tỉnh TPHCM?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lũ ở Bangkok có thức tỉnh TPHCM?

Quang Chung

(TBKTSG) – TPHCM đang đi trên con đường, mà nếu gặp rủi ro do biến đổi khí hậu, có thể sẽ hứng chịu cảnh lũ lụt như những gì mà Bangkok đang gặp phải. Vì các nguyên nhân dẫn đến trận lũ lịch sử ở Bangkok hiện nay dường như đang hiện diện ở TPHCM.

Đi trên vết xe Bangkok

Sáng vào cơ quan nghe anh bạn đồng nghiệp kể rằng, đêm qua, 31-10-2011, người thân của anh ở Daklak gọi điện hỏi thăm “tình hình ngập lụt có ảnh hưởng gì không”. Cảnh nước lênh láng ở Thủ Đức, quận 12, Bình Thạnh… do triều cường đang hoành hành ở TPHCM chiếu trên ti vi làm người thân của anh bạn sốt ruột.

Cũng phải, khi mà đỉnh triều cường ở TPHCM đạt mức cao chưa từng có (1,57 mét) trong những ngày cuối tháng 10-2011. Lý giải về hiện tượng đỉnh triều cường ngày càng cao (năm sau cao hơn năm trước) các nhà khoa học cho là do TPHCM chịu sự tác động của quá trình biến đổi khí hậu – mực nước biển dâng(*) – và nhiều nguyên nhân trực tiếp từ con người.

TS. Lê Văn Trung, Trung tâm Địa tin học, Khu công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TPHCM, cho rằng sự giảm mực nước ở các tầng khai thác nước dưới đất, cùng với sự phát triển nhanh các công trình xây dựng trên mặt đất… đã và đang gây nên sự biến dạng bề mặt địa hình – lún đất – tại nhiều nơi trong khu vực TPHCM.

Theo ông Trung, các biến dạng này thể hiện qua các hiện tượng mặt đất xung quanh các giếng khoan bị hạ thấp làm trồi ống chống các giếng khoan tại nhiều điểm khảo sát trên địa bàn thành phố. Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Địa tin học, Khu công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TPHCM cho thấy bề mặt địa hình TPHCM bị lún trung bình 1 cen ti mét/năm.

Trung tâm Địa tin học đưa ra kết luận trên nhờ phân tích các ảnh vệ tinh từ tháng 10-1992 đến tháng 3-2010 của cơ quan không gian châu Âu và Nhật Bản. Nghiên cứu này được củng cố khi Sở Tài nguyên môi trường TPHCM cho biết, tình hình khai thác nước ngầm ở TPHCM đã vượt mức 1 triệu mét khối/ngày nhưng lượng nước bổ sung thì dưới 200.000 mét khối/ngày khiến mực nước dưới đất của các tầng chứa nước ngày càng bị hạ thấp.

Đó là chưa nói thời gian gần đây quá trình đô thị hóa nhanh chóng với nhiều cao ốc “đè” lên bề mặt khu vực TPHCM cũng góp phần làm lún đất.

Nhiều chuyên gia cho rằng hiện tượng ngập ở TPHCM còn do hạ tầng thoát nước đô thị đã lạc hậu. Nhưng một góc nhìn khác, ông Trương Văn Hiếu, Phân viện Khí tượng thủy văn và môi trường Phía Nam, cho rằng quy hoạch mạng lưới giao thông và các khu đô thị đang chặng dòng chảy thoát nước của đô thị TPHCM – đó cũng là nguyên nhân gây ngập.

Cụ thể, Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 (sẽ được công bố vào cuối tháng 11-2011) cho thấy quy mô phát triển đô thị cùng hệ thống giao thông thủy, bộ bộc lộ những ảnh hưởng rất lớn đến dòng chảy thủy văn đô thị cũng như khả năng thoát nước tại khu vực TPHCM, theo ông Hiếu.

Sợ… mưa và hồ Dầu Tiếng

Trước thực trạng đất lún, triều cường dâng cao, dòng chạy bị chặn…; nếu gặp mưa lớn và các hồ Dầu Tiếng, Trị An, Phước Hòa xả lũ (hoặc có sự cố) thì nguy cơ “Thủy tinh” tàn phá TPHCM là khó tránh khỏi.
Thật vậy, ông Nguyễn Ân Niên, Hội Khoa học thủy lợi TPHCM, cho rằng với kiểu phát triển đô thị như hiện nay sông Sài Gòn và TPHCM dù có đê bao và cống ngăn triều (như quy hoạch chống ngập đã được Thủ tướng phê duyệt) cũng không thể chịu được mức phân lũ vượt quá 800 mét khối/giây; trong khi hồ Dầu Tiếng có thiết kế xả lũ đến 2.800 mét khối/giây.

Theo GS. Nguyễn Sinh Huy, hồ Dầu Tiếng được thiết kế với lưu lượng xả 2.800 mét khối/giây nhưng vùng hạ lưu, cụ thể là TPHCM, chỉ chịu được lưu lượng tối đa là 500 mét khối/giây. Tất cả các công trình hạ lưu nằm ven sông chỉ thiết kế với lưu lượng không quá 1.000 mét khối trên giây. Đó là vấn đề, là hiểm họa đang treo lơ lửng trên đầu người dân khu vực hạ lưu sông Sài Gòn.

Thực tế từ khi vận hành đến nay hồ Dầu Tiếng chỉ mới xả lũ một lần 600 mét khối/giây (do sự cố) đã gây ngập nặng cho TPHCM. “Với sự biến đổi khí hậu ngày càng bất thường, có ai dám cam đoan hồ Dầu Tiếng không bao giờ xả lũ lớn hơn 600 mét khối/giây, 2.800 mét khối/giây hoặc có thể lớn hơn khi có sự cố – 1,743 tỉ mét khối nước của hồ chứa sẽ tràn về TPHCM, Bình Dương và Tây Ninh?”, ông Phan Khách, Hội Khoa học thủy lợi TPHCM, đặt câu hỏi.

Để hạn chế lũ lớn

Rõ ràng sông Sài Gòn không có khả năng xả quá 600 mét khối/giây. Vì vậy, để tránh thiệt hại cho vùng hạ lưu cần có những giải pháp tổng hợp như xây thêm hồ chứa để cắt lũ, xây đê để ngăn triều, cải tạo hệ thống thoát nước, xây dựng các trạm bơm, các cửa cống…

Thực tế nghiên cứu của GS.TS. Nguyễn Tất Đắc, Hội Thủy lợi TPHCM, cho thấy trên nền lũ năm 2000, nếu Dầu Tiếng xả 1.600-2.100-2.600 mét khối/giây thì dưới hạ lưu đều bị ngập nặng. Thanh Đa ngập từ 9-23 cen ti mét còn Thủ Dầu Một ngập từ 24-51 cen ti mét…

Nghiên cứu của ông cũng cho thấy việc xả lũ của hồ Dầu Tiếng làm gia tăng mực nước trên sông Đồng Nai và ngược lại, xả lũ hồ Trị An làm gia tăng mực nước sông Sài Gòn. Vì vậy, cần xem xét sự phối hợp xả lũ giữa hồ Dầu Tiếng, Trị An và Phước Hòa. Nhưng có lẽ cũng cần phải đối chiếu với các tiêu chuẩn xả lũ thiết kế của các hồ thủy điện trên sông Bé lân cận (Thác Mơ, Cần Đơn, Soc Phumiêng).

Theo GS. Nguyễn Sinh Huy, để việc xả lũ hồ Dầu Tiếng được an toàn cần nâng cao đỉnh đập để nâng cao dung tích điều tiết lũ. Ông Huy cho biết, tài liệu địa hình cho thấy đỉnh đập có thể nâng cao thêm 3-4 mét. Đồng thời, để giải quyết vấn đề được tốt hơn thì chất lượng dự báo lượng nước đến hồ phải được nâng cao – để xả lũ sớm trước khi lũ về.

“Chúng tôi tính toán sơ bộ, nếu nâng thêm 1 mét, mực nước gia cường cho hồ Dầu Tiếng thì lượng xả trong bốn ngày giảm trung bình 800 mét khối/giây. Thực tế là đường viền quanh hồ có cao trình đáp ứng điều này nhưng vấn đề là sức chịu đựng 27 cây số đập phụ và đập chính”, ông Nguyễn Ân Niên nói.

Để giải quyết mối nguy lũ từ Dầu Tiếng tràn về, theo ông Niên, nên nạo vét, đắp bờ kiên cố cho kênh Tây và kênh Đông Củ Chi để xả nước về sông Vàm Cỏ. Trong trường hợp đó cống Thầy Cai phải đóng để không cho nước lũ quay lại sông Sài Gòn. Đồng thời làm cửa van một chiều ở Rạch Chiếu để giảm tải cho lũ sông Sài Gòn sang sông Đồng Nai. Tất nhiên, cũng cần nghiên cứu xây dựng hồ điều tiết lũ trên chi lưu Thị Tính.

_____________________________________

(*) Theo nghiên cứu của Tổ chức liên quốc gia về biến đổi khí hậu toàn cầu, mực nước biển trung bình đã tăng so với 20 năm trước đây là 10 cen ti mét.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới