Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lũ về đua nhau tận diệt nguồn lợi thủy sản

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lũ về đua nhau tận diệt nguồn lợi thủy sản

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – “Cách đây 5, 7 năm, cá tôm nhiều vô số kể, thả một phát lưới (ý nói giăng một lần – tác giả) ăn cả tuần cũng không hết, còn bây giờ cá linh, cá sặt cũng không còn nói chi đến những con cá lớn như cá lóc, cá trê. Cá chưa kịp lên đồng sinh sôi đã bị ghe cào điện ăn hết rồi”- ông Nguyễn Văn Thuận ở xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, Long An bức xúc.

Lũ về đua nhau tận diệt nguồn lợi thủy sản
Người đàn ông đi đầu mang trên vai bộ xiệt điện ra đồng đánh cá kiểu hủy diệt, ảnh chụp tại huyện Tân Thạnh, Long An – Ảnh: Trung Chánh

Không chỉ ghe cào điện, đủ mọi loại hình đánh bắt khác cũng tham gia vào cuộc hủy diệt nguồn lợi thủy sản mùa lũ, ảnh hưởng rất lớn đối với nguồn thu nhập của những người nông dân làm ăn lương thiện, tranh thủ mùa lũ kiếm chút cá tôm.

Đủ kiểu… diệt

Khi nước lũ từ thượng nguồn sông Mêkông đổ về các tỉnh ĐBSCL, cùng lúc này thủy sản cũng theo dòng nước tràn về các cánh đồng để sinh sôi và phát triển. Đây là nguồn thủy sản quan trọng, đem lại thu nhập lớn cho người dân vùng lũ ĐBSCL. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản ngoài tự nhiên này ngày càng ít đi, nguyên nhân là do người dân dùng đủ mọi cách để đánh bắt thủy sản khi chúng vừa tràn lên đồng.

Trong những ngày này, đi dọc theo các tuyến kênh từ UBND xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, Long An về các tuyến kênh kênh 3, Một Thước, kênh 79…, mỗi khi màn đêm buông xuống, hàng loạt ghe cào điện có gắn động cơ máy nổ công suất lớn lại chạy ầm ĩ đánh bắt cá.

Ông Trương Văn Hùng ở xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, Long An nói: “Cứ 3-5 đêm lại có một đoàn ghe cào “quét” qua các tuyến kênh nơi đây. Với cách đánh bắt cá kiểu này (cào điện) thì chẳng còn con cá nào mà sống nổi”.

Ông Nguyễn Văn Thuận ngụ cùng xã nói: “Cách đây 5, 7 năm cá, tôm nhiều vô số kể, thả một phát lưới (ý nói giăng một lần) ăn cả tuần cũng không hết, còn bây giờ cá linh, cá sặt cũng không còn nói chi đến những con cá lớn như cá lóc, cá trê. Cá chưa kịp lên đồng sinh sôi đã bị ghe cào điện ăn hết rồi”.

Không chỉ ghe cào điện đánh bắt dưới sông, nước lũ vừa tràn lên các đồng ruộng ở ĐBSCL, người dân lại dùng bình ắc quy và bộ biến điện một chiều thành xoay chiều (gọi là xiệt) rảo khắp các cánh đồng đánh bắt cá. Đây là cách bắt cá theo kiểu hủy diệt vì người dùng xiệt đi tới đâu là cá chết đến đó, bất kể lớn hay nhỏ.

Ở những cánh đồng có nước lũ ngập sâu (1-2 mét nước) của tỉnh Đồng Tháp, An Giang…, thì lại có một kiểu đánh bắt hủy diệt khác, đó là dớn. Vì lưới làm dớn là loại lưới có mắt rất nhỏ nên có thể bắt được tất cả các loại thủy sản có trên đồng ruộng, kể cả những con cá nhỏ.

“Cá từ thượng nguồn theo dòng nước về những cánh đồng nơi hạ nguồn ĐBSCL để sinh sôi phát triển phải chịu rất nhiều loại hình đánh bắt theo kiểu hủy diệt, như thế nguồn lợi thủy sản không cạn kiệt mới là lạ”- ông Hùng nói.

Tận diệt cá để … nuôi cá

Bà con nông dân cho biết, từ khi hoạt động nuôi cá mùa lũ tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Long An phát triển mạnh thì nguồn cá ngoài tự nhiên cũng cạn dần, bởi nhu cầu sử dụng cá con, cá nhỏ để làm thức ăn cho cá nuôi cũng ngày một tăng lên. Vì vậy nhiều hình thức đánh bắt cá theo kiểu hủy diệt theo đó dần hình thành.

Ông Hồ Văn Bồ ở ấp B, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, Đồng Tháp cho biết, với 2 vèo nuôi cá lóc mùa lũ của ông (mỗi vèo thả nuôi 2.500 con cá lóc giống), mỗi ngày “ngốn” hết 100-150 kg cá tạp (cá tạp là các loại cá lớn nhỏ được đánh bắt ngoài tự nhiên).

Ông Nguyễn Văn Lực ở huyện Tân Thạnh, Long An thừa nhận, do ông không chủ động được nguồn thức ăn cho cá nên ông phải đặt các chủ dớn cung cấp mỗi ngày 150-200 kg cá tạp.

Chính việc tận dụng nguồn thức ăn ngoài tự nhiên để làm nguồn thức ăn phát triển nghề nuôi thủy sản mùa lũ ở nhiều địa phương khu vực ĐBSCL đã vô tình làm phát sinh hàng loạt cách đánh bắt cá theo kiểu hủy diệt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nguồn lợi thủy sản ngoài tự nhiên dần cạn kiệt trong những năm gần đây.

Khi người viết thắc mắc: “Ở đây chính quyền không cấm bắt cá bằng dớn hả anh?”, một thanh niên đang đổ dớn tại xã Phú Tho, huyện Tam Nông, Đồng Tháp nói tỉnh queo: “Có nghe ai nói gì đâu”.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới