Lựa chọn của hoa tam giác mạch
![]() |
(ảnh minh họa) |
(TBKTSG) – Anh bạn gửi cho tôi bức ảnh hoa tam giác mạch nở tím hồng bên sườn núi. Anh chụp bằng máy ảnh dùng phim, scan và e-mail cho tôi. Một cánh đồng tam giác mạch sáng bừng núi đồi!
Nghe rằng, vào thời loạn, trưởng tộc của người Lô Lô (*) chia cho mỗi người đi lánh nạn 12 hạt tam giác mạch, dặn khi tìm được đất hãy gieo hạt xuống. Người Lô Lô bảo, hạt tam giác mạch gieo nơi nào thì nơi ấy là nhà của người Lô Lô. Cuối tháng 9, mưa xuống là mùa gieo tam giác mạch. Có nơi không có người Lô Lô sinh sống mà vẫn thấy gieo tam giác mạch. Đó là vì nơi ấy còn cần hạt cây cho qua cơn đói.
Ngoài tam giác mạch, còn bao thứ hạt tuy không phải cây lương thực nhưng vẫn được sử dụng như lương thực. Và cũng có khi, một số loại lương thực thực phẩm lại không được dùng làm lương thực thực phẩm. Ở miền núi phía Bắc, bếp ăn nhiều khi ít lửa, chứ bếp nấu rượu ngô thì lúc nào cũng phải sẵn sàng. Ở Tây Nguyên, những gùi sắn nấu rượu chất đầy các góc nhà, trong khi gạo và muối trong bếp có thể là hàng cứu trợ. Còn trên các quảng cáo ở giữa thành phố, lúa mạch tất nhiên là dùng để nấu bia.
Nhưng năm nay có nhiều dấu hiệu không yên ổn. Những cơn đói đang lan khắp nơi, từ châu Á đến châu Phi. Những họng súng giữ đồng lúa ở Thái Lan, và canh nơi bán gạo ở Haiti cho thấy điều đó. Hết thiếu gạo lại đến thiếu muối. Thế nhưng, những tín hiệu đó cũng không làm người ta phải nghĩ ngợi nhiều. Bởi vì đến giữa năm thì nước mình thắng mùa lúa. Nỗi lo đói kém đã thành chuyện hài khi nhớ lại cảnh chen lấn mua gạo chỉ mấy tháng trước đây. Ai nấy lại vui trở lại. Và gạo, thực phẩm, lại trở thành đương nhiên đến mức không cần phải e dè trước khi bị sử dụng lãng phí. Khi tiệc tàn, thức ăn nhất định phải còn dư thì bữa ăn mới làm hoan hỉ cả chủ lẫn khách.
Căn bệnh hình thức ấy hẳn xuất phát từ một thời đói khổ. Nhưng cơn đói qua cũng lâu rồi mà bệnh chừng như còn dai dẳng. Trong các bữa tiệc buffet, người ta lấy thật nhiều thức ăn dù chưa biết món đó mình có thật muốn ăn nhiều hay không (cứ nhìn những người phục vụ thấy khách dừng ăn lâu lâu một chút là ra hỏi để dọn bớt đĩa trên bàn trong khi thức ăn trên đĩa còn nhiều thì biết). Khi ăn chọn món, chưa biết có ăn hết hay không, thì đã tính gọi thêm món nữa, sợ người đối diện nghĩ mình không hào phóng. Mà không phải chỉ khi ăn chung. Nhiều người gọi đồ ăn cho chính mình cũng thường gọi cho no con mắt, chứ ít nghĩ tới sức chứa của cái dạ dày.
Khi thức ăn bị lãng phí, thì không chỉ là chuyện thức ăn bị lãng phí. Thử nhẩm tính thì đã ra vài con số giật mình. Thịt bò còn dư phân nửa, thành ra phân nửa số lượng bò bị uổng phí, trong khi 70% diện tích đã biến mất của rừng Amazon là do lấy đất để chăn nuôi bò. Cùng với đó, việc nuôi gia súc để lấy thịt còn sản sinh ra nhiều chất khí gây hiệu ứng nhà kính, chiếm đến 18% tổng lượng khí thải gây ra hiệu ứng này, lớn hơn cả lượng khí thải do mọi xe cộ trên trái đất thải ra.
Tuy nhiên, không mấy ai thực sự quan tâm tới điều đó. Hồi năm ngoái, một nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực trồng rừng ở Việt Nam từng nghĩ tới việc mua bản quyền để chiếu lại phim “Uninconvenient Truth” (một cuốn phim thú vị về những hiểu biết khoa học rất giản dị liên quan đến vấn đề thay đổi khí hậu của ông Al Gore, cựu Phó tổng thống Mỹ). Nhưng lâu quá không thấy phim đâu, hỏi ra mới biết doanh nghiệp đã bỏ ý định đó vì họ nghĩ một bộ phim với nội dung như vậy sẽ không gây được sự hứng thú cho khán giả trong nước.
Thôi thì chuyện người nghĩ sao, mình cũng chỉ biết vậy. Nhưng nước trong, gạo trắng, những tài nguyên mà hôm nay mình cứ coi như chuyện tất nhiên để rồi thoải mái tiêu xài hoang phí, thế hệ mai sau chẳng biết có còn được đủ dùng hay không!
Tôi để tấm ảnh hoa tam giác mạch trên màn hình máy tính. Còn trên truyền hình, người ta vẫn đang quảng cáo những cánh đồng lúa mạch tốt nhất, để làm ra loại bia tuyệt hảo nhất…
NGUYỄN THỊ THANH HẰNG
____________________________________________________________________________________
(*) Một trong những dân tộc ít người nhất của Việt Nam, định cư ở miền núi phía Bắc
(**) Các số liệu trong báo cáo “Livestock’s Long Shadow – Environmental Issues and Options”, FAO, 2006