Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lựa chọn tập thể

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lựa chọn tập thể

Huỳnh Thế Du

Một giảng viên đại học đang hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học. Ảnh: Thanh Tao.

(TBKTSG) – Trong hơn hai thập niên đổi mới, cải cách hành chính, đổi mới giáo dục, và xây dựng cơ sở hạ tầng là ba vấn đề được quan tâm và tiêu tốn nhiều nguồn lực xã hội nhất. Số lượng các chương trình cải cách hành chính và cải cách giáo dục không thể đếm xuể, và tổng đầu tư toàn xã hội cũng như chi tiêu cho giáo dục luôn thuộc diện cao nhất thế giới là bằng chứng rõ ràng nhất. Tuy nhiên, những gì đạt được còn quá ít so với kỳ vọng.

Sự cồng kềnh và kém hiệu quả của bộ máy nhà nước, sự yếu kém đến mức trở nên bát nháo của hệ thống giáo dục, và sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng đang là ba nút thắt cơ bản cản trở con đường đi đến thịnh vượng của Việt Nam.

Ba khâu đột phá nhằm giải quyết các nút thắt nêu trên đã được thông qua tại Đại hội XI của Đảng. Để đạt được mục tiêu, những cải cách trong thời gian tới cần tập trung vào nút thắt gây ra hầu hết những bất cập hiện nay. Đó chính là cơ chế của các lựa chọn tập thể và trách nhiệm cá nhân.

Hành vi cá nhân và kết quả tập thể

Thực tế cũng như các nghiên cứu về hành vi đều cho thấy con người là duy lý và vì mình.

Hành động của một người ở trạng thái bình thường luôn có lý theo góc nhìn của họ. Tuy nhiên, khi các cá nhân cùng hành động tập thể thì các kết quả lại rất khác nhau.

Olson – một trong những người đặt nền móng cho lý thuyết lựa chọn công – đã chỉ ra rằng những cá nhân duy lợi hành động một cách hợp lý theo quan điểm của họ có khuynh hướng cho ra những kết quả phi lý về mặt tập thể.

Nguyên nhân của sự phi lý là do không thể giám sát hành vi của các cá nhân trong tập thể nên các cá nhân thường không hành động vì mục tiêu chung mà họ thường hành động sao cho có lợi cho bản thân nhất.

Hơn thế, việc giám sát đặc biệt khó khăn trong hệ thống phân tầng từ trên xuống dưới và vận mệnh chính trị của các cá nhân do cấp trên quyết định chứ không phải đối tượng mà họ phục vụ – người dân – quyết định.

Những nghiên cứu về hệ thống xã hội chủ nghĩa của Kornai đã cho thấy rất rõ điều này. Sự phổ biến của các kết quả phi lý đã làm cho hệ thống này sụp đổ ở Đông Âu và Liên Xô.

Trái ngược với Olson, khi nghiên cứu về các thành phố trong cùng một quốc gia, Peterson – một nhà chính trị học – lại thấy rằng những cá nhân duy lợi hành động một cách hợp lý theo quan điểm của họ có khuynh hướng cho ra những kết quả có lý về mặt tập thể.


Để đạt được hai mục tiêu có tính sống còn là tạo việc làm cho người dân và nguồn thu ngân sách đủ để cung cấp các dịch vụ công, các thành phố phải cạnh tranh với nhau để thu hút vốn đầu tư, người giàu đến ở và người giỏi đến làm việc, đồng thời xuất khẩu được nhiều sản phẩm của địa phương mình.

Không giống như các quốc gia, các thành phố dường như không có bất kỳ một công cụ mang tính kỹ thuật nào. Không thuế quan, không hàng rào, không ưu đãi, đất đai thì có hạn và họ cũng không có đồng tiền riêng để phá giá tạo lợi thế cho xuất khẩu.

Trong môi trường mở và có so sánh, đời sống người dân và chất lượng các dịch vụ công như thế nào thì ai cũng thấy rõ. Sự tại vị của các lãnh đạo địa phương phụ thuộc vào sự hài lòng của người dân chứ không phải của cấp cao hơn.

Với một thể chế dân cử trực tiếp, các lãnh đạo địa phương biết rằng không cách nào khác, họ phải làm sao cho bộ máy của mình trở nên hiệu quả để có môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn, và môi trường sống và làm việc tốt hơn.

Trong bối cảnh như vậy, sự tham gia và ủng hộ của người dân mang tính quyết định. Và điều này cũng tạo ra áp lực để có một bộ máy chính quyền mang tính đại diện cao, người dân nói được tiếng nói cũng như thực hiện quyền giám sát của mình một cách hiệu quả.

Quan điểm nhìn nhận các hành động tập thể của Olson được gọi là lựa chọn công “cứng” (“hard” public choice). Cách nhìn nhận của Peterson được gọi là lựa chọn công “mềm” (“soft” public choice).

Nếu một hệ thống mà kết quả tập thể theo kiểu lựa chọn công “cứng” chiếm phần đa số thì hệ thống đó sẽ gặp rắc rối, thậm chí là sụp đổ. Ngược lại, nếu các kết quả theo lựa chọn công “mềm” chiếm phần đa số thì hệ thống đó sẽ có sự tiến triển rất nhanh.

Không chỉ các thành phố mà ở quy mô quốc gia, nhiều nước đã xây dựng được các cơ chế để lựa chọn công “mềm” chiếm phần chủ yếu trong các hành động tập thể. Singapore hay các nước Bắc Âu là những ví dụ điển hình Việt Nam thì sao?

Chuyện hôm qua

Những kết quả tập thể phi lý có thể nhìn thấy khắp nơi ở Việt Nam trong thời bao cấp. Câu chuyện “đổ than” trong loạt bài “Đêm trước đổi mới” của báo Tuổi Trẻ là ví dụ điển hình.

“Năm 1979, một công ty khai thác than ở Thái Nguyên được giao chỉ tiêu khai thác 150.000 tấn than. Nhưng năm đó các công ty khách hàng không đủ nguyên liệu sản xuất, máy móc, dây chuyền hỏng hóc… nên hoạt động cầm chừng, không cần nhiều đến than. Sản phẩm của công ty than nọ cứ ngày một chất chồng trong kho bãi. Đến lúc kho bãi không thể chứa thì công tác khai thác cũng phải “phanh” dần.

Tuy nhiên chỉ còn hai tháng nữa là hết năm mà cái chỉ tiêu đó mới thực hiện được hơn nửa. Nỗi ám ảnh không đạt chỉ tiêu đe dọa số phận chính trị của tất cả ban lãnh đạo công ty, đến đồng lương tất cả cán bộ công nhân cũng như danh hiệu thi đua của toàn đơn vị.

Không thể “bó tay”, ban lãnh đạo công ty quyết định ăn ngủ tại công trường, thức trắng đêm cùng công nhân, vượt qua sương muối, gió may miệt mài khai thác cho bằng đủ chỉ tiêu được giao. Công việc lúc này bận rộn và khó khăn gấp đôi bình thường vì sau khi mất công khai thác, công ty còn mất một công nữa là… đổ than đi. Đổ xuống vực, xuống suối, xuống hang… hay bất cứ đâu cũng được.

Sự việc cuối cùng cũng đến tai cấp trên. Giám đốc công ty than bị khiển trách. Thế nhưng trong phiên họp tổng kết năm của toàn công ty, ông giám đốc mặt mũi đen nhẻm, hốc hác chạy lên bục phát biểu hào hứng: mặc dù gặp rất nhiều khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng với tinh thần đoàn kết, nhất trí cao, chúng ta đã phát huy phẩm chất sáng tạo, nỗ lực lao động và đã hoàn thành tốt chỉ tiêu cấp trên giao. Tỉnh đã có bằng khen cho tất cả các đơn vị hoàn thành chỉ tiêu”.

Câu chuyện này đáng suy ngẫm ở chỗ là tuy bị phát hiện, nhưng cuối cùng doanh nghiệp vẫn được khen vì hoàn thành tốt chỉ tiêu được giao. Thực ra, trong bối cảnh như vậy, tỉnh cũng không thể làm khác được, vì còn thành tích của tỉnh để báo cáo lên trung ương và trung ương cũng cần điển hình để chỉ ra tính “ưu việt” của hệ thống “kinh tế”! Hầu hết các cá nhân trong cả hệ thống vì lợi ích riêng của mình có cùng cách hành xử để tạo ra những kết cục như vậy.

Rất may là đứng trước thách thức tồn tại hay không tồn tại, các lựa chọn công “mềm” đã dần xuất hiện. Một số lãnh đạo địa phương nhận ra trách nhiệm thực sự của mình là không được để dân đói chứ không phải tô hồng những con số để hoàn thành kế hoạch được giao. Bắt đầu từ khoán hộ ở Vĩnh Phúc, khoán ở Hải Phòng, thu mua lương thực hay kế hoạch 3 phần ở TPHCM, bù giá vào lương ở Long An… và cuối cùng là quyết sách đổi mới toàn diện để có được những kết quả như hôm nay.

Và chuyện hôm nay

Tuy đã hơn hai thập kỷ, nhưng cơ chế chịu trách nhiệm dường như không thay đổi nên khi nguy cơ “tồn tại hay không tồn tại” tạm thời lắng xuống và mọi người đã tạm đủ ăn thì các lựa chọn công “cứng” lại trở nên phổ biến.


Đầu tiên phải kể đến vấn đề nổi lên trong phiên họp Chính phủ vừa qua. Cả nước tăng trưởng chưa đến 6%, nhưng tất cả các tỉnh thành đều báo cáo địa phương mình tăng trưởng cao hơn 6% rất nhiều.

Ai cũng thấy phi lý, nhưng đâu có cơ chế hay động cơ nào để tìm ra sự thật. Cấp trên vẫn phải dựa vào hệ thống báo cáo từ dưới lên trên để chọn ra những cá nhân hay tập thể “điển hình” để khen thưởng hay tuyên dương.

Giáo dục thì đi xuống, nhưng kết quả học tập của học sinh thì chủ yếu là giỏi và xuất sắc và rất nhiều người được nhận những phần thưởng cao quý. Bóng đá thì đầy rẫy tiêu cực, nhưng khi ông tổng thư ký liên đoàn nộp đơn từ chức thì ông huấn luyện viên trưởng phải ra đi.

Nếu vấn đề dân chủ ở cơ sở, trách nhiệm thực sự đối với người dân không được quan tâm một cách thấu đáo thì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” sẽ rất xa vời, trong khi những mầm mống cho bất ổn xã hội sẽ trở nên nghiêm trọng.

Rồi thì Quảng Nam muốn xây tượng bà mẹ Việt Nam anh hùng mấy trăm tỉ đồng trong khi còn nhiều người dân thiếu đói. Các doanh nghiệp nhà nước độc quyền làm ăn kém hiệu quả, chi tiêu vô tội vạ đẩy giá thành lên cao để rồi lúc nào cũng đòi tăng giá và lập luận rằng lỗ là do phải thực thi trách nhiệm xã hội. Họ trả lương cho nhân viên bằng cả chục lần thu nhập bình quân đầu người của cả nước vẫn kêu là thấp.

Sự phổ biến của những lựa chọn công “cứng” hiện nay là do cơ chế chịu trách nhiệm. Hiện tại vẫn là cấp dưới chịu trách nhiệm với cấp trên trong khi cơ chế chịu trách nhiệm trực tiếp trước người dân dường như vẫn còn thiếu vắng cho dù Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở từ năm 1998, và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã phường, thị trấn đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua năm 2007.

Cấp trên không thể biết được cấp dưới thực sự làm gì nên bệnh thành tích tràn lan, tô hồng, tốt khoe xấu che trở nên phổ biến.

Thực ra, không có bất kỳ một thể chế hay nhà nước nào có thể giám sát được hoạt động của chính mình. Hơn thế, một khi bộ máy trở nên quá cồng kềnh thì giải quyết những vấn đề nội tại của nó đã tiêu tốn hầu hết nguồn lực hiện hữu nên khó mà thực hiện được sứ mạng đặt ra.

Đã đến lúc Việt Nam cần phải bàn thảo và có những chính sách hợp lý để người dân được quyền tham gia cũng như giám sát thực chất việc vận hành chính quyền, nhất là ở cấp độ địa phương. Bầu cử thị trưởng trực tiếp ở các đô thị lớn có lẽ là bước khởi đầu thích hợp.

Trở lại vấn đề bình đẳng

Các thành phố, trung tâm tạo ra của cải và hàng hóa cho toàn xã hội ở các nước phát triển đã rất thành công trong việc phát huy hiệu quả của chính mình để huy động nguồn lực nhằm trở thành các đô thị giàu có. Đây là điều mong mỏi của các thành phố đang phát triển.

Tuy nhiên, khiếm khuyết nghiêm trọng của hầu hết các thành phố nêu trên là quá chú trọng vào tăng trưởng kinh tế mà quên đi công bằng. Điều này đã làm cho tình trạng chênh lệch giàu nghèo ngày một trầm trọng hơn.

Sự can dự quá mức của các doanh nhân đã bóp méo không ít chính sách công theo hướng có lợi cho họ và đẩy người nghèo vào hoàn cảnh bất lợi hơn. Tức nước vỡ bờ và làn sóng “Chiếm lấy phố Wall” (Occupy Wall Street) đã nổ ra. Đây là vấn đề nan giải mà các nước đang phát triển đang phải đối mặt.

Thực ra công bằng và ảnh hưởng chính sách của các doanh nghiệp cũng là vấn đề rất nổi cộm ở Việt Nam.

Hầu như tất cả các địa phương đang bước vào cuộc đua thu hút vốn đầu tư và đẩy không ít người nghèo, những nông dân mất đất, mất nhà ra lề. Các địa phương dường như chỉ quan tâm đến việc giải tỏa cho nhanh, lấy được đất để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, chứ không quan tâm đến đời sống của những người bị giải tỏa.

Những nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM về các chương trình tái định cư của thành phố trong hai thập niên qua cho thấy chưa đến một phần tư số hộ gia đình bị giải tỏa còn ở trong các khu tái định cư. Thu nhập cũng như cảm nhận về cuộc sống của hầu hết những người ở lại này là không được cải thiện.

Tuy không có số liệu điều tra cụ thể, nhưng cuộc sống của hơn ba phần tư số còn lại (một nửa số người nhận tiền đền bù và tự lo tái định cư cũng như hơn một nửa số người bán căn hộ hay đất tái định cư) có thể còn khó khăn hơn.

Ngay cả những người nhận được một khoản tiền đền bù rất lớn cũng có thể gặp rắc rối vì họ dường như không có kinh nghiệm quản lý số tiền lớn. Rất có thể sau khi xây được ngôi nhà đẹp với một số phương tiện đắt tiền là cảnh không nghề nghiệp, không thu nhập đầy bất trắc trong tương lai.

Thêm vào đó, việc tăng cường đội ngũ doanh nhân vào các cơ quan dân cử là điều đáng mừng. Tuy nhiên, những dấu hiệu cho thấy tác động vào các chính sách công của các doanh nghiệp ngày một rõ nét hơn. Đây thực sự là một nguy cơ rất lớn nếu không có cơ chế giám sát phù hợp.

Tóm lại, nếu vấn đề dân chủ ở cơ sở, trách nhiệm thực sự đối với người dân không được quan tâm một cách thấu đáo thì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” sẽ rất xa vời, trong khi những mầm mống cho bất ổn xã hội sẽ trở nên nghiêm trọng.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới